Người khuyết tật tàn nhưng không phế
10/04/2017 - 00:00
TĐKT - Chị Khuất Thị Thao sinh ra và lớn lên tại Cụm 1, thôn Xuân Trù, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ở tuổi 55 mặc dù bị tật nguyền nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ chị đã vươn lên khẳng định bản thân “Tàn nhưng không phế” và giang tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.

Chị Thao cho biết, chị sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, khi sinh ra, chị cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm lên 3 tuổi, một lần bị sốt cao lên cơn co giật khiến chị từ một người bình thường khỏe mạnh trở thành người khuyết tật. Cũng từ cơn sốt ấy, chị phải đối diện với di chứng lệch cơ thể, người gầy gò, sức khỏe giảm sút.

Gia đình vốn đã nghèo lại đông con, nên sau khi học hết cấp 2, chị quyết định chuyển hướng đi học nghề may với mong muốn có một nghề ổn định để nuôi sống bản thân, không thành gánh nặng cho gia đình.

Cũng từ đó, chị như có cơ duyên với nghề. Những ngày đầu đến với nghề may thật không dễ dàng, người bình thường, khỏe mạnh vốn đã cực, với chị mọi thứ lại khó hơn gấp nhiều lần. Từ chuyện cắt may ra sao, vắt sổ thế nào… đã khiến chị không ít lần mỏi mệt. Nhưng nhờ nghị lực và sự quyết tâm, sau bao khó khăn, chị đã học thành nghề và trở về quê nhà mở một hiệu cắt may.

Active Image

Chị Khuất Thị Thao làm việc tại cửa hàng may 

Nhớ đến những ngày đầu mở hiệu, chị kể, chị chủ yếu cắt may quần áo cho bạn bè và gia đình. Dần dà, khi chị có tay nghề, có tiếng, mọi người đến đặt may ngày càng nhiều hơn. Một phần từ năng lực, phần được mọi người ưu ái giúp đỡ, chị không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Câu chuyện người phụ nữ tật nguyền vượt khó không chỉ dừng lại ở đó, từ hoàn cảnh bản thân, chị cũng đồng cảm và thấu hiểu với những người khuyết tật khác. Vì vậy, chị đã nhiệt tình giúp đỡ những người kém may mắn như mình vượt qua mặc cảm để cùng vươn lên ổn định cuộc sống.

Chị đã lựa chọn dạy nghề may miễn phí cho nhiều người. Những người đến học nghề đều được chị chỉ bảo tận tình từng đường kim mũi chỉ. Đến nay, chị đã giúp đào tạo nghề cắt may cho hàng chục chị em khuyết tật. Từ nghề ấy, nhiều người đã có việc làm ổn định trong các công ty may mặc hoặc tự mình mở cơ sở, tạo lập cuộc sống.

Không chỉ dừng lại tại đó, chị còn thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật xã, được mọi người tín nhiệm bầu vào ban chấp hành của Hội. Từ đây, chị cùng Hội đã chung tay tìm kiếm công ăn, việc làm cho mọi người, từ công việc may mặc, làm hương cho đến mây tre đan ở các cơ sở tại địa phương và vùng lân cận.

Chứng kiến và nhìn những việc chị đã làm khiến nhiều người cảm thấy nể phục chị, không ai có thể tin rằng, đằng sau thân hình gầy gò, bé nhỏ ấy lại có sự quyết tâm lớn lao và lòng nhân ái đến vậy.

La Giang