TĐKT - Đến Ấp 4 (xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) hỏi về già làng Lâm Hớ, Bí thư chi bộ ấp 4 ai cũng biết. Ông là người luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, được bà con quý mến, chính quyền tin tưởng.
Ấp 4 có 3 dân tộc gồm Khmer, Stiêng và Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm 92%. Điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn, lạc hậu. Là người có uy tín của ấp, già làng Lâm Hớ luôn thực hiện tốt và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Để tạo niềm tin trong nhân dân, ông kiên nhẫn đến từng nhà, gặp gỡ từng người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của từng người dân trong ấp. Với uy tín của mình, ông nói ai cũng nghe, cũng tin. Bằng nhiều cách, nhiều hình thức, ông đã giải thích, hướng dẫn để dân làng hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Già làng Lâm Hớ tại lễ vinh danh 20 công dân Bình Phước ưu tú nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước
Nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, ông tích cực vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ông đã tự tìm các chuyên gia để học tập cách thâm canh lúa nước sau đó hướng dẫn cho bà con trong vùng. Nhờ vậy, giờ đây đồng bào Khmer trong xã đã biết trồng lúa nước 2-3 vụ/năm, thâm canh tăng vụ trong vườn điều, tiêu và trồng xen các loại cây ngắn ngày; biết áp dụng những kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như sử dụng máy cày, trồng tỉa, bón phân...
Già làng Lâm Hớ đã từng bước giúp người dân bản thay đổi nhận thức từ cách làm kinh tế, tới nếp nghĩ về ma chay, cưới hỏi. Nhận thức của người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ, cưới xin được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây.
“Ở ấp 4, ý thức sinh hoạt của bà con đã đi vào nền nếp. Những việc làm ấy tuy rất nhỏ, nhưng mang ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho con, cháu. Mình là già làng, phải gương mẫu thực hiện, con, cháu mới noi theo.”- Già làng Lâm Hớ chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cũng là người tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội. Hàng năm, ông đều giúp đỡ các gia đình khó khăn từ 20 - 30 triệu đồng, hỗ trợ những hộ nghèo lúa giống để sản xuất, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, mở lớp xóa mù chữ… Gia đình ông còn là thành viên của bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, mỗi tuần góp 400 ngàn đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm khơi dậy lòng dân. Nghe lời ông, nhân dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm đường, tự nguyện, góp tiền làm các tuyến đường bê - tông liên ấp, xã. Riêng gia đình ông đóng góp 17 triệu đồng để xây đập và 100 m mương dẫn nước vào cánh đồng lúa Xơ Đăng gần 10 ha của 4 hộ ở ấp 4; 2,2 triệu đồng mua 11 m3 đá và huy động 15 công lao động để làm đường ở tổ 1…
Có thể nói, cả đời già làng Lâm Hớ là một chuỗi quá trình cống hiến. Tuổi trẻ cống hiến vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, về già tích cực tham gia công tác địa phương. Ông tâm sự: “Được bà con tin yêu bầu làm già làng, tôi rất vinh dự, nhưng cũng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề với bà con. Đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm, bởi tâm huyết, lòng nhiệt thành của tôi không bao giờ tắt”.
Tùng Chi