Người đi gieo mầm những ước mơ cho người khuyết tật
13/10/2020 - 08:53

TĐKT - “Người khuyết tật là người bình thường, họ rất giỏi, rất chăm chỉ, sống trách nhiệm và đầy nghị lực. Mình mong sẽ có thêm nhiều người tử tế tạo thêm nhiều cơ hội cho người khuyết tật có làm việc, được đóng góp công sức, giá trị và tài năng của họ cho đất nước…” - Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Nhật Minh Phương, người sáng tạo ra bộ môn làm tranh bằng dây đồng, người được tổ chức Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục. Chị còn là một gương sáng trong việc hết lòng truyền nghề cho những người khuyết tật không được may mắn.

Chị Minh Phương cùng những sản phẩm nghệ thuật độc đáo được làm từ dây đồng

Chị Nguyễn Nhật Minh Phương cho biết tranh làm bằng dây đồng là một dòng tranh độc quyền do chị sáng tạo ra, những bức tranh được làm thủ công bằng tay, nguyên vật liệu đa phần là dây đồng được quấn tỉ mỉ bằng nhiều cách khác nhau để tạo ra các họa tiết phù hợp với từng chủ đề của bức tranh.

Sáng tạo là chìa khoá để thực hiện còn thổi hồn vào các bức tranh là do bàn tay của người làm. Sự đam mê đã giúp chị thỏa sức sáng tạo, tạo dựng được một bộ môn nghệ thuật độc đáo có một không hai trên thế giới.

Trong cơ sở sản xuất, sáng tác của chị, tất cả những người khuyết tật đang miệt mài tạo ra các sản phẩm, mỗi người mỗi việc, từng công đoạn để ráp lại thành một bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh. Chị cho biết chị chỉ truyền dạy nghề cho người khuyết tật vì đó là cơ duyên và lời tự hứa từ chương trình thiện nguyện cuối cùng chị tổ chức cách đây 8 năm. Bởi chị ý thức được các bạn khuyết tật cần được giúp đỡ không chỉ bằng những vật chất, tinh thần mà còn phải làm nhiều hơn thế nữa, với chừng khoảng thời gian ít ỏi đó chị Phương đã giúp đỡ và đào tạo gần trăm học viên người khuyết tật tạo thu nhập từ 6.500.000 đồng mỗi tháng cho các học viên. Ngoài ra chị còn tạo điều kiện cho nhiều lứa học trò lành nghề có cơ hội tự làm ra sản phẩm và buôn bán lẻ nuôi sống bản thân.

“Người khuyết tật là người mà thể lý bị khiếm khuyết, để truyền dạy cho các em không hề dễ chút nào, đối với các bạn khiếm thính mình phải học ngôn ngữ giao tiếp bằng các cử chỉ, điệu bộ... Nghề của mình mới lạ với các bạn nên khi mới bắt đầu học nghề, mình phải kiên nhẫn dạy và động viên các bạn từng chút một, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để phát triển đúng thế mạnh của các bạn. Với những bạn gặp khó khăn trong việc học nghề, mình phải luôn động viên và dạy thêm cho các bạn ngoài giờ làm việc.” – Chị Phương chia sẻ.

Người khuyết tật là người có tinh thần dễ tự ti mặc cảm, ý thức được điều này chị Phương luôn cố gắng truyền dạy, động viên, khen thưởng giúp đỡ các em về mọi mặt, chăm lo hỗ trợ gia đình các em về kinh tế lúc khó khăn. Nâng đỡ tâm hồn các em, giúp các em nhìn thấy cuộc đời này còn nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ các em làm, từ đó giúp các em rèn luyện hình thành nhân cách tốt, siêng năng sống có trách nhiệm, lành mạnh có ích cho đời. Chị Phương luôn nghĩ dù trong bất cứ nghịch cảnh nào, yếu tố tinh thần là chìa khoá quyết định thành bại của tương lai cho nên chị luôn truyền cho các em nguồn cảm hứng lạc quan, sáng tạo và sẻ chia với các bạn khó khăn hơn mình.

Chị Minh Phương tận tình hướng dẫn cho các học viên của mình

Chị cho biết có đôi lúc chị cảm thấy bế tắc khi một bạn học viên rưng rưng nước mắt nói rằng “Cô ơi, con không biết con còn sống được bao nhiêu ngày nữa”. “Khi cột sống cong vẹo của bạn ảnh hưởng đến tim và làm bạn khó thở, khi bệnh viện nói rằng không thể chữa trị vì đó là khuyết tật bẩm sinh. Mình đã khóc, nhưng mình đã không bỏ cuộc, mình đã cố gắng tìm tòi các cách chữa trị ở trong và ngoài nước cho bạn. Mình đã hỏi các bác sĩ ở Việt Nam và cuối cùng tìm được một vị bác sĩ chữa được bệnh cho bạn. Sau đó bạn đã sống khỏe mạnh, hạnh phúc và vui vẻ cho đến bây giờ, hiện tại bạn vẫn ở cạnh và làm việc tại cơ sở của mình, minh chứng cho nghị lực sống và làm việc sáng tạo có ích cho gia đình và xã hội .” – Chị kể.

Chị chia sẻ: “Người khuyết tật là người bình thường, họ rất giỏi, rất chăm chỉ, sống trách nhiệm và đầy nghị lực. Mình mong sẽ có thêm nhiều người tử tế tạo thêm nhiều cơ hội cho người khuyết tật được làm việc, được đóng góp công sức, giá trị và tài năng của họ cho đất nước.” Chính bởi suy nghĩ đó, chị luôn giữ lời hứa là chỉ truyền dạy lại nghề này cho người khuyết tật. Thông qua việc tạo lập xây dựng các đội nhóm làm việc đoàn kết, cơ sở sản xuất của chị hướng tới mục tiêu phát triển nghề làm tranh bằng dây đồng không chỉ là một nghề mà còn là một bộ môn nghệ thuật trong tương lai. Sắp tới chị sẽ phát triển rộng thêm mảng trang sức từ dây đồng để có thể giúp cho các bạn khuyết tật ở xa học nghề từ các video của mình, tự làm sản phẩm tại nhà. Chị sẽ hỗ trợ và giúp các bạn bán sản phẩm, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu nghề và tác phẩm tranh do các bạn làm đến nhiều người hơn, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Chị Minh Phương giới thiệu các sản phẩm độc đáo được làm từ dây đồng

Các tác phẩm của chị thấm nhuần triết lý Phật giáo thông qua các hình ảnh về Đức Phật. Quả thật ở đâu có bất hạnh thì ở đó cần sự sẻ chia, việc chị đang làm là cho các bạn khuyết tật một hành trang vào đời, một hành trang mà họ có thể bước tiếp mặc dù rất chậm chạp nhưng vững chắc.

Hiện nay, khi cả nước đang oằn mình chống dịch bệnh, kinh tế - xã hội từng bước được hồi phục nhưng ở đâu đó vẫn còn những tấm lòng như chị Phương vẫn miệt mài chỉ dạy và phát triển nghề làm tranh bằng dây đồng, đóng góp cho xã hội các chuỗi giá trị về kinh tế và giải quyết được phần nào an sinh xã hội của đất nước. Chị cho biết, đã nhận được nhiều lời đề nghị về việc chuyển nhượng nghề này với giá rất cao nhưng chị từ chối. Từ chối vì chị luôn muốn giữ lời hứa và muốn vun đắp cho những ước mơ, giúp đỡ những người khiếm khuyết để họ không bị xã hội bỏ lại phía sau: “Mình mong muốn người Việt Nam luôn giữ và làm tốt tinh thần này mãi mãi. Riêng mình sẽ có thêm kế hoạch để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn nữa, giúp họ hạnh phúc hơn, tự lập hơn, tự tin và có cuộc sống tốt hơn”.

Cần lắm những tấm lòng như chị Phương, người gieo mầm cho những ước mơ, tuy bé nhỏ nhưng nó đủ cho chúng nhận thức rằng, luôn cho đi những gì ta có để cầu mong những điều tốt đẹp hơn luôn ở quanh ta.

Xuân Phúc