TĐKT - Trở về quê hương sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, chứng kiến chữ Thái đang dần bị mai một, nhiều người dân tộc Thái không biết đọc, biết viết chữ của chính dân tộc mình, nghệ nhân Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bắt đầu ấp ủ ước mơ “đánh thức” con chữ Thái. Ông dành hầu hết thời gian miệt mài biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái, xuất bản gần một chục đầu sách có giá trị; nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An.
Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình (ngoài cùng bên trái) - điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, giao lưu với khán giả.
Ông Sầm Văn Bình cho biết: Chữ Thái là một kho báu linh thiêng, có tuổi đời trên dưới cả ngàn năm, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên.
Thế rồi ở xã vùng cao Châu Cường (Quỳ Hợp), một câu lạc bộ chữ Thái đã tự phát ra đời, ông được mời tham gia và trở thành linh hồn của câu lạc bộ này.
“Qua học tập, tôi thấy chữ Thái rất hay, hiểu được nhiều điều để những cái hay cái đẹp phát huy, còn cái lạc hậu thì mình bỏ đi. Mình đi học để biết được chữ của chính dân tộc mình sau bày lại cho con, cho cháu.” – ông Bình chia sẻ.
Một trong những thành công của ông là đã soạn gần như hoàn chỉnh (từ năm 2006 - 4/2010) bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, giống như những cái bậc đi lên rẫy trên núi cao của người miền Tây, học viên cứ từng bước, kiên trì nhẫn nại mà leo lên. Tập 2 với 20 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được.
Song song và tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, ông còn hoàn chỉnh được đến 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham” (viết chung với Thái Tâm). Ông còn viết khá nhiều bài báo giới thiệu về chữ Thái và văn hoá Thái trên các báo trung ương và địa phương.
Đặc biệt ông đã nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An và được sử dụng cho chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của Báo Nghệ An cuối tuần từ nhiều năm nay.
Nhiều người tìm đến nghệ nhân Sầm Văn Bình để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái
Sau 10 năm, ông đã mở được hơn 10 lớp học tại huyện với hơn 400 người tham gia học tập. Ngoài ra, ông còn về mở lớp dạy chữ Thái tại gia đình cho khoảng 10 chị em tham gia học tập vào thứ 7, chủ nhật.
Những cố gắng của ông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều ban, ngành. Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã tạo mọi điều kiện để ông nghiên cứu và giảng dạy chữ Thái. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng luôn quan tâm, động viên để ông đạt nhiều thành quả hơn nữa trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển chữ Thái. Đặc biệt, những năm gần đây, Báo Nghệ An còn mở chuyên mục riêng về chữ Thái, thường xuyên có bài viết của ông.
Qua 5 khoá học do ông giảng dạy, với một hình thức sư phạm khá độc đáo, đến nay huyện Quỳ Hợp đã có trên 100 người biết đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay, trong đó đến 75% là các em học sinh người dân tộc Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Hiện nay khoá 6 đang tiếp tục, với 3 lớp học và trên 90 học viên, tuổi ít nhất là 13 và nhiều nhất là 45.
Ông tâm niệm: “Việc lưu giữ và truyền dạy chữ Thái là mục tiêu chung trong bảo tồn và phát triển văn hóa của nhà nước. Nhưng ở tầm bản Mường và gia đình, nó là một công việc của mỗi người, trong đó có tôi. Với vai trò là trưởng họ, tôi thấy nên lưu giữ lại những phong tục, tập quán tốt đẹp.”
Từ năm 2011 đến năm 2017, ông Bình đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn Nghệ An”. Tháng 5/2017, đây là đề tài duy nhất trong tổng số 43 công trình được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Nghệ An trao giải đặc biệt trong cuộc thi sáng tạo KHCN Nghệ An năm 2017.
Ông Sầm Văn Bình đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2016; bằng khen của UBND tỉnh đạt giải đặc biệt với công trình “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay”; giải thưởng của “Quỹ Tâm tài Nghệ An”; được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham dự chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Nguyệt Hà