TĐKT - Ông Bùi Công Hiệp là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 - Mặt trận 479 thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979. Với tâm niệm giúp đỡ và chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ông đã làm giấy trao tặng 2.500 m² đất và căn nhà 3 tầng trị giá 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi. Để các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần”. Đến nay, ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, với số lượng 120 trẻ em từ sơ sinh (mấy ngày tuổi) đến 10 tuổi.
Ông Hiệp bên những đứa con có hoàn cảnh đặc biệt của mình. (Ảnh: HTV online)
Lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho các con
Với mong muốn các con lớn lên phát triển toàn diện, ông đã đầu tư 7 tỷ đồng xây tòa nhà mới 800m² cùng hồ bơi chuẩn quốc gia để các bé vận động ngoại khóa và ông đang thương thảo với chủ đất rộng 35 hecta để làm nơi đưa các bé lên đó trồng cây xanh vào những dịp rảnh rỗi. “Tôi sẽ dành hết mọi sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở thành những người có phẩm chất tốt để các bé hòa nhập với xã hội khi trưởng thành, nuôi sống bản thân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Bùi Công Hiệp - Giám đốc Cơ sở bảo vệ trẻ em Thiên Thần, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Để duy trì mái ấm, mỗi năm gia đình ông Hiệp phải chi phí không dưới 9 tỷ đồng. Ông Hiệp khẳng định: “Số tiền đó không ít. Nhưng nếu so số tiền đã bỏ ra trong thời gian qua và tương lai của 100 đứa trẻ, thì không tiếc gì. Vật chất bao nhiêu cũng không thể sánh được”.
Chia sẻ về các hoạt động của mình trong một ngày, ông cho biết, mình bắt đầu ngày mới từ hơn 4 giờ sáng nấu ăn cho các con. Đối với các bé đi học tiểu học ông nấu các món khác nhau cho các bé ăn đổi món hàng ngày. Đối với các bé nhỏ từ 2 đến 5 tuổi, ông nấu cháo theo từng thực đơn riêng. Sau khi cho các bé ăn xong, bé nào phải đi học thì ông tận tay lái xe đưa các con đến trường. Sau đó, ông về lại và xuống bếp tiếp tục dọn rửa, chuẩn bị bữa trưa cho các bé đi học về… Các bé ở mái ấm được học võ vào các ngày thứ ba, năm, bảy; còn thứ hai, tư, sáu học dance sport; riêng thứ bảy, chủ nhật học tiếng Anh.
Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, thành người có ích, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, rời khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội, thể thao, âm nhạc, hội họa… và đặc biệt là biết ngoại ngữ và tin học để hội nhập.
Ông Hiệp cho biết, ông không đặt nặng vào kiến thức học ở trường. Cái ông quan tâm là các kỹ năng để con sinh tồn, bảo vệ bản thân mình. Còn ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc cho tương lai sau này, các con lớn lên phát triển, hòa nhập với thế giới. Bởi các con muốn có những kiến thức mới mẻ, hiểu biết rộng mở phải có ngoại ngữ để đọc sách báo, tài liệu nước ngoài, tự trau dồi kiến thức để sau này kiếm kế sinh nhai, phát triển bản thân…
Đều đặn 2 buổi sáng, chiều ông Hiệp đưa, đón các con đi học.(Ảnh: PV)
Ban đầu chỉ với hai cô bảo mẫu, đến nay mái ấm Thiên Thần đã có tới 10 cô bảo mẫu được ông Hiệp thuê về thay phiên chăm sóc cho các bé. Là người thường xuyên cùng ông Hiệp chăm sóc các bé, cô Võ Dung Hạnh, quản lý mái ấm Thiên Thần cho biết: “Miệt mài chăm sóc các bé đến nay cũng đã được 7 - 8 năm nhưng chưa lúc nào tôi thấy chú Hiệp nghỉ tay và than vãn mệt mỏi khi lo cho các bé”.
Ông Nguyễn Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND Quận 9 cho biết: "Ông Hiệp là một gương sáng của quận. Phải thật sự là người có suy nghĩ lớn, luôn vì cộng đồng, xã hội và giàu tình thương mới có được những nghĩa cử như ông Hiệp".
Tấm lòng vàng của người cha già
Tiếp xúc với chúng tôi là người cựu chiến binh có khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt sáng ngời khi nói về các con của mình, ông Hiệp cho biết, việc gì càng khó khăn ông càng muốn làm, nhất là việc chăm sóc các bé. Ông hay tâm sự với các bé lớn hơn trong mái ấm rằng: “Vùng trời này rộng lắm, nếu đủ sức và đủ lông, đủ cánh, các con cứ bay đi theo ý thích của mình. Khi nào thấy mệt mỏi, chùn chân mỏi gối, hãy về mái ấm này nghỉ ngơi và có thể ở lại bất cứ lúc nào và ở bao lâu tùy thích bởi đó là nhà của các con”.
Với suy nghĩ mình như là người cha mẹ ruột thịt của các bé, điều ông Hiệp trăn trở khi nhận nuôi các bé là lo giấy khai sinh và đặt tên cho các con. Theo đó, khi làm giấy khai sinh tên cho các con, ông Hiệp luôn ưu tiên lấy họ các con theo mẹ đẻ hoặc bố đẻ để sau này các bé lớn lên có thể nhận lại cha mẹ hoặc dễ dàng đi tìm cha mẹ mình.
Còn đối với những em bé bị bỏ lại trước cổng trung tâm, ông Hiệp tìm những dấu vết và đồ vật trên người bé và cất giữ cẩn thận để sau này bé lớn lên muốn tìm lại mẹ có thể dựa vào đó để đi tìm. Trong trường hợp các bé không có thông tin gì về bố hoặc mẹ, khi đó ông Hiệp mới lấy họ của mình đặt tên cho các con. Theo ông Hiệp, chính quyền địa phương khi biết đến mái ấm Thiên Thần chuyên nhận nuôi các bé mồ côi cũng đã tạo điều kiện để hầu hết các bé ở đây được cấp giấy khai sinh.
Ngôi nhà 3 tầng của ông Hiệp có đầy đủ tiện nghi phục vụ mọi hoạt động vui chơi, giải trí cho các bé.(Ảnh: PV)
Khi được hỏi về những dự định sắp tới dành cho mái ấm, ông Hiệp hi vọng: "Tôi sẽ xây dựng trung tâm cho các con học hành, mở trường lớp riêng cho các bé và cả khu vui chơi, sinh hoạt cho các bé lớn nữa. Tương lai, nếu ở đây hoạt động trơn tru, thì tôi sẽ mở thêm một trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Bởi các bé sơ sinh bị bỏ rơi thường chịu nhiều thiệt thòi nhất”.
Với tấm lòng thiện nguyện, xuất phát từ trái tim nồng ấm, ông được ví như “ông Bụt” giữa đời thường. Việc làm của ông lay động hàng triệu người trên cả nước khi là nhân vật điển hình của chương trình Việc tử tế, được VTV 24 Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu và năm 2019 ông được Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Ban chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng. Vinh dự hơn cả, năm 2020 ông là một trong 50 điển hình được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những việc làm đầy nhân văn của mình.
Tố Như