TĐKT – Năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ngày ngày ông Mai Văn Phấn vẫn cùng bà Lê Thị Dồi (ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vượt kênh mương, băng đồng ruộng để tìm cây thuốc nam giúp người.
Ông Phấn cho biết, trước đây khi còn trẻ, khỏe, cuộc sống nhiều khổ cực nên hai vợ chồng ông bà phải lam lũ, gồng gánh làm đủ thứ nghề từ nuôi vịt chạy đồng, hàng sáo, cấy lúa mướn, dệt chiếu, cắt môn làm dưa, chèo xuồng chở xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu… để bán. Sau khi tích cóp được một số tiền, ông bà chuyển sang nuôi vịt, mua đất vườn trồng cây ăn trái, nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định. Tuy nhiên, ổn định chưa được bao lâu, ông lại ngã bệnh, phải chạy vạy chữa trị khắp nơi. May sao được chữa khỏi bệnh miễn phí bằng thuốc nam, ông bà Năm Phấn thấy việc tìm thuốc cứu người thật ý nghĩa. Bởi vậy, đi làm hễ thấy có cây thuốc là ông bà nhổ, chặt đem về để xắt, phơi. Lâu dần, nhà ông bà trở thành điểm tìm thuốc nam từ thiện.
Để nhận dạng được mặt cây thuốc, vợ chồng ông Phấn phải học thêm từ những thầy thuốc và thông qua tư liệu sách, báo… để tìm.
Vì cây thuốc thường mọc tại những nơi ít người khai phá nên nhiều lúc ông Phấn phải len vào những lùm cây gai góc, lội vào ao, sình lầy lún đến cổ chỉ để tìm. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như rắn độc cắn, ong chích. Tuy vậy, vợ chồng ông bà vẫn không nề hà, gắn bó với công việc thiện nguyện này cho đến nay.
Ông bà Năm Phấn mấy mươi năm tìm thuốc giúp người. Ảnh: Duy Khôi
Do lượng cây thuốc ngoài tự nhiên ngày càng ít nên vào năm 2008, ông quyết định đem nhân giống những cây dược liệu khó kiếm như: Cây chó đẻ, óc chó, hà thủ ô, cỏ xướt khô… về trồng ở đất vườn nhà. Nhờ đó, lượng dược liệu lúc nào cũng dồi dào. Trung bình mỗi tháng, ông bà Năm tìm được chừng 50 bao thuốc nam với gần 1 tấn thuốc. Số thuốc này dùng tặng các phòng thuốc nam miễn phí ở Cần Thơ. Nhiều người hỏi mua, ông bà nhất định không bán. Nhiều người biết đến việc làm ý nghĩa của ông bà thì đến xin thuốc về uống hoặc ngâm rượu. Ai nghèo, ông bà lại cho thêm tiền xe ôm, tiền mua rượu về ngâm thuốc.
Việc làm ý nghĩa của ông bà lâu nay được bà con trong xóm ủng hộ hết mình. Ai có cây thuốc hay, vị thuốc quý cũng mang đến cho ông bà. Nhiều người đến nhà ông bà mỗi ngày để chặt thuốc nam từ thiện.
Thường xuyên nhất là bà Lê Thị Nhân (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lắm (78 tuổi). Mỗi sáng hễ xong việc nhà là hai bà lại rủ nhau đến nhà bà Năm để chặt thuốc. Tuổi già vừa chặt thuốc, vừa rỉ rả chuyện làng xóm, cháu con. Bà Lê Thị Nhân cho biết: “Giờ già yếu, mình làm được gì có ích thì làm”.
Không chỉ có láng giềng, ngay cả các con ông bà Năm cũng “nối nghiệp” của cha mẹ. Những người con ở gần hằng ngày đến phụ cha mẹ phơi thuốc. Chị Mai Thị Hẹ, con gái ông bà Năm, nói: “Thấy cha mẹ làm việc thiện mà vui vẻ, lại khỏe mạnh thì anh em tôi ai cũng vui và tranh thủ phụ giúp. Cũng là để dạy dỗ con cái mình lối sống tình nghĩa, đạo đức”.
Ngôi nhà ông bà Năm Phấn nằm ven theo con kênh đoạn gần giáp với sông Hậu, có vườn rộng rãi, thoáng mát với đủ loại thuốc khác nhau. Ông bà phơi thuốc trên các tấm đệm, mỗi tấm phơi một loại thuốc: Gừa, rau mác, từ bi, đinh lăng, vông đồng… rất bắt mắt và mùi thuốc cứ thoang thoảng suốt ngày. Dưới bóng râm của mấy gốc bưởi, ông bà Năm cùng bà con lối xóm chặt thuốc nam suốt ngày. Ai nấy mái đầu đều bạc trắng cùng hiệp ý làm việc thiện.
Thắc mắc vì sao điểm chặt và phơi thuốc của ông bà lại là một trường học đã không còn hoạt động, mới hay rằng, từ sau năm 1975, thấy các em nhỏ ở địa phương đi học còn khó khăn do đường đến trường xa xôi, trắc trở, ông bà Năm Phấn cho địa phương mượn nền đất ở Xẻo Vĩnh xây trường bằng cây lá. Sau đó, ngôi trường này được dời về xây bằng bê tông kiên cố ở cạnh nhà ông bà Năm. Cách đây 5 - 7 năm, do địa phương đã được đầu tư trường học khang trang, đạt chuẩn nên các em học sinh được dời về học tại đó. Ngôi trường nhỏ cạnh nhà ông bà Năm trở thành nơi làm thuốc giúp người. Ngôi trường đã “kết thúc sứ mệnh” nhưng việc nghĩa của ông bà Năm thì cứ lan tỏa mãi. Bà Năm kể, bây giờ nhiều thế hệ học trò của ngôi trường xưa học hành thành đạt, thỉnh thoảng ghé thăm ông bà, nhắc lại tấm lòng ông bà cụ thảo thơm với lũ trẻ.
Nhìn ông bà Năm Phấn tuổi vào hàng thượng thọ lại cực nhọc mỗi ngày với cây thuốc, vị thuốc lại ngẫm chuyện đời: Cực hay sướng, vui hay buồn còn do cách mỗi người nghĩ và lựa chọn để sống.
Thục Anh