TĐKT - Tròn 3 thập kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cô Đào Thị Kim Thanh – Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh thanh Hóa) vẫn luôn say mê, nhiệt huyết với những bài giảng hay và tận tụy vì nhiệm vụ đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Vượt lên gian khó
Về trường năm 1989 với vai trò là giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật trong hoàn cảnh đất nước vừa bước vào công cuộc đổi mới, tình hình chính trị có nhiều biến động, nhưng với mong muốn truyền ngọn lửa tri thức và niềm tin cho các thế hệ học viên kiên định với con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cô giáo Đào Thị Kim Thanh đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của một giảng viên chính trị trong tình hình mới.
Cô Đào Thị Kim Thanh – Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh thanh Hóa)
Với đặc thù là một trường chính trị có nhiệm vụ đào tạo cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói chung và khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vẫn vững vàng trước sóng gió chính trị, kiên định với con đường đi lên xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Trong hoàn cảnh ấy, vai trò của những giảng viên chính trị như cô càng được đề cao hơn bao giờ hết.
Trước yêu cầu mới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp mở các lớp đào tạo không tập trung tại các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ địa phương được học hỏi và tiếp cận với các nguồn tri thức mới, vững tin vào con đường lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng đào tạo đó, những giảng viên trẻ như cô Thanh đã gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Làm việc trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, thường xuyên đến các điểm trường cách thành phố hàng trăm kilomet, phương tiện chủ yếu là xe đạp, sinh hoạt thiếu thốn với đồng lương ít ỏi, nhưng bằng quyết tâm của một giảng viên có trách nhiệm với nghề, cô Đào Thị Kim Thanh vẫn bám lớp, bám trường để truyền tình yêu nghề đến các thế hệ học viên.
Nhớ lại những ngày phải vượt những chặng đường lầy lội, xa xôi tới những huyện miền núi như Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, từ tinh mơ sáng đến chiều muộn mới tới điểm trường, cô Thanh không khỏi bồi hồi: “Trước yêu cầu đổi mới của nhà trường, mỗi giảng viên đều phải tự động viên mình, truyền ngọn lửa yêu nghề và nghị lực cho nhau sau mỗi chuyến công tác để cùng cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chính vì vậy, những khó khăn cứ dần đến và đi nhưng cô Thanh cùng những đồng nghiệp của mình vẫn kiên cường theo đuổi, bám trụ nghề, chỉ với hy vọng sẽ đào tạo thêm nhều hơn nữa những cán bộ, đảng viên gương mẫu, phục vụ và trung thành tuyệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vậy, có những lúc vừa phải lo toan công việc nhà lẫn công tác giảng dạy đến quên ăn, quên ngủ, cô vẫn hào hứng với công việc của mình khiến nhiều người cảm thấy nể phục.
Nhà giáo mẫu mực
30 năm gắn bó với sự nghiệp truyền dạy kiến thức tại một ngôi trường chính trị có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, cô Đào Thị Kim Thanh nhận thấy rằng: Trong bối cảnh lịch sử mới, để học viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mỗi giảng viên khi giảng dạy đều phải ý thức trong việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ của chính mình. Có như vậy, trước mỗi yêu cầu sự thay đổi thực tiễn hay những tình huống thực tế mà học viên đặt ra mới có thể khiến họ tin và làm theo những chỉ dẫn của mình.
Một góc sân Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, nơi cô Đào Thị Kim Thanh đã gắn bó tròn 3 thập kỷ
Đặc biệt, từ năm 1994 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là cơ sở duy nhất nằm trong hệ thống các trường chính trị được đào tạo và cấp chứng chỉ bằng trung cấp luật cho đội ngũ cán bộ cấp xã trong tỉnh theo yêu cầu chuẩn hóa của Bộ Nội vụ.
Với trọng trách là đơn vị có chuyên môn duy nhất về luật, khoa Nhà nước và Pháp luật đã được nhà trường tin tưởng giao hoàn thành nhiệm vụ đó. Với vai trò là Phó Trưởng khoa, cô Đào Thị Kim Thanh cùng các giảng viên trong khoa đã và đang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo không những cho cán bộ trong tỉnh mà còn giúp đỡ đào tạo, bổ sung chuẩn kiến thức cho đội ngũ công chức các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Tây Nguyên trong nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, nhằm tu dưỡng đạo đức cho mỗi học viên là những cán bộ đang và sẽ nắm những trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị, cô Thanh luôn cố gắng truyền lửa đến học viên một cách thiết thực để mỗi người đều có ý thức giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, giúp họ có chính kiến, quan điểm rõ ràng, sẵn sàng bài trừ, vạch trần những những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, có âm mưu chống phá, lật đổ chế độ ta.
Chính vì vậy, dù đã là một giảng viên kỳ cựu, có nhiều thế hệ học trò thành đạt nhưng cô giáo Thanh vẫn không ngừng cố gắng để nâng cao trình độ chuyên môn và các kỹ năng giảng dạy hiện đại nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo đó, thay vì hình ảnh quen thuộc bảng đen, phấn trắng ,với người dạy là trung tâm, “cô đọc, trò chép”, cô đã tích cực học hỏi cách thiết kế những bài giảng điện tử đẹp mắt, cụ thể, giàu hình ảnh và ví dụ sinh động, giúp kích thích tư duy, sự sáng tạo và khả năng phản biện cho học viên. Từ đó, mỗi bài giảng của cô Thanh đều gắn liền với thực tiễn công việc của họ, trở thành hành trang để mỗi người trở về hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Trong những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đổi mới theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người học hay xây dựng các tập thể kiểu mẫu và cá nhân gương mẫu nhằm xây dựng hình ảnh người giảng viên chính trị nghiêm túc, trách nhiệm, có trình độ chuyên môn tốt, vững vàng, mang hiệu quả tích cực trong hoạt động dạy và học của nhà trường.
Cô Thanh cho rằng: Là một trường chính trị, việc đổi mới để theo kịp với sự phát triển của thời đại là tất yếu. Trong suốt 3 thập kỷ gắn bó với trường, đổi mới để phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và tình hình thực tiễn là điều cô nhận thấy rõ nhất. Chính vì vậy, đây không chỉ là cơ sở đào tạo cán bộ, đảng viên trong tỉnh mà còn là đơn vị bồi dưỡng, giáo dục chính trị được nhiều tỉnh khác tin tưởng, học tập.
Từ những đóng góp, nỗ lực và tâm huyết ấy, giảng viên Đào Thị Kim Thanh đã trở thành tấm gương nhà giáo mẫu mực cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứng đáng là “Người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục tư tưởng, chính trị” trong thời kỳ đổi mới.
Mai Thảo