Người chèo lái những “chuyến đò hoàn lương”
06/08/2019 - 10:32

TĐKT - Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với những ai lầm đường lạc lối, chúng ta phải dang rộng vòng tay, cảm hóa họ, phải khoan hồng độ lượng”, gần 30 năm qua, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, người chiến sĩ cảnh sát quản lý trại giam Nguyễn Đình Giang luôn hết lòng với công việc chèo lái những “chuyến đò hoàn lương” đầy gian nan, vất vả. Đặc biệt, nhờ cái tâm trong sáng, cách làm khoa học, sáng tạo, đồng bộ của mình, anh không chỉ làm thức dậy những mầm thiện đang ngủ quên trong mỗi phạm nhân mà còn kiến tạo môi trường làm việc chuẩn mực để các cán bộ, chiến sĩ trại giam Thanh Lâm gắn bó và yêu nghề.

Kiến tạo môi trường làm việc chuẩn mực

Chúng tôi vượt qua chặng đường hơn 200 cây số về với Trại giam Thanh Lâm - nơi Đại tá Nguyễn Đình Giang đang nắm giữ vai trò “thủ lĩnh” vào những ngày đầu tháng 7/2019. Trái lại với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một giám thị nghiêm khắc và có phần khó tính, Đại tá Nguyễn Đình Giang là một người đàn ông lịch lãm, luôn cởi mở và tràn đầy tinh thần lạc quan.

Vừa bước xuống từ chuyến xe đi công tác dài 2 ngày ở Thủ đô, anh đã bắt tay ngay vào việc kiểm tra, nắm tình hình các mặt công tác của đơn vị trong thời gian mình vắng mặt.

Đại tá Nguyễn Đình Giang, Bí thư Đảng ủy, Giám thị trại giam Thanh Lâm

Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo, Trại giam Thanh Lâm đóng quân trên địa bàn vùng núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách xa trung tâm văn hóa, xã hội tỉnh gần 100 km; được giao nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo gần 4000 phạm nhân có tính chất mức độ phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh, nguy hiểm, mắc nhiều bệnh hiểm nghèo và không yên tâm tư tưởng chấp hành án, thường xuyên chống phá đòi yêu sách, tìm mọi cách móc nối với đối tượng bên ngoài mang đồ vật cấm vào trại… Do đó, những cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý trại giam nơi đây phải chịu nhiều khó khăn, nguy hiểm và thiệt thòi.  

Thấu hiểu những hy sinh, vất vả của đội ngũ những người làm công tác giáo dục khơi mầm thiện, nên khi đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy, Giám thị trại giam, Đại tá Nguyễn Đình Giang đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp và động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn thử thách, tâm huyết với nhiệm vụ, công việc được giao.

 Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, anh cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tập trung triển khai xây dựng cơ sở vật chất của trại ngày càng đầy đủ, khang trang, sạch đẹp. Hiện nay đã có 1 khu sản xuất, 6 phân trại và 1 trung tâm chỉ huy đơn vị được xây dựng cơ bản; khu giam giữ phạm nhân, nhà ở, phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ cũng được xây dựng cơ bản.

Trung tá Lê Văn Thụ, Đội trưởng Đội giáo dục Hồ sơ, người đã hơn 2 thập kỷ gắn bó với trại giam chia sẻ: Với mỗi cán bộ, phạm nhân nơi đây, Đại tá Nguyễn Đình Giang như ngọn gió mới, mang đến niềm tin, sự hứng khởi cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trại giam thêm hăng say trong công việc, góp phần đưa Thanh Lâm phát triển lên một tầm cao mới.

Chỉ tay về phía những dãy nhà làm việc khang trang còn thơm mùi sơn, với sân bóng rộng rãi, đường nội bộ được bê tông rộng thoáng, từng hàng cây cảnh, bồn hoa tươi tốt, rực rỡ sắc màu trước mắt, anh Thụ bảo:  “Đây là công trình khu trung tâm chỉ huy và phân trại số 5 của đơn vị vừa được đưa vào hoạt động hồi tháng 1/2019 với bao nỗ lực, tâm huyết của giám thị Nguyễn Đình Giang. Công trình như là biểu tượng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong công tác xây dựng cơ sở vật chất của đơn vị trong hành trình 40 năm phát triển; có ý nghĩa to lớn, là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thêm hăng say trong công việc cũng như đoàn kết, gắn bó xây dựng đơn vị văn hóa, chính quy, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Giờ đây, anh em chúng tôi hễ đi đâu xa là cảm thấy nhớ bởi đã coi đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình.”

Nhớ lời dạy của Bác "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", ngay từ lúc mới về Thanh Lâm, Đại tá Nguyễn Đình Giang đã xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định mọi hoạt động của đơn vị. Xác định năm 2018 - 2019 là năm tập trung xây dựng công tác cán bộ, nên Trại giam Thanh Lâm đã chủ động xây dựng các quy chế quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách cụ thể, sát với tình hình thực tiễn. Trong đó, ưu tiên làm mẫu, cầm tay chỉ việc ở một số lĩnh vực công tác đối với những cán bộ chưa qua đào tạo, cán bộ trẻ, cán bộ thiếu tự tin... là việc làm thường xuyên, nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt để cán bộ, chiến sĩ ngày càng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đúng đầu, coi đó là những mệnh lệnh không lời để cán bộ, chiến sĩ học tập, hoàn thiện bản thân, xúng đáng là người thầy đặc biệt giúp những phạm nhân tìm lại con đường lương thiện.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Đại tá Nguyễn Đình Giang

Cùng với đó, đời sống của cán bộ chiến sĩ không ngừng được quan tâm cải thiện. Hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ được đơn vị chi tiền bữa ăn sáng; được tham gia nhiều chương trình hoạt động, giao lưu ý nghĩa để giảm bớt căng thẳng và cực nhọc sau mỗi giờ làm việc. Các cán bộ nữ mỗi năm đều được tặng một bộ áo dài truyền thống và được nghỉ trước giờ tan ca 30 phút …

Đáng quý nhất, không chỉ là người “thủ lĩnh”, Đại tá Nguyễn Đình Giang còn như người bạn, người anh kịp thời sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, động viên cán bộ, chiến sĩ có thêm niềm tin trong cuộc sống. Dù là chiến sĩ làm nhiệm vụ gác đêm trên đồi cao hay chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tận sâu trong rừng thẳm, những chiến sĩ phơi mình trên những cánh đồng hướng dẫn các phạm nhân lao động hay các cán bộ tham mưu…đều nhận được sự quan tâm hỏi han, chia sẻ, động viên tận tình của đồng chí giám thị.

Bằng những việc làm thiết thực đó, Đại tá Nguyễn Đình Giang không chỉ khơi dậy trong gần 600 cán bộ, chiến sĩ tinh thần đoàn kết, mà còn giúp họ thêm động lực, niềm tin sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục tâm huyết với nghề khơi mầm thiện đầy gian nan, vất vả.  Kết quả hàng năm, tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ vi phạm ở trại luôn dưới 0,5%.

Con đường phục thiện tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo

Với nhiệm vụ quản lý, giáo dục cảm hóa cho hàng nghìn phạm nhân, Đại tá Nguyễn Đình Giang luôn tâm niệm: Cán bộ trại giam như những người lái đò đặc biệt, chở từ bến bên này bờ là những người phạm tội chưa hoàn lương sang bến bên kia là những người hoàn lương, biết sống, biết lao động, biết tuân thủ pháp luật, để làm người, là trụ cột của gia đình, xây dựng quê hương đất nước, gia đình giàu mạnh.

Vì vậy, từ lúc phạm nhân vào trại, đến lúc chấp hành án và trở về hòa nhập với cộng đồng, mỗi một giai đoạn khác nhau, anh đều xây dựng các khung giáo dục nhất định, phù hợp.

Đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị Trại giam Thanh Lâm nói chuyện cùng Ban tự quản phạm nhân

Anh đã chỉ đạo tốt công tác giáo dục thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đảm bảo các chế độ ăn, mặc, ở cho phạm nhân đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Hàng năm chỉ đạo các đơn vị cơ sở chi cho phạm nhân ăn thêm, thuốc men chữa bệnh, tiền thưởng cho phạm nhân từ 700 - 800 triệu đồng. Quản giáo thường xuyên tổ chức ăn thêm, bồi dưỡng cho phạm nhân làm thêm giờ, vượt định mức, phạm nhân lao động trong môi trường nặng nhọc, phạm nhân ốm đau dài ngày điều trị tại bệnh xá hàng trăm triệu đồng. Chỉ đạo làm tốt công tác giảm án cho phạm nhân có quá trình cải tạo tiến bộ, từ đó khích lệ phạm nhân thi đua cải tạo, tăng tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt lên 80%, giảm tỷ lệ phạm nhân xếp loại cải tạo kém chỉ còn 1,7%.

Đồng thời quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức học tập chính trị, chính sách, pháp luật, nội quy trại giam, tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ, giáo dục công dân cho phạm nhân, giáo dục chung, giáo dục riêng, tổ chức phát động các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, phát động các đợt thi đua trong phạm nhân toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam.

Đặc biệt, anh đã chỉ đạo thành công cuộc thi viết "Về người cảnh sát trại giam Thanh Lâm tình đất - tình người”; đã và đang tổ chức cuộc thi “Phạm nhân viết cảm nhận về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thi sân khấu hóa “Phạm nhân kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó giúp cho phạm nhân hiểu được tình cảm của Bác đối với những người lầm lỗi… làm cơ sở để thúc đẩy, tác động giáo dục, nâng đỡ, vực dậy trong họ những giá trị cuộc sống, mong muốn được chuộc lại lỗi lầm đã gây ra, từ bỏ cái ác, vượt qua mặc cảm để sống lương thiện, có ích cho xã hội. Đáng chú ý, anh đã chỉ đạo phát động và thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Phạm nhân giao nộp đồ vật cấm", trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều trại giam trên cả nước học tập, làm theo.

Bằng trái tim của một người giám thị luôn khao khát được đánh thức những mầm thiện đã ngủ quên trong mỗi phạm nhân, anh đã chọn những biện pháp giáo dục thiết thực, có ý nghĩa nhân văn nhất để cảm hóa họ.

Anh bảo: “Không phải cứ đứng trên bục giảng mới là giáo dục. Đôi khi chỉ là cái vỗ vai nhẹ, những lời hỏi thăm ân cần về gia đình phạm nhân, là những lúc đứng cạnh hỗ trợ họ về đường kim, mũi chỉ.. cũng giúp phạm nhân ấm lòng và quay đầu hướng thiện.”

Vì vậy, hằng tuần, Đại tá Giang đều đến thăm các phân trại, trò chuyện và chia sẻ với họ những câu chuyện đời thường để động viên, khích lệ mỗi phạm nhân chấp hành tốt những quy định chung, có niềm tin vào pháp luật để làm lại cuộc đời.

Cảm động trước sự quan tâm giáo dục của Đại tá Nguyễn Đình Giang, phạm nhân Hà Đức Nhơn, phân trại số 6 đã gửi thư chia sẻ: “Những giây phút ngắn ngủi được ở gần Ban giám thị đã giúp cháu nhận ra được nhiều giá trị cốt lõi thiêng liêng của cuộc sống, để cháu vững bước niềm tin trên con đường phục thiện. Ban như người cha thứ 2 của cháu.”

Xác định giáo dục phạm nhân không chỉ là quản lý, cảm hóa mà còn luôn sẵn sàng đấu tranh, loại bỏ những âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch, hành động vi phạm nội quy trại giam, thời gian qua, Đại tá Giang đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc thực hiện quy chế phối hợp với các cơ quan trong và ngoài lục lượng, nhất là với chính quyền và nhân dân địa phương trong việc đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn và an toàn trại giam. Trong năm 2018 và 6 tháng 2019, đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác ngăn ngừa tội phạm ngoài xã hội và phối hợp ngăn chặn đưa ra xét xử một số vụ việc vi phạm pháp luật của một số đối tượng xấu tại địa phương. Trong đó, có 3 vụ câu kết với đối tượng bên ngoài có hành vi lén lút xâm nhập vào địa bàn trại giam để đưa vật cấm cho phạm nhân. Tháng 5 năm 2018, anh cùng cán bộ chiến sĩ phối hợp với Công an tỉnh Nam Định bắt lại phạm nhân Đinh Bật Cần trốn trại ngày 17/2/1989.

Với những đóng góp đó, anh đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Mới đây, anh vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đó là động lực để anh tiếp tục có những cống hiến ý nghĩa hơn nữa cho công tác cải tạo và quản lí trại giam trong thời gian tới.

Cầm trên tay tập thư dày cộp mà phạm nhân đã gửi cho anh trong gần 30 năm làm công tác giáo dục, Đại tá Nguyễn Đình Giang nói với giọng hào sảng: “Xã hội càng phát triển, “xã hội trong trại giam” càng phức tạp. Hành trình của những người lái đò đặc biệt chúng tôi sẽ còn không ít những gian nan, vất vả. Nhưng những lời sám hối này của phạm nhân cùng với sự trưởng thành của các cán bộ chiến sĩ, sự phát triển không ngừng của trại giam chính là động lực để chúng tiếp tục công việc của mình”.

Mai Thảo