Người cha thứ hai của học sinh dân tộc nội trú huyện Ia Pa
21/11/2019 - 10:26

TĐKT - Gần 20 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là chừng ấy năm thầy Vũ Tam Thăng gắn nhiệm vụ giảng dạy với công tác chủ nhiệm. Thầy tâm niệm: “Một giáo viên chủ nhiệm tốt là một người cán bộ dân vận khéo, người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh. Tôi hạnh phúc khi luôn đảm bảo sĩ số suốt hơn 18 năm liền làm chủ nhiệm, dù vẫn luôn có những học trò thử thách lòng kiên nhẫn của mình”. Gần gũi học trò, giúp đỡ các em nhiều nhất có thể - đó là mong mỏi lớn nhất của người thầy giáo tâm huyết với trẻ em vùng cao Ia Pa.

Với học sinh dân tộc nội trú huyện Ia Pa, anh không chỉ là người thầy mà còn là người cha thứ hai hiền hậu luôn quan tâm, yêu thương các con.

Đảm bảo sĩ số cho lớp học - mới nghe tưởng chừng là chuyện bình thường nhưng đó lại là thách thức không nhỏ đối với những thầy, cô giáo ở vùng cao. Học sinh phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhà ở vùng sâu, vùng xa, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt hơn 18 năm liền làm chủ nhiệm, bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người thầy, thầy Vũ Tam Thăng đã kiên trì vận động, giúp đỡ các em bám lớp, bám trường.

Cô Võ Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa tự hào: “Lớp nào quậy phá, lớp nào có học sinh thường xuyên nghỉ học, nhiều học sinh yếu kém mà giao cho thầy Thăng chủ nhiệm là coi như mọi chuyện tốt đẹp. Bên cạnh nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn vững vàng, thầy Thăng còn rất tâm huyết với học sinh, thực sự coi các em như người thân trong gia đình để lo lắng từng ly từng tí.”

Lớp lớp thế hệ học trò của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa đến nay vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo tận tụy rong ruổi đi theo học sinh chăn bò để tranh thủ giúp em ôn bài, người thầy không quản ngại sẵn sàng lội giữa đồng nhặt trứng vịt còn sót mang về cho học trò cải thiện bữa ăn… Những món quà nho nhỏ thấm đượm tình yêu thương của thầy, khi là quả trứng, khi là mớ rau, củ, quả… trở thành nguồn tiếp sức vô giá, động viên, chắp cánh cho các em vươn cao, vươn xa hơn trong học tập.

Năm ấy, Ksor H’Binh (xã Ia Tul) học đến lớp 8. Vốn là học sinh giỏi, chăm chỉ và viết chữ đẹp nhưng H’Binh khi ấy bắt đầu lại học tập sa sút và thường xuyên nghỉ học. Được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện lớp 9 nhưng H’Binh nhất quyết không đi thi vì còn bận đi chăn bò. Không những thế, em còn có ý định bỏ học. Nhận ra đôi mắt đượm buồn của H’Binh mỗi lần lên lớp, thầy Thăng đã lặng lẽ tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em.

“Nhà H’Binh nghèo lắm, bố bỏ đi từ lâu, một mình mẹ phải nuôi 4 người con. Tôi đến tận nhà để ôn tập nhưng em không chịu học mà vẫn ra đồng chăn bò. Trước tình hình đó, tôi bèn... theo em ra đồng” - thầy Thăng nhớ lại. Vậy là, suốt những tháng ngày ấy, thầy cần mẫn đi theo sau cô học trò nhỏ, vừa chăn bò, vừa giúp em ôn thi.

Không phụ lòng thầy, năm ấy, H’Binh đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn, trở thành học sinh đầu tiên của nhà trường đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.

Cô bé H’Binh ngày nào giờ đã trở thành cô giáo dạy Ngữ văn tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên huyện Ia Pa. Nói về người thầy của mình, cô xúc động: “Hình ảnh 2 thầy trò trên cánh đồng ngày ấy cách đây đã 18 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in. Thầy Thăng là người đã gieo vào lòng tôi tình yêu với văn học để tôi có được ngày hôm nay. Thầy dạy chúng tôi phải biết xây dựng ước mơ và theo đuổi nó. Với tôi, thầy quá tuyệt vời, tôi vô cùng biết ơn và tự hào về thầy”.

Hơn 18 năm, biết bao lứa học sinh đã đi qua ngôi trường này, nhưng với họ, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa không chỉ là nơi ươm mầm ước mơ mà còn là gia đình thân thuộc. Nơi ấy có người thầy – người cha thứ hai luôn yêu thương, nâng đỡ các em.

Trang Lê