TĐKT - Thượng úy Đặng Quyết Tiến, đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, sinh ra và lớn lên ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những sĩ quan trẻ tiêu biểu trong Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, tấm gương sáng trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, với đề xuất mở lớp dạy chữ cho học sinh người dân tộc Khmer trên địa bàn biên giới.
Thượng úy Đặng Quyết Tiến (ngoài cùng bên phải) tham gia tọa đàm cán bộ, sĩ quan trẻ trong BĐBP tỉnh An Giang
Ngoài giờ làm việc, Tiến còn cặm cụi thu lượm vỏ chai, sắt vụn để bán lấy tiền, cộng với trích thêm tiền lương cá nhân để mua đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo. Những đóng góp thầm lặng của Đặng Quyết Tiến cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, sự nghiệp giáo dục nói riêng trên địa bàn 2 xã Nhơn Hưng và An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang) được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, yêu mến với tên gọi thân mật “Cán bộ đa năng”.
Không ngừng học tập
Gặp Thượng úy Đặng Quyết Tiến bên hành lang hội trường khi Tiến đang trong vai trò dẫn chương trình buổi tọa đàm cán bộ, sĩ quan trẻ trong BĐBP tỉnh An Giang năm 2018. Ấn tượng ban đầu về Đặng Quyết Tiến là lối dẫn dắt chương trình khéo léo, xử lý tình huống thông minh, linh hoạt, thu hút người nghe.
Không những vậy, Tiến còn là chủ công của Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh An Giang với giọng nam trung trầm ấm. Bao năm nay, Tiến chính là hạt nhân văn nghệ không thể thiếu trong các chương trình văn nghệ, Hội thi, Hội diễn, giao lưu lớn, nhỏ của BĐBP tỉnh An Giang.
Với những năng khiếu thiên phú, cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, Đặng Quyết Tiến có nhiều thuận lợi trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đặc biệt là trong thực hiện công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới.
Địa bàn Tiến công tác là 2 xã An Phú và Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nắm bắt được điều đó, Tiến không ngại tìm tòi các tài liệu viết về phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, tài liệu tự học tiếng Khmer... để thuận lợi hơn cho việc tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer.
Chính Tiến là người đề xuất Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị phối hợp với địa phương xây dựng “Phòng đọc biên giới” tại xã Nhơn Hưng, với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, có diện tích gần 50m2 với 2.896 đầu sách các loại. Tiến cho biết: “Việc xây dựng phòng đọc biên giới là hết sức cần thiết, với mong muốn đưa nhiều kiến thức trên nhiều lĩnh vực cho nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là học sinh nghèo. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ cũng tích cực nghiên cứu các tài liệu, văn bản Luật thiết thực, bổ ích phục vụ cho quá trình công tác, học tập tại đơn vị. Chính mình cũng là độc giả thường xuyên của phòng đọc.”
Với vai trò là Đội trưởng Vận động quần chúng, Tiến luôn tìm tòi nhiều phương pháp để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Tranh thủ thời gian trống, Tiến đi địa bàn để nắm tình hình, gặp gỡ các ban, ngành, đoàn thể địa phương; xây dựng các cơ sở là quần chúng tích cực, thường xuyên gặp gỡ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và các chức sắc tôn giáo..., từ đó có các phương pháp tuyên truyền, vận động cho phù hợp, bám sát phương châm “Nghe dân nói. Nói dân hiểu. Làm dân tin”.
Trong một buổi tuyên truyền, Tiến thường nói chậm rãi, sử dụng phương ngữ, kết hợp trình chiếu Power Point có hình ảnh, clip minh họa, lồng ghép tổ chức các trò chơi có thưởng nên có sức thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Tiến còn mạnh dạn đề xuất lên chỉ huy đơn vị tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới” huyện Tịnh Biên nhiều biện pháp, cách làm mang tính đột phá, khéo léo vận dụng tình hình thực tế của địa phương, đặc thù hoạt động của mỗi ban, ngành, đoàn thể.
Một số mô hình tiêu biểu: Tuyên truyền miệng kết hợp trình chiếu, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xem các phóng sự, video clip, sân khấu hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép các buổi tuyên truyền luật vào các buổi họp dân, họp cán bộ, họp các chức sắc, chức việc tôn giáo; phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền chéo để đưa pháp luật về biên giới Quốc gia vào các vùng giáp ranh biên giới; phối hợp với Liên đoàn Lao động thị xã tuyên truyền pháp luật về biên giới Quốc gia cho công nhân ngay tại nhà máy, xí nghiệp; phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền lưu động cho nhân dân khu vực biên giới; phối hợp với Đoàn Thanh niên thị xã tổ chức các phiên tòa giả định nhằm giáo dục pháp luật cho thanh niên.
Đánh giá về vai trò của Thượng úy Đặng Quyết Tiến trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, bà Lý Kim Thoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú cho biết: “Đồng chí Tiến là cán bộ tuyên truyền, vận động người dân không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm, hành động đầy tính nhân văn. Xã An Phú từ cán bộ đến người dân không ai là không biết đồng chí Tiến. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương từ đó rất tin tưởng, yêu mến các cán bộ, chiến sĩ BĐBP”.
Cho thành quả ngọt ngào
Trong những năm qua, Thượng úy Đặng Quyết Tiến luôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân địa bàn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, trong đó tập trung các văn bản Luật về biên giới Quốc gia, công tác phân giới cắm mốc... được 53 buổi, có 2.063 cán bộ, công chức và nhân dân dự; phối hợp phát trên loa truyền thanh được 24 lần, 540 phút; gặp gỡ tuyên truyền với chức sắc, chức việc trong chùa và bà con dân tộc khmer ở địa bàn 2 lần, có 69 người; phát 90 tờ bướm tuyên truyền về công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.
Tiến chính là người tham mưu cho chỉ huy đơn vị và trực tiếp vận động nhân dân 2 xã lắp Camera an ninh nông thôn nhằm phòng, chống hiệu quả nạn trộm cắp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Anh cũng là người đi đầu vận động nhân dân tích cực trồng cây xanh, diệt loăng quăng, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở các khu vực công cộng. Đặc biệt, Tiến đã kiên trì vận động nhiều hộ dân ở sóc Tà Ngáo, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đưa trâu bò ra xa nơi nhà ở, để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho người dân.
Công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Nhơn Hưng với Đặng Quyết Tiến là hạt nhân nòng cốt đã có nhiều sáng kiến mang tính đột phá, nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực trong thực hiện phong trào “BĐBP tỉnh An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”..., góp phần thay đổi diện mạo vùng biên giới, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân. Tiêu biểu là các mô hình: “Cột cờ thẳng tắp”, “Hàng rào sinh thái”, “Mái ấm biên cương”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng rác 100 đồng”, “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Camera an ninh nơi biên giới”, “Phòng đọc biên giới”, “Phòng học ngoài giờ”,...
Trung tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho biết: “Đồng chí Tiến là cán bộ vận động quần chúng đa năng, mẫu mực, có uy tín cao, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân hết sức yêu mến. Mặc dù sinh ra ở thành thị, lại ở miền Trung nhưng đồng chí luôn hòa đồng, không ngại khó khăn gian khổ, đồng cam cộng khổ với người dân. Ngoài giờ làm việc, Tiến còn cặm cụi thu lượm vỏ chai, sắt vụn để bán lấy tiền, cộng với trích thêm tiền lương cá nhân để mua đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo.”
Đặng Quyết Tiến không chỉ tuyên truyền bằng lời nói, anh còn xung kích, đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện, giúp dân. Tiến đã cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa, nhựa hóa lộ nông thôn 5,2 km; phát quang 11,5 km lề đường ở 2 xã; kéo 2 km đường dây điện bị đứt do dông lốc, vận động lắp điện kế 152 hộ ở xã An Phú; giúp công làm cột cờ cho 158 hộ; giúp công làm hàng rào sinh thái cho 75 hộ gia đình tại 2 xã; vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền để làm 72 cột điện và 160 bóng đèn đường chiếu sáng các sóc với tổng số tiền 340 triệu đồng; cất mới, sửa chữa 56 căn nhà.
Nhân các dịp lễ tết, anh cùng chỉ huy Đồn Biên phòng Nhơn Hưng phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân tặng 1.174 phần quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, hộ nghèo, bà con và các chùa Khmer trên địa bàn trị giá 348,9 triệu đồng.
Với những sáng kiến không ngừng, những mô hình hiệu quả, thiết thực, Thượng úy Đặng Quyết Tiến đã chiếm trọn lòng tin yêu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và cán bộ, nhân dân trên địa bàn biên giới. Hình ảnh người cán bộ Biên phòng “vừa hồng, vừa chuyên”, luôn thức khuya soạn đề cương tuyên truyền, cặm cụi giảng bài cho học sinh ngoài giờ, cần mẫn nhặt từng vỏ chai, mẩu sắt vụn, đội nắng mưa thu hoạch lúa chạy lũ, tươi cười khi trao quà hoặc bàn giao nhà cho dân nghèo…vẫn còn mãi trong lòng cán bộ, nhân dân miền biên giới.
Với những cống hiến cho công tác vận động quần chúng, xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia và công tác thiện nguyện, Thượng úy Đặng Quyết Tiến đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt thành tích xuất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc; Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, đạt thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; Bằng khen của Tỉnh đoàn An Giang, hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017; Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng năm 2016 và 2017. Đặc biệt, Đặng Quyết Tiến còn vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Đoàn Thanh niên vinh danh là một trong “Mười gương mặt trẻ triển vọng của BĐBP” năm 2017. |
Chiến Khu