Gắn bó với công tác hội phụ nữ từ nhiều năm nay, trưởng thành từ các cấp hội cơ sở và đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí khác nhau, chị Thu đã trở thành người cán bộ hội quen thuộc, gần gũi không chỉ với các chị em phụ nữ mà còn với đông đảo bà con huyện miền núi rẻo cao này. Trung bình mỗi tháng chị phải trực tiếp đi thực tế cơ sở dăm bảy bận, mà cơ sở ở Quế Phong thuộc địa bàn các xã, bản xa xôi, đường đi lối lại cheo leo, hiểm trở. Có những khi về các xã như Đồng Văn, Thông Thụ, Tri Lễ… đi mất cả ngày trời, chưa kể thời gian làm việc, trò chuyện, tâm tình để nắm bắt tâm tư, tình cảm của chị em phụ nữ nên chị thường phải ngủ qua đêm tại bản.
Chị Vi Thị Thu (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ xa Mường Nọc
Những ai đã từng thấm các cung đường “nắng bụi, mưa lầy” của vùng biên Quế Phong, hẳn sẽ cảm phục tinh thần vượt khó để hoàn thành công việc của chị Thu. Huyện vùng biên Quế Phong không chỉ gian nan về địa hình, mà mặt bằng nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân cũng khiến những cán bộ hội gặp trở ngại trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong có 5 dân tộc cùng sinh sống, số chị em hội viên mù chữ và tái mù chữ còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, với 43%. Có nhiều mô hình khi triển khai xuống cơ sở tưởng như không thể thực hiện được vì rào cản nhận thức hạn chế, đặc thù tập quán sinh hoạt của nhân dân, nhưng bằng quyết tâm, trách nhiệm và tình cảm, cán bộ các cấp hội phụ nữ đã triển khai thành công.
Trong quá trình làm công tác hội, chị Thu gặp khá nhiều thuận lợi vì bản thân chị được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quế Phong. Việc đồng điệu về ngôn ngữ, phong tục tập quán là lợi thế lớn khi chị giao tiếp với đồng bào. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các hoạt động của hội. Hàng năm, chị Thu cùng các cán bộ Hội phụ nữ huyện triển khai có hiệu quả các phong trào, nổi bật như phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”…
Là người có kinh nghiệm trong công tác phụ nữ, chị Thu hiểu rằng, muốn hội phát triển bền vững, thực sự phải tạo được dấu ấn không thể thiếu trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của chị em. Chị Thu không nhớ rõ bao nhiêu lần, chị trực tiếp lặn lội tìm về các gia đình hội viên, trò chuyện với từng thành viên, giúp họ hiểu hơn vai trò, thành viên, ý nghĩa của hội để mong các gia đình tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia hoạt động. Đối với đồng bào dân tộc Thái, người phụ nữ có vị thế quan trọng trong gia đình, họ rất được tôn trọng nên nhiều việc lớn, nhỏ nếu phụ nữ chưa thông, chưa đồng tình, nhất trí thì ít nhiều sẽ gặp vướng mắc. Với vai trò là cán bộ hội, chị luôn nắm bắt được điều đó, đánh trúng vào tâm lý, để từ người phụ nữ lan tỏa những việc làm tốt, những mô hình hay cho toàn thể bà con dân bản.
Chị cùng các cấp hội phụ nữ đã xây dựng được 10 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi nhà trị giá từ 20 - 25 triệu đồng. Đồng thời chị chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình chăn nuôi lợn đen ở bản Khốm, xã Hạnh Dịch, mô hình nuôi vịt bầu và lợn địa phương tại xã Cắm Muộn, Tiền Phong… Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, Hội còn chỉ đạo xây dựng mô hình: “Sạch làng tốt ruộng” tại 14/14 xã, thị trấn. Các mô hình đã giúp chị em hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Ngoài ra, hội đã chỉ đạo xây dựng được nhiều câu lạc bộ: Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tự nguyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật… Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có trên 50 câu lạc bộ. Mới đây nhất, hội tổ chức xây dựng nhóm nghề và lớp học dệt thổ cẩm nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo điểm nhấn cho hoạt động phụ nữ dân tộc Thái trên địa bàn miền núi.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và trách nhiệm, có lý, có tình của chị, trong những năm qua, tổ chức Hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn huyện Quế Phong được các cấp ủy Đảng cơ sở đánh giá là tổ chức hoạt động tích cực, có hiệu quả nhất. Với cương vị là người đứng đầu trong cơ quan Hội, chị Thu luôn xác định mình là trung tâm, là chỗ dựa cho chị em.
Mặc dù bận rộn với công việc, nhưng khi trở về mái ấm gia đình của mình, chị Thu vẫn làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ đảm đang. Ngôi nhà nhỏ của chị luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc, 2 con nhỏ của chị liên tục nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường.
Với những nỗ lực không ngừng, bản thân chị Thu đã được Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong tặng nhiều Giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của huyện.