TĐKT- Với sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt tình trong công việc, những năm qua, chị Trần Huyền My, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân tiếp thu những kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu.
Được lãnh đạo cơ quan phân công phụ trách chung địa bàn cụm 5 xã phía Nam của huyện Võ Nhai. tuy địa bàn công tác rộng và quá trình đi lại rất vất vả nhưng chị luôn phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị đã phối hợp với các cấp, các ngành của địa phương chỉ đạo tốt công tác sản xuất, đảm bảo đúng với quy định của ngành và đạt được những chỉ tiêu cấp trên giao: Tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; đưa các giống mới vào sản xuất, tập huấn hướng dẫn đúng quy trình... Báo cáo chính xác các số liệu, không xao nhãng trong công việc được giao. Làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, chị Huyền My đã phối hợp cùng với UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân với các hình thức: Tập huấn theo chương trình, tập huấn theo nhu cầu của cơ sở và tập huấn theo các mô hình trình diễn, chương trình, dự án nhằm chuyển giao công nghệ vào sản xuất thực tiễn cho nông dân. Kết quả đã tổ chức được 14 lớp với trên 706 lượt người tham dự.
Chị cũng phối hợp với các công ty chế biến, sản xuất ngô (Công ty Sygenta, Công ty CP, Công ty Mosanto...) tổ chức được 5 lớp tập huấn kỹ thuật cho các xã với trên 300 lượt nông dân đưa các giống ngô lai, ngô biến đổi gien vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng.
Chị không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến với những xóm, bản có người Mông sinh sống để hướng dẫn cho bà con quy trình, kỹ thuật thâm canh cây ngô lai và các chính sách dân tộc được hưởng theo Đề án 2037.
Đặc biệt, trong năm 2017, chị đã mạnh dạn tham mưu xây dựng và thực hiện thành công các mô hình mang tính công nghệ áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi: 4 mô hình áp dụng công nghệ trong trồng trọt gồm 2 mô hình hệ thống phun mưa (tưới nước) tự động tại gốc cho cây bưởi tại Tràng Xá và Phương Giao, 2 mô hình xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng.
Cũng trong năm, chị được phân công triển khai, thực hiện thành công 1 dự án giảm nghèo về lĩnh vực chăn nuôi: “Nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản huyện Võ Nhai năm 2017” tại xã Bình Long.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ UBND huyện giao, chị cũng phối hợp cùng UBND các xã tổ chức nghiệm thu, hoàn tất hồ sơ, cấp kinh phí hỗ trợ diện tích sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vụ xuân, vụ mùa đạt 100% kế hoạch.
Chia sẻ thành công trong công việc, chị My cho biết: Đối với người làm công tác khuyến nông, để đạt được hiệu quả cần bám sát cơ sở. Qua tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân thì mới biết nông dân cần tập huấn những nội dung gì, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, người cán bộ khuyến nông cũng cần chủ động nghiên cứu những mô hình mới, những tiến bộ khoa học tiên tiến, để tham mưu cho huyện tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình phù hợp với địa phương.
Với những đóng góp thiết thực và hiệu quả trong công tác khuyến nông cơ sở, chị Huyền My đã được các cấp khen thưởng, được bà con nông dân và lãnh đạo xã tín nhiệm.
Thu Hoài