Người cán bộ được Đảng tin, dân mến
02/03/2021 - 14:23

TĐKT - Gần 40 năm gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng”, từ khi còn làm công tác quân sự tại địa phương tới khi về hưu, giữ vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu ở thôn Phô Cóc (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), chưa bao giờ ông Trần Văn Bốn hối hận vì con đường mình đã chọn. Với ông, sự tin yêu, tín nhiệm của nhân dân nơi đây là niềm vui, là nguồn động lực để ông không ngừng phấn đấu và cống hiến cho quê hương.

Ông Trần Văn Bốn

Năm 1982, trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, đảng viên trẻ Trần Văn Bốn khi ấy mới 22 tuổi, được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm công tác quân sự, để rồi sau đó, toàn bộ thời gian, công sức của ông đều dành phục vụ địa phương. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, năm 2017, ông về hưu với mức lương chưa vượt qua con số 1,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, ông vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia công tác xã hội, đoàn thể tại thôn, xóm.

Nhân dân tín nhiệm bầu ông làm Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Phô Cóc. Cũng chính từ lúc ấy, vai trò "người uy tín" của ông được phát huy rõ nét hơn bao giờ hết. Với những hiểu biết từ trong quá trình làm công tác Đoàn, Đảng, cùng sự nhiệt huyết của mình, ông Bốn đã góp phần rất lớn trong việc đẩy phong trào của thôn lên cao, phát huy được tinh thần đoàn kết trong quần chúng nhân dân.

Phô Cóc có 90% người dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu, đời sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, có thời điểm 5 - 6 năm liền thôn Phô Cóc không phát triển thêm được đảng viên mới, tuổi đời bình quân của các đảng viên trong thôn đạt ngưỡng 52 - 53 tuổi. Trong thôn xóm xuất hiện tình trạng lấn chiếm đất đai, mất đoàn kết. Niềm tin của nhân dân vào cán bộ giảm sút. Việc huy động nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào gặp nhiều khó khăn. Đây cũng chính là những trăn trở lớn của ông Bốn ngày về làm Bí thư chi bộ thôn.

Ông Trần Văn Bốn tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới

Việc đầu tiên ông nghĩ tới khi ấy là phải củng cố lại tinh thần đoàn kết trong thôn, trước hết, phải quán triệt lại tinh thần, cách làm việc của những đồng chí lãnh đạo thôn. Theo ông, đồng bào dân tộc thiểu số bản chất là thật thà, chất phác, muốn họ tin tưởng, làm theo không khó, cái quan trọng là bản thân và gia đình những cán bộ thôn phải gương mẫu đi đầu từ lời nói đến việc làm. Dù làm việc gì cũng cần công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn. Đồng thời, phải tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân.

Mưa dầm thấm lâu, ông Bốn từng bước thay đổi phong trào của thôn. Công tác phát triển đảng viên đạt được những chuyển biến tích cực. Chỉ sau 3 năm, tuổi đời bình quân của đảng viên đã giảm từ 53 xuống 48. Tinh thần đoàn kết của nhân dân được nâng lên đáng kể. Người dân tích cực tham gia hưởng ứng trong các phong trào. Điển hình như việc đóng góp công sức, tiền của hoàn thiện nhà văn hóa thôn, xây dựng rãnh thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng…, chung tay xây dựng nông thôn mới.  

Để giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, ông chủ động liên hệ với ban, ngành các cấp tổ chức các lớp tập huấn, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới để bà con áp dụng vào thực tiễn, phát triển sản xuất.

Đời sống không ngừng được nâng cao, nhân dân tuyệt đối tin tưởng và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Phô Cóc Trần Văn Bốn.

Trang Lê