Người bác sĩ lặng lẽ cống hiến cho nghề
27/02/2017 - 00:00

TĐKT- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Viện Giám định pháp y (GĐPY) Quốc gia là người có thâm niên trong nghề giám định. Ông lặng lẽ gắn bó với nghề, một nghề chịu nhiều yếu tố rủi ro khi phải tiếp xúc với các bệnh nguy hiểm.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long, khi nói về nghề GĐPY mọi người chỉ nghĩ tới công việc là giải phẫu tử thi (GPTT) nhưng thực chất ngoài việc mổ tử thi, các bác sĩ GĐPY còn thực hiện nhiều loại hình giám định khác như giám định tổn thương cơ thể (tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên phục vụ tố tụng, chấp hành án, chi trả bảo hiểm...; giám định ADN: xác định dấu vết sinh học và giám định huyết thống...; giám định hóa pháp: xét nghiệm tiềm hóa chất trong cơ thể người, tìm ma túy... phục vụ cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người dân.

Hầu hết các bác sĩ GPTT đều không biết nạn nhân có bị mắc bệnh truyền nhiễm trước đó. Nhiều trường hợp nạn nhân chết trong các trại tạm giam, tạm giữ vì tàng trữ, buôn ma túy, nhiều bệnh nhân bị nhiễm HIV, viêm gan B, lao... Do vậy khi khám nghiệm cũng không được xét nghiệm sàng lọc HIV trước, trừ trường hợp bị ốm yếu được đưa đến bệnh viện cấp cứu rồi mới chết. Khi GPTT xong và lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mới xác định được lúc đó thì đã quá muộn. Cũng có trường hợp biết bệnh nhân bị HIV nhưng trong quá trình GPTT vẫn có thể xảy ra sơ suất.

Đó là những độc hại về mặt thể chất, còn những căn bệnh về tâm thần thì theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long khó có thể đong đếm được. Những lần đi mổ tử thi ở những nơi khó khăn, hiểm trở, không quản ngày đêm, thời tiết, vượt rừng, lội suối, bác sĩ Long và đồng nghiệp đã vượt qua yếu tố tâm lý để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. 10 năm công tác trong nghề nhưng mỗi lần đi GPTT là bác sĩ Long đều không quên được những mùi đặc trưng của xác chết, đặc biệt là xác chết đã bị phân hủy.

Active Image

Bác sĩ Long và đồng nghiệp trong một lần khám nghiệm tử thi tại hiện trường

Bác sĩ Long cho biết thêm, nghề GĐPY phải chịu rất nhiều thiệt thòi nên khó tìm được đội ngũ kế cận. Viện Giám định pháp y Quốc gia luôn thiếu người, dù đăng tuyển rất lâu, mới đây mới tuyển được 3 khai thác viên, nhưng chỉ có một người ở lại còn hai người sau ba tháng công tác tại viện đã làm đơn xin nghỉ việc vì lý do không chịu được áp lực.

Cũng vì chưa có sự thông cảm với nghề mà các bác sĩ GĐPY thường bị xa lánh khi người ngoài tiếp xúc. Bởi mọi người nghĩ, làm nghề GĐPY là những người chuyên “úp mặt vào tử thi” nên ai cũng sợ, nhiều người không dám bắt tay, không dám ngồi gần. Bác sĩ Long nhớ lại thời kỳ đầu khi đi tìm hiểu người yêu, vì cao hứng nên kể cho bạn gái nghe về những chiến tích mổ tử thi, bạn gái sau khi nghe xong một đi không trở lại. Rút kinh nghiệm, khi đã xây dựng gia đình, bác sĩ Long cũng không bao giờ kể cho vợ, con nghe về công việc thường ngày.

Đặc thù công việc của các bác sĩ GĐPY mang tính sự vụ nên phải trực 24 giờ trong ngày, kể cả những ngày lễ, tết vì phải giải phóng hiện trường nhanh, tránh gây tâm lý hoang mang cho quần chúng. Nhiều trường hợp thực hiện giám định tại nhà nạn nhân hoặc hiện trường, người nhà nạn nhân vây quanh vừa khóc, vừa đe dọa.

Bác sĩ Long nhớ lại trường hợp mổ tử thi vào năm 2009, ở Vĩnh Long là một trong trường hợp chịu nhiều áp lực, từ phía nguyên đơn, người bị hại và cả yếu tố tâm linh. Đó là trường hợp Nguyễn Văn H, là chồng chị Nguyễn Thị M, hai người đang trong thời gian ly dị thì anh H không may bị đuối nước chết. Sau khi chôn cất anh H, gia đình anh đã làm đơn kiện chị M vì nghi là con dâu đã giết con trai để cướp tài sản. Để xác định nguyên nhân cái chết của anh H, bác sĩ Long cùng Phó Viện trưởng Viện pháp y Quốc gia đã nhanh chóng lên đường vào Vĩnh Long để thực hiện GPTT. Vì anh H đã chết được 2 năm nên xét về yếu tố tâm linh thì đội GPTT cũng ái ngại khi khai quật xác lên để làm công tác giám định. Nhưng vì nhiệm vụ, anh cùng Viện phó đã nhanh chóng tiến hành lấy những mẫu cần thiết về làm xét nghiệm, kết quả cho thấy anh H chết bị đuối nước thông thường, cuối cùng người vợ đã được đã giải oan, hai thông gia lại trở lại như xưa.

Nghề GPTT nói riêng và nghề GĐPY nói chung là nghề mà ít ai hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, các anh luôn tâm niệm, đây là nghề chuyên đi làm phúc và phải làm bằng sự tâm huyết với nghề vì đây là trách nhiệm, là bảo vệ công lý và vì sự bình yên trong xã hội.

Hồng Thiết