Tháng 9 năm 1971, theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ Hoàng Đăng Thường, khi ấy vừa 19 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, gác lại ước mơ giảng đường đại học. Những ngày đầu quân ngũ, anh là chiến sĩ bộ binh tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường Quảng Trị. Đặc biệt tại cảng Cửa Việt, thuộc địa bàn huyện Gio Linh, Hoàng Đăng Thường đã cùng đồng đội ngoan cường chiến đấu, giành giật với quân thù từng tấc đất trong suốt 81 ngày đêm. Trong một trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, anh nhận nhiệm vụ tại chốt để bảo vệ đồng đội vượt sông Thạch Hãn, nhiều đồng đội của anh đã hy sinh và anh cũng bị thương với 4 mảnh đạn của pháo tăng xuyên qua mũ, găm vào đầu. Do vết thương quá nặng, anh phải nằm bất động trong thời gian dài, rồi chuyển ra Trại điều dưỡng tỉnh Hà Bắc. Sau nhiều lần mổ, tháng 1/1984, Hoàng Đăng Thường được phục viên trở về địa phương với những mảnh pháo vẫn còn trong đầu, là thương binh hạng ¼, mất sức 81%. Mặc dù tham gia kháng chiến trong thời gian ngắn nhưng thương binh Hoàng Văn Thường đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba…
Cựu chiến binh Hoàng Đăng Thường chăm sóc vườn cây của gia đình
Xuất ngũ trở về địa phương, không chịu đầu hàng trước số phận, lúc này ông Thường gánh vác trên vai trọng trách nuôi bố mẹ già, con nhỏ. Với tâm niệm và tự an ủi rằng mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, ông Thường cùng vợ con cần mẫn lao động, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế. Do sức khỏe yếu, vẫn còn một mảnh pháo không thể lấy ra, mỗi khi trái gió trở trời, ông thường xuyên bị chóng mặt, ngất, nên mọi việc đồng áng ông trông cậy vào vợ. Ở nhà, những lúc khỏe, ông không ngơi nghỉ việc nhà, nấu rượu, chăn nuôi lợn, gà tăng thêm thu nhập. Mấy năm gần đây, tuổi cao, ông chuyển sang chăn gà chọi đẻ trứng và trồng bưởi Diễn. Mày mò học kinh nghiệm chiết bưởi, ông nhân giống được gần 50 gốc tại vườn nhà. Được thâm canh, chăm sóc chu đáo, vườn cây phát triển tốt, bưởi đã cho thu hoạch, chất lượng ngon, mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Mỗi vụ bưởi, gia đình ông thu hơn 30 triệu đồng. Ông tâm sự, mỗi khi vết thương tái phát, cơn đau hành hạ, ông thấy nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhất là những đồng đội hy sinh ngay sau ngày ký hiệp định Pari hay ngã xuống ngay trước giờ chiến thắng. “Vì vậy, còn sức khỏe, mình còn cố gắng, không phải chỉ cho mình mà còn cho gia đình, bạn bè, cho đồng đội.” – Ông chia sẻ.
Là một thương binh giàu nghị lực, ông Thường đã vượt qua những cơn đau, sống vui vẻ, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông vẫn tổ chức cùng đồng đội ôn lại quá khứ, thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội đã ngã xuống tại Quảng Trị và động viên nhau vượt lên hoàn cảnh, sống gương mẫu. Hơn 40 năm vượt lên thương tật với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, ở tuổi 64, người thương binh ấy đã thỏa nguyện với cuộc sống hiện tại. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Phương Nhung