TĐKT- Sáng 10/7, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Tổng cục Hậu cần tổ chức lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần quân đội (11/7/1950-11/7/2015). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại buổi lễ.
Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL thành lập Tổng cục Cung cấp và cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục. Đến tháng 1/1955, Tổng cục Cung cấp đổi tên thành Tổng cục Hậu cần. Ngay sau khi thành lập, Tổng cục đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương và các đơn vị trong toàn quân, xây dựng ngành lớn mạnh, làm tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch, đặc biệt là các chiến dịch lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh..., đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo hậu cần cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế, cho lực lượng hải quân trụ vững ở Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Quân công hạng Nhất lên quân kỳ Quyết thắng của Tổng cục Hậu cần.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Tổng cục Hậu cần đã chủ động nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế của Nhà nước; tham mưu, chỉ đạo và tham gia xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố; xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần cho phòng thủ đất nước, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến trang thiết bị đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” do Tổng cục Hậu cần tham mưu cho Đảng ủy quân sự Trung ương phát động triển khai 20 năm qua đã được toàn quân sôi nổi hưởng ứng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hậu cần quân đội, xây dựng ngành vững mạnh. Công tác hậu cần đã bám sát đời sống bộ đội, có nhiều đổi mới, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vừa làm tròn nhiệm vụ của lực lượng hậu cần chiến lược, vừa trực tiếp bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất hậu cần cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và hoạt động thường xuyên của toàn quân, góp phần cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội. Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành đã xây dựng, sắp xếp, đổi mới công nghiệp hậu cần phát triển tương đối đồng bộ. Năng lực sản xuất có bước tiến bộ khá vững chắc, bảo đảm đáp ứng nhu cầu quốc phòng và kết hợp sản xuất hàng kinh tế.
Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, toàn ngành nói chung, Tổng cục Hậu cần nói riêng luôn chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác dân vận, xây dựng cơ sở địa phương được chú trọng, tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, thực hiện các chính sách xã hội, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh về chính trị, bảo vệ tốt trật tự trị an, được nhân dân yêu quý, tin tưởng.
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 65 năm qua, toàn ngành đã có 166 tập thể, 156 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng vạn tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Tổng cục Hậu cần đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, ngành Hậu cần quân đội vinh dự đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, sự trưởng thành vượt bậc và truyền thống vẻ vang của ngành Hậu cần quân đội trong 65 năm qua. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành Hậu cần quân đội cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng xây dựng chiến lược và các kế hoạch bảo đảm hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các phương án bảo đảm hậu cần cho từng cấp, từng quân, binh chủng, từng địa bàn, từng khu vực phòng thủ; giữ gìn tốt, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho; không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh đó, ngành cần tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng ngành Hậu cần chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm công tác hậu cần quân đội của các nước trên thế giới; ứng dụng các thành tựu mới, các phương thức mới bảo đảm hậu cần trong chiến tranh hiện đại phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, nghệ thuật tác chiến, đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân của ta. Đồng thời, ngành Hậu cần quân đội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội đất nước, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Chủ tịch nước tin tưởng rằng phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm qua, ngành Hậu cần quân đội nhất định sẽ không ngừng lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.