TĐKT – Với mong muốn “Mỗi cuốn sách thắp sáng một ngọn lửa ước mơ”, gần 5 năm nay, các bạn đoàn viên trẻ thuộc Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) luôn săng sái, tất bật với việc vận động, thu gom, phân loại và xây dựng những tủ sách cho các học sinh xã nghèo. Chủ nhân của ý tưởng “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” chính là giảng viên Lương Nguyệt Ánh, nguyên Bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại.
Đúng như tố chất của một người trưởng thành từ phong trào Đoàn, Ánh say sưa kể về “mô hình con đẻ” của mình. Ánh cho biết, tháng 3/2014, trường Đại học Thương mại tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình tình nguyện tiêu biểu. Theo đó, mỗi liên chi đoàn trong trường cần đăng ký và thực hiện một mô hình tình nguyện. Thời điểm đó, Khoa Kinh tế - Luật kết hợp với Khoa Quản lý - Đào tạo bắt đầu phát động tìm kiếm ý tưởng xây dựng mô hình tình nguyện của mình. Mỗi đoàn viên, thanh niên là sinh viên, giảng viên trong khoa lại có một ý tưởng khác nhau.
Lễ tiếp nhận tủ sách tại thôn Đống Long năm 2014
Tình cờ xem một chương trình thời sự, Ánh ấn tượng với câu nói của một em học sinh tiểu học ở vùng quê nghèo rằng: em mong muốn quê hương có một tủ sách để thường xuyên lui tới đọc, nhưng nơi em đang sống không có đủ điều kiện để tiếp cận với sách và các ấn phẩm văn hóa; tủ sách công cộng lại chưa có. Ánh đã bàn bạc với các đoàn viên, thanh niên khác về ý tưởng xây dựng “mô hình tủ sách cho xã nghèo” và nhanh chóng được mọi người ủng hộ.
Đó là lần đầu tiên thực hiện mô hình tủ sách cho xã nghèo nên từ khâu khảo sát, lựa chọn địa chỉ xã nghèo cho đến cách thức vận động, thu gom, phân loại sách được Ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Kinh tế - Luật làm rất nghiêm túc, bài bản.
Thôn Đống Long, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội là một địa chỉ quen thuộc trong mỗi chuyến tình nguyện của Đoàn trường Đại học Thương mại. Dù cách trung tâm Hà Nội không xa nhưng đây là một thôn nghèo với cơ sở vật chất, các lớp học xây tạm đơn sơ, trang thiết bị, sách giáo khoa cơ bản thiếu thốn. Tuy vậy, học sinh ở đây rất hiếu học, lại có nhiều thành tích cao. Do đó, Ban chấp hành Liên chi đoàn cho rằng việc đặt tủ sách ở đây là rất thiết thực và phù hợp.
Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật phối hợp cùng chi đoàn Phòng Quản lý đào tạo thuộc Đoàn Trường Đại học Thương mại đã cử đoàn về địa phương làm việc và xin ý kiến của lãnh đạo thôn, xã về việc xây dựng mô hình tủ sách. Sau đó, tổ chức phát động đến tất cả đoàn viên, thanh niên trong và ngoài khoa về chương trình tình nguyện mang tên “Mỗi cuốn sách – Một ngọn lửa thắp sáng ước mơ” xây dựng thư viện sách tại thôn Đống Long.
Để thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng đoàn viên, Ban chấp hành Liên chi đoàn đã phát sóng lên các trang thông tin của trường, của khoa và facebook, những hình ảnh cảm động về thực tế cuộc sống khó khăn cũng như ước mơ, khát khao của những em học sinh ở thôn Đống Long trong lần đi khảo sát thu được. Kết quả, chỉ sau hơn 2 tuần phát động, Ban Tổ chức đã quyên góp thu về hơn 2.050 đầu sách báo, tạp chí, sách tham khảo, truyện…và gần 4 triệu đồng tiền mặt từ những tấm lòng hảo tâm của toàn thể các thầy cô giáo, đoàn viên….
Anh Kim Xuân Cương, cựu sinh viên của trường Đại học Thương mại, một trong những người tham gia thực hiện chương trình “Tủ sách cho xã nghèo” từ những ngày đầu tiên cho đến nay vẫn tiếp tục đồng hành với chương trình cho biết: tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt háo hức của các em học sinh khi sách vừa được chuyển tới nơi. Chúng ùa ra, giúp các tình nguyện viên mang sách vào và cùng xếp sách lên tủ, rồi cùng hò reo mỗi khi gặp được một cuốn sách “hấp dẫn” từ truyện tranh hay tờ báo nhi đồng… Đó chính là động lực thôi thúc các thế hệ đoàn viên, thanh niên Khoa Kinh tế - Luật nói riêng, Trường Đại học Thương mại nói chung có trách nhiệm duy trì và phát triển mô hình tủ sách.
Mô hình “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” đang được các thế hệ đoàn viên, thanh niên Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) duy trì thực hiện hiệu quả
Điều đặc biệt là, từ thành công của mô hình “xây dựng tủ sách cho xã nghèo” tại thôn Đống Long, những năm sau đó, các thế hệ Đoàn thanh niên Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và tổ chức triển khai hiệu quả mô hình này đến nhiều đơn vị xã nghèo khác trên cả nước, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong lớp trẻ, thổi luồng ánh sáng tri thức lớn cho cộng đồng.
Tiêu biểu là năm 2015, xây dựng Tủ sách cho xã nghèo Vô Chanh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với 1.322 sách, truyện, tạp chí các loại; năm 2016, xây dựng tủ sách tỉnh Thái Nguyên. Mới đây, tháng 3/2017, Liên chi đoàn đã tổ chức quyên góp, trao tặng 453 sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh Trường tiểu học Trung Sơn B, thuộc diện 135- xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) Ngô Ngân Hà, khẳng định: thời gian tới, Liên chi đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình “Tủ sách cho xã nghèo” tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh việc tặng sách, Đoàn thanh niên sẽ tổ chức kết hợp các hoạt động vui chơi khác nhằm tạo thêm cơ hội cho các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa tiếp cận với sách cũng như được hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả. Từ đó, khơi dậy tình yêu sách trong các em nhỏ, từng bước nâng cao tri thức cho học sinh tiểu học.
“Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” được công nhận là một trong những mô hình tình nguyện tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mai Thảo