Mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên
29/06/2020 - 09:24

TĐKT - Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao giữa lúc người nông dân đang phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phong Thúy đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân và đưa nông sản Việt Nam trở thành mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bứt phá sáng tạo

Vốn sinh ra trong một gia đình xứ đạo gốc tỉnh Hải Dương, có truyền thống trồng rau xanh lâu đời ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nên ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Hồng Phong đã sớm tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nông nghiệp. Hơn ai hết, anh cũng thấm thía những vất vả, nhọc nhằn của người làm nông trên mảnh đất bazan Tây Nguyên.  

“Nông dân luôn là người phải gánh chịu những thiệt thòi về mình. Khi được mùa thì bị thương lái ép giá; có khi được giá nhưng lại mất mùa do thiên tai, khô hạn… Do đó, những sản phẩm rau, củ, quả mà người nông dân một nắng hai sương làm ra thường được bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, cũng mớ rau, củ, quả đó khi được bán ở những sạp hàng tại các chợ lớn trên thành phố thì giá trị tăng lên gấp nhiều lần…” – Anh Phong nhớ lại.

Những suy tư ấy đã trở thành động lực, liên tục thôi thúc anh quyết tâm tìm ra được lời giải cho nông dân mình bớt khổ.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong (Bên trái) vinh dự được đón tiếp và giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về mô hình sản xuất của công ty

Năm 1990, khi đến tuổi trưởng thành, khát khao ước mơ lập nghiệp cháy bỏng đã đưa chàng thanh niên Nguyễn Hồng Phong đến vùng kinh tế mới - mảnh đất thôn Lạc Lâm thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Tại đây, anh bắt tay vào khai hoang và khởi nghiệp, từ diện tích 4.000 m2 đất được Nhà nước cấp, với số vốn ít ỏi 700.000 đồng của gia đình lúc đó.

Để canh tác hiệu quả, gia đình anh tổ chức trồng cà phê là cây lâu năm; để lấy ngắn nuôi dài, anh trồng xen canh rau, đậu, bắp vào cà phê để hạn chế cỏ mọc và kiếm thêm thu nhập.

Đặc biệt, nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất thích hợp để phát triển cây rau ngắn ngày nên anh đã lựa chọn trồng thử nghiệm một số loại rau. Mô hình trồng rau của gia đình anh cho hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân kinh tế mới và bà con dân tộc tại chỗ gốc Tây Nguyên xung quanh. Bằng kinh nghiệm sẵn có, anh đã gieo ươm cây rau giống, cung cấp cho bà con; đồng thời sẵn lòng hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác tốt nhất.

Nhờ sự nhạy bén và cởi mở đó, ngoài sản xuất cà phê và rau, quả thương phẩm, từ năm 1995, gia đình anh đã xây dựng thêm được mô hình vườn ươm cây trồng có diện tích lên tới 3.000 m2, chuyên cung cấp cây giống rau, củ, quả cho bà con nông dân ở xã Phú Hội, thị trấn Liên Nghĩa và vùng lân cận. Từ năm 2000, gia đình anh đã đạt được quy mô trang trại với tổng diện tích là 6 ha rồi sau này mở rộng ra là 16 ha…

Bám sát định hướng phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, không chỉ gia đình anh Phong mà nhiều bà con nông dân huyện Đức Trọng được tiếp cận với các buổi tập huấn, các hội thảo hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, giống cây trồng mới của xã, của huyện… Do đó diện tích trồng rau trên địa bàn huyện Đức Trọng dần mở rộng, đảm bảo cung cấp cho nhiều thị trường. Tuy nhiên, diện tích càng lớn, đồng nghĩa với sản lượng rau tăng theo, khi đó vấn đề đầu ra gặp nhiều rắc rối về tiêu thụ và giá cả, cộng với sự cạnh tranh trên sân nhà của các nước lân cận và trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan…. gây nhiều thiệt thòi cho người nông dân.

Để có thể giúp đỡ bà con, cũng là giúp chính bản thân mình tìm được lời giải đáp cho “bài toán” từ thuở ấu thơ, anh Phong dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận công nghệ của thế giới; quan sát, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ; cùng các nông hộ liên kết đi tham quan, học hỏi ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia; hay các nước tiên tiến như Úc, Nhật Bản, châu Âu về những công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại áp dụng vào sản xuất tại đơn vị mình…

Anh Phong chia sẻ: Thông qua những chuyến đi đó, tôi nhận ra rằng Việt Nam không phải quốc gia thiếu sản phẩm. Nước ta có nhiều sản phẩm xuất khẩu về sản lượng thuộc nhóm đầu thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu... nhưng đời sống của nông dân vẫn khó khăn, mấu chốt ở đây là chất lượng sản phẩm của ta chưa cao, mẫu mã chưa đẹp và cách sản xuất còn nhỏ lẻ không tập trung nên khó cho ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều để bán vào các thị trường khó tính làm gia tăng giá trị sản phẩm.

Do đó, anh đã chọn hướng đi mới – Đó là sản xuất sản phẩm an toàn theo chuẩn Vietgap chất lượng cao và quan tâm đến quy trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, để gia tăng giá trị. Đồng thời phải tổ chức sản xuất khép kín, hạn chế trung gian để tiết kiệm chi phí, hao hụt; cùng với đó là phải hợp tác, liên kết sản xuất để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm….

Mô hình trồng cà chua áp dụng công nghệ cao của công ty Phong Thúy

Từ đầu tư mở rộng diện tích canh tác của gia đình, anh cũng đầu tư xây dựng quy mô nhà xưởng sơ chế và mua sắm các máy móc thiết bị, hệ thống nhà kính, xe chuyên dùng; kỹ năng quản lý… Đến năm 2013 thì chính thức thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại Nông sản Phong Thúy. Cũng trong năm này, Phong Thúy ký được hợp đồng xuất khẩu rau đi Malaysia, Nhật Bản, Đức và nhiều nước trong khu vực ASEAN.

Nhận định đây là hướng đi hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; đồng thời là cơ hội để nhiều bà con nông dân nơi đây cùng hưởng lợi, anh Nguyễn Hồng Phong đã vận động liên kết sản xuất với các nông dân quanh vùng.

Để đảm bảo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, công ty Phong Thúy tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, quản lý từ cây giống, gieo ươm, xây dựng quy trình sản xuất, canh tác, thu hoạch, sơ chế và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, những hộ dân liên kết cùng Phong Thúy cũng được tạo điều kiện luân phiên đi học cách sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia phát triển cũng như thường xuyên được các chuyên gia Hà Lan, Nhật Bản tập huấn về các vấn đề liên quan đến rau.

Gặt hái thành công

Bằng sự chủ động của bản thân, cộng với các chính sách giúp đỡ, tạo điều kiện của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyễn Hồng Phong tiếp tục được tiếp xúc với các chuyên gia của Nhật Bản và được tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất như ủ men vi sinh, quản lý dịch hại, thiên địch bằng các chế phẩm sinh học. Đồng thời, thông qua dự án phát triển đa ngành của kinh tế Lâm Đồng, anh được tổ chức JICA cho đi tham quan Nhật Bản và một số nước trong khu vực để tìm hiểu về các công nghệ sản xuất nông nghiệp nhằm giới thiệu, kết nối, tiếp cận với các doanh nghiệp về cơ giới, công nghệ sau thu hoạch nhằm bảo quản và tăng giá trị của sản phẩm, kỹ năng quản lý…

Đến nay, Phong Thúy có tới 130 ha rau quả các loại được chứng nhận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng cho các thị trường nước ngoài và siêu thị trong nước. Trong đó, có 75 ha của công ty được hỗ trợ chứng nhận và các hộ liên kết tự chứng nhận 55 ha; diện tích kho xưởng và sản xuất, sơ chế lên tới 6000 m2 cùng 11 ô tô được sử dụng trong chuyên chở sản phẩm. Ngoài ra trang trại nuôi bò thịt với bình quân trên 100 con.

Giám đốc Nguyễn Hồng Phong chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Trung tâm sau thu hoạch - Công ty Phong Thúy

Đặc biệt, từ năm 2016, Phong Thúy đã đi sâu vào khâu xử lý thực phẩm sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng và tăng giá trị sản phẩm. Theo đó, công ty đã được tiếp nhận và vận hành máy xử lý củ quả sau thu hoạch theo công nghệ Nhật Bản. Đây là loại máy có chức năng rửa tiết kiệm nước, thổi khô và làm bóng củ, quả, có công suất từ 2,5 – 3 tấn /giờ. Đồng thời, công ty cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ đóng gói với màng tự động, túi lưới nhằm tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp mắt, chất lượng cao.

Từ những bước đi đột phá trong công nghệ đó, giá trị các mặt hàng của Phong Thúy ngày một gia tăng, doanh số bán hàng tăng tới 20%/năm, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong việc xây dựng các kho chế biến, bảo quản nông sản nhằm hạn chế tối đa những thất thoát do rau củ hỏng trong quá trình đem bán.

Hiện nay, công ty Phong Thúy do anh Phong làm chủ đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường với 15% sản phẩm của Đà Lạt được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, 70% xuất hiện trên các kệ hàng của những siêu thị lớn như: VinMart, Mega, Coopmart, Lottermart,… số còn lại được tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Xử lý rau, củ, quả sau thu hoạch giúp làm gia tăng giá trị nông sản

Nhờ đó, doanh thu của công ty liên tục tăng qua các năm, chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt 144 tỷ đồng, trung bình mỗi ha có doanh thu đạt 950 triệu đồng/năm. Trong đó, doanh thu từ sản xuất công nghệ cao trong nhà kính đạt 1-3 tỷ/ha/năm, cung ứng cho thị trường khoảng 12.000 tấn rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Điều đáng nói là, với mô hình nông nghiệp hiện đại này, đã có khoảng 150 lao động chủ yếu trên 70%  là đồng bào dân tộc thiểu số được Công ty Phong Thúy tạo công ăn việc làm và đảm bảo chế độ chính sách, bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động, có mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Phong Thúy còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ủng hộ việc tu bổ đường sá…, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong khẳng định, cần phải ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất và quản lý, để gia tăng giá trị và thu nhập trong nông nghiệp, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; đào tạo nhân sự quản trị, kỹ nghệ chất lượng cao…, đó là hướng đi đúng để phát triển bền vững hiện nay.

Đặc biệt ở doanh nhân Nguyễn Hồng Phong có một tư duy về gia tăng giá trị nông sản góp phần tạo ra sự ổn định khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (oganic) của đất nước.

Sau hơn 20 năm có mặt trên thị trường, doanh nghiệp Phong Thúy và cá nhân anh Nguyễn Hồng Phong đã vinh dự được đón các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn trong, ngoài nước đến thăm quan mô hình; được tặng nhiều hình thức khen thưởng, giải thưởng, chứng nhận, danh hiệu lớn. Thế nhưng, món quà lớn nhất mà “người nông dân có hoài bão lớn” này nhận được chính là góp phần làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu trên chính ruộng vườn của mình và tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch mỗi ngày theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mai Thảo