TĐKT - 70 năm qua, các thế hệ Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Các nhà báo Việt Nam và quốc tế dự Đại hội lần thứ I - Hội Những người làm báo Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong muôn vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau ngày toàn quốc kháng chiến đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến. Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa - xã Điềm Mặc, trong khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, một dấu mốc lịch sử trong sự phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ đây, những người làm báo Việt Nam chính thức có tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp của mình, chung lòng, chung sức dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và của Bác, góp sức cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Tháng 9/1950, tại Đại hội III của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), Hội Những người viết báo Việt Nam đã được công nhận làm thành viên chính thức của tổ chức này.
Tại Đại hội lần thứ II (16 và 17/4/1959), Hội đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 7/7/1976, Hội nghị thống nhất hội nhà báo 2 miền và lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962) (Ảnh tư liệu)
Luôn song hành cùng tiến trình cách mạng của dân tộc, 70 năm qua, tổ chức Hội và đội ngũ hội viên - nhà báo cả nước đã không ngừng lớn mạnh, luôn xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo chí là lực lượng xung kích, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Trong mọi hoàn cảnh, đông đảo hội viên, nhà báo luôn đồng hành cùng dân tộc, bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đồng thời, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện vai trò và chức năng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí và hoạt động Hội.
Vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của các cấp hội ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tham gia tích cực vào việc chuẩn bị và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí, quản lý báo chí của nhà nước; bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của nhà báo - hội viên. Trong đó, Hội đã tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các Luật Báo chí, Quy hoạch báo chí, ban hành và tổ chức thực hiện các quy ước (trước đây), các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (hiện nay).
5 năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đổi mới quan trọng trên nhiều mặt hoạt động. Hội đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên - nhà báo, góp phần tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội; động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chủ trương, chính sách về kinh tế, chống diễn biến hòa bình. Cùng với đó, Hội đã tổ chức tốt các hoạt động như: Giải Báo chí Quốc gia hàng năm, các giải báo chí chuyên ngành, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; nâng cao số lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp, tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.
Việc củng cố tổ chức Hội và công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên được gắn chặt chẽ với việc xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo bài bản, hệ thống. Đa số những người làm báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, dấn thân vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Ghi nhận đóng góp to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đội ngũ nhà báo cả nước, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Hội Nhà báo Việt Nam Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý.
Trong thư gửi Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội, biểu dương và chúc mừng những thành tựu rất đỗi tự hào của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước trong 70 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc các cấp hội, hội viên, nhà báo cả nước sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam và các hội viên cả nước, phát huy truyền thống cách mạng của mình, xây dựng Hội ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh; không ngừng chăm lo bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên. Các cấp hội, mỗi nhà báo hãy thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để thật sự là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo.
Phương Thanh