Lớp học mang niềm vui và hy vọng sống cho những trẻ đặc biệt
17/03/2021 - 10:27

TĐKT - Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) hơn 12 năm qua đã mang niềm vui và cố gắng truyền những năng lượng tích cực nhất cho những học trò bất hạnh mắc bệnh nan y tại Bệnh viện Ung Bướu, TP Hồ Chí Minh. Bởi, cô biết thời gian của các em đôi khi chỉ đếm được bằng ngày.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, cô Đinh Thị Kim Phấn học Sư phạm và xung phong lên Tây Nguyên dạy học cho đồng bào dân tộc Ê Đê suốt 12 năm tại xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn tại đây hiểm trở, an ninh phức tạp, không điện nước, xa chợ và bệnh viện… nhưng cô Phấn vẫn trụ lại, cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với đồng bào và mang tâm huyết của mình giảng dạy cho các em vùng cao.

Thời gian đó cô đã lập gia đình và sinh con tại đây. Nhưng mất mát lớn nhất của cô diễn ra năm 1989 khi đứa con trai đầu lòng mới 8 tuổi ra đi vì căn bệnh sốt rét. Hơn một năm cô đau khổ, ân hận và mất phương hướng vì không cứu chữa cho con trai kịp thời. Cô xin chuyển công tác về quê nhà tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh và năm 2011 cô về hưu tại trường Tiểu học Đuốc Sống.

Năm 2007, cô đã có dịp trò chuyện với Thúy, một em bé bị ung thư và sau đó em đã mất. Chính vì buổi gặp ấy, cô tình nguyện tham gia Chương trình “Ước mơ của Thúy” của báo Tuổi trẻ. Tiêu chí của chương trình là chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhi ung thư trong thành phố. Thấu hiểu tâm trạng của một người mẹ khi mất con, cô Phấn rất đồng cảm với những người mẹ ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh.

Niềm vui cuối tuần của các con mỗi khi được đến lớp

Năm 2009, lớp học chữ tại Bệnh viện Ung Bướu ra đời với 45 em học sinh lớp 1. Cô cho rằng sự gắn bó với lớp học chữ của các con đang nằm điều trị tại đây là duyên định mệnh. Cô Phấn nhớ lại: “Ngày đầu tiên tôi vào lớp học, tôi thấy toàn các em trọc đầu không à… thì một cảm giác rờn rợn sau sống lưng. Rờn rợn ở đây không phải là mình ghê sợ, mà là không biết khi mình chạm vào các em, các em có làm sao hay không. Vì đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trẻ bị ung thư, pha lẫn một chút thương xót. Tôi bắt đầu hành trình nghề giáo mới của tôi như vậy”.

Cô Phấn và các tình nguyện viên mang hy vọng sống cho các em.

Cô Phấn đã gắn bó được hơn 12 năm, mỗi năm nhận vào trên 100 học sinh, đến nay đã có khoảng 1.000 em đến lớp. Những năm đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn vì các em vừa học, vừa điều trị. Nhiều em sớm chia tay với cô giáo vì căn bệnh nghiệt ngã của mình. Cô và các bạn đồng nghiệp đã vượt qua những cú sốc tâm lý để tiếp tục dạy các em. Lớp học dần dần phát triển, từ chỉ có lớp 1 ban đầu đến lớp 2, 3, 4, 5. Những năm sau đã dạy đến lớp 9, nhưng đông nhất vẫn là các em lớp 1.

Ban đầu, cô Phấn dạy chữ cho những đứa trẻ ung thư ngay tại phòng bệnh, rồi dần dần bệnh viện bố trí riêng cho khoa Nội 3 một căn phòng nhỏ làm nơi sinh hoạt chung. Có đứa mang cả bình truyền vào lớp học, miệt mài say sưa nghe các cô truyền kiến thức. Hàng ngày, bên cạnh cô Phấn của có khoảng 6 giáo viên và nhiều em sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ. Hàng tuần, lớp hoạt động vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7. Các em được học 2 môn chính là Toán và Tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn được học hát, múa, nhảy, chơi trò chơi… Các em đến đây được thỏa mãn “cơn khát” học chữ, được vui cùng cô giáo và bạn bè, sống trong khung cảnh trường lớp để quên đi bệnh tật của mình.

Các con ở đây đa số là ung thư máu, ung thư xương, hoặc là hạch. “Cô mong rằng cứ mỗi sớm mai thức dậy, khi mở toang cánh cửa ra thì đó là một ngày tốt lành, cô sẽ nhận được tin vui chứ không phải là một cú điện thoại báo tin một em nào đó đã ra đi. Với cô, một ngày tốt lành đó, cô sẽ làm được rất nhiều việc. Cô sẽ gắn bó lâu dài với lớp học, sẽ làm được nhiều việc cho các em và mang đến cho các em niềm vui và hy vọng vào cuộc sống trong cuộc chiến đấu giành sự sống của mình”, cô Phấn tâm sự.

Cô lặng thầm lưu giữ kỷ vật và trao lại cho gia đình các em sau khi mất như một cách ghi nhận sự tồn tại của các em trên cõi đời này.

Có những thời điểm, cô Phấn phải về quê nhà của các em đã mất để đưa tang từ: Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Bình Phước đến Mỹ Tho, Bến Tre, Rạch Giá, Kiên Giang… Có khi là về để trao lại kỷ vật cho gia đình. Kỷ vật là quyển vở hay những album hình ảnh mà cô có dịp lưu trữ.

Ánh mắt của các em tràn ngập hy vọng sống và mơ ước được đến trường như bao bạn khác.

Nhiều người nói với cô Phấn rằng người ta dạy học để thấy được thành quả của mình, thấy học sinh trưởng thành là thế hệ tương lai của đất nước. Trong khi những đứa trẻ của cô lại ở trong bệnh viện, chỉ sống được vài tháng, vài năm rồi chúng thay nhau từ giã cõi đời. Những cuốn vở chỉ viết được vài trang nguệch ngoạc, những con số, bài viết đang viết dở… Nhưng đối với cô Phấn, đây không phải là công việc “dã tràng xe cát”, bởi cô và các đồng nghiệp đã đồng hành và gắn bó với nơi này suốt bao năm qua. Ngày nắng, cũng như mưa, lớp học không có nghỉ hè, cô đã chạy đua với thời gian cùng các em. Bởi các em cần con chữ đến những giây phút cuối của cuộc đời.

Cô Phấn nhớ khi mới dạy có một tuần lễ đầu tiên, có tin một em ra đi, Lúc đó, cô cũng hơi bàng hoàng thôi, vì cô mới dạy và chưa có nhiều gắn bó với em ấy. Nhưng rồi, lần lượt các em thay nhau ra đi, có những lúc đến lớp vắng hẳn còn vài em thôi. Mới đây, điển hình nhất là bé Ngọc Chi, em vừa nhắn tin cho cô: “Thứ 7 cô ơi em đi học nhé, em nhớ cô lắm”. Hôm ý, cô chụp vội cùng em một tấm ảnh riêng 2 cô trò, nhưng không ngờ đầu tuần sau, Ngọc Chi đã hôn mê sâu rồi em ra đi. Bé mới 11 tuổi thôi và có “thâm niên” đến 10 năm ở bệnh viện. Bé bị ung thư máu, vào lớp học của cô từ năm lên 5 tuổi và đến tận bây giờ, năm nào bé cũng được giấy khen ở lớp học của cô. Ước mơ của em là mong muốn được đi học và sau này làm bác sĩ để chữa cho các bạn có bệnh giống em. “Đối với các em, không biết bao giờ sẽ ra đi và buổi học nào là buổi học cuối cùng”, cô Phấn nghẹn ngào nói.

Đối với cô Phấn, được nhìn thấy các con khỏe mạnh từng ngày, là niềm vui sướng không diễn tả nổi. Cô vẫn nhớ như in, cậu học trò Lý Lâm Huyền ngày ấy là cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn. Lâm Huyền bị ung thư máu từ năm lớp 3 đến năm lớp 9. Quê em ở tận Cà Mau, dù xa xôi nhưng cha mẹ đều ròng rã lo cho con chữa bệnh. Nhờ sự chữa trị tận tình của y, bác sĩ, em đã khỏi bệnh và giờ khi đứng trước mặt, cô Phấn ngỡ ngàng trong giây lát vì không nhận ra cậu học trò ngày nào.

Cậu học sinh Lý Lâm Huyền ngày nào đã chuẩn bị vào đại học

Hiện cậu học sinh Lý Lâm Huyền đang học lớp 12 trường THPT Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Mới đây, Lâm Huyền đến tận lớp học để thăm cô. Hai cô trò không ngăn nổi xúc động, ôm chầm lấy nhau và hỏi han, tâm sự không ngớt. Cô Phấn phấn khởi tâm sự: “Lâm Huyền muốn nhờ cô tư vấn nên chọn thi đại học trường gì. Nghĩ đến em, lòng cô dạt dào niềm vui. Cô vẫn không tin em đạt được thành quả học tập và sức khỏe vượt bậc như ngày hôm nay. Cây đang ra hoa, kết nụ. Hãy tin vào tương lai tươi sáng, Lâm Huyền của cô nhé”.

Đúng như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho cô, Kim Phấn đã gắn liền cuộc đời cô với bục giảng hơn 33 năm qua, cô mang trong mình tấm lòng của một người bà, người mẹ, một cô giáo có trái tim nhân hậu để chăm sóc các em có hoàn cảnh đặc biệt như chính con đẻ của mình. Bởi với cô, cho đi không cần nhận lại và sau này cô mong sẽ truyền lại nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ có thể tiếp bước cô.

 Với những cố gắng không mệt mỏi và tràn đầy nhiệt huyết, cô Đinh Thị Kim Phấn được Thành ủy TP Hồ Chí Minh biểu dương là cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 - 2018 và đặc biệt vào tháng 11 năm 2020 cô vinh dự là 1 trong 50 cá nhân điển hình về các việc làm xã hội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tố Như