Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
28/10/2016 - 00:00
TĐKT- Với quyết tâm trả lại vẻ đẹp cho khúc sông Tô Lịch, năm 2016 huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã đăng ký và tổ chức thực hiện thí điểm thành công mô hình làm sạch sông Tô Lịch đoạn chảy qua địa bàn huyện, nhằm gieo nếp sống văn hóa, tạo suy nghĩ và hành động đẹp trong cán bộ và nhân dân về bảo vệ môi trường của dòng sông. Đến nay, hiệu quả bước đầu của mô hình đã được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao, trở thành điểm nhấn của huyện về công tác bảo vệ môi trường.

Khúc sông Tô Lịch chảy trên địa bàn huyện Thanh Trì dài gần 8 km, là tuyến sông lớn, có nhiệm vụ tưới tiêu cho phần lớn diện tích sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, tuyến sông này chưa được cải tạo, nạo vét nên bờ sông bị sạt lở, lòng sông bị bồi lắng bùn đất, rác thải... Đặc biệt, đoạn từ cống Ngọc Hồi đến cống 3, cửa Liên Ninh lòng sông bồi lắng, nhiều sen bèo, rác thải dày đặc. Hai bên bờ sông đa số là có dân cư sinh sống, một số đoạn bờ sông bị sạt lở, một số đoạn dân cư trồng cây cối, dựng lều lán gây ô nhiễm, làm mất cảnh quan môi trường, gây bức xúc trong nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Sample Image

Người dân xã Liên Ninh đang tự nguyện giải tỏa những ụ rác, các công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông

Thực hiện sự chỉ đạo của TP Hà Nội về tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Năm Trật tự văn minh đô thị 2016; đồng thời để giải quyết bức xúc của nhân dân trong vấn đề ô nhiễm môi trường, huyện Thanh Trì đã lựa chọn triển khai thí điểm mô hình làm sạch sông Tô Lịch trên địa bàn 4 xã Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Đông Mỹ và Liên Ninh.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết: ngay khi có chủ trương, huyện ủy đã ban hành Nghị quyết huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong triển khai mô hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia giải tỏa những ụ rác, các công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông. Đồng thời phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Thanh Trì tổ chức nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy, đắp gia cố bờ sông.

Kết quả, gần 2000 m3 rác thải đã được dọn dẹp, xử lý. Huyện đã hoàn thành chỉnh trang, nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến sông Tô Lịch với chiều dài 3 km; lát gạch lại vỉa hè, xây dựng các bồn hoa, trồng cây cảnh làm khu vui chơi, giải trí cho nhân dân hai bên bờ sông với diện tích 18.000 m2… Lòng sông đã không còn những bè mảng rác. Dòng chảy đã được khơi thông, khử rõ rệt mùi hôi thối. Hai bên bờ đã không còn những đám cỏ cây dại mọc um tùm. Thay vào đó là những con đường dân sinh lát gạch sạch sẽ với khuôn viên hoa và cây cảnh xanh, sạch, đẹp, đang dần trả lại vẻ đẹp vốn có của con sông Tô Lịch lịch sử của Hà Nội.

Điều đặc biệt, mô hình được đa số nhân dân ủng hộ, với hơn 1.400 lượt người, nòng cốt là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Ðoàn Thanh niên đóng góp nhiều ngày công lao động, ra quân tổng vệ sinh môi trường. Nhân dân đã tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm khu vực hai bên bờ sông.

Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh Trần Thị Vân, cho biết: 57/57 hộ dân thôn Thọ Am nằm tiếp giáp với sông Tô Lịch đã tự nguyện tháo dỡ và giải tỏa toàn bộ các công trình xây dựng, cây cối và hoa màu, với diện tích gần 2.000 m2 đất để làm đường gom ven sông, hiện thực hóa chủ trương của huyện về đảm bảo trật tự văn minh đô thị gắn với vệ sinh môi trường “xanh - sạch - đẹp” tuyến sông.

Có thể nói, đây là mô hình áp dụng thành công nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa tranh thủ được nguồn lực của xã hội, vừa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn ngân sách của địa phương.

Active Image
Đoạn sông Tô Lịch chảy qua xã Ngũ Hiệp đã có diện mạo mới, sạch, đẹp hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi ra quân nạo vét, chỉnh trang xong, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, duy trì cảnh quan môi trường tuyến sông Tô Lịch theo hình thức phối hợp, khoán quản.  Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy Lợi Thanh Trì  được giao chịu trách nhiệm quản lý; diện tích cây xanh, thảm cỏ được giao cho các đoàn thể chăm sóc, duy trì thường xuyên.

 Đến nay, cứ thứ 7 hàng tuần, toàn dân hai bên bờ sông Tô Lịch lại vui vẻ, hăng hái đi thu gom rác và chỉnh trang khuôn viên vườn hoa, cây cảnh. Hình ảnh đẹp, gương mẫu đi đầu của đồng chí Bí thư huyện ủy Trần Văn Khương và Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Nhàn cùng nhân dân đi thu gom rác khu vực hai bên bờ sông vào thứ bảy hàng tuần vừa như mệnh lệnh không lời, đồng thời khởi nguồn cho suy nghĩ, nếp sống và hành động văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân trên địa bàn huyện.

Dù mới đi được một nửa chặng đường nhưng mô hình làm sạch sông Tô Lịch đã khẳng định được tính hiệu quả, thiết thực và tính lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đó là một việc làm ý nghĩa, vừa đi đúng chủ trương của thành phố; vừa giải quyết được bức xúc, đáp ứng được nhu cầu, đồng thời hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong các tầng lớp nhân dân huyện Thanh Trì. Qua đó, có thể thấy quyết tâm cao độ của cán bộ và nhân dân huyện Thanh Trì trên con đường xây dựng quê hương phát triển toàn diện và bền vững; đạt chuẩn nông thôn mới, theo hướng đô thị hóa.

Hiện tại, mô hình làm sạch sông Tô Lịch của huyện Thanh Trì được nhiều đơn vị, địa phương khác trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập áp dụng tại địa phương.

Mai Thảo