Làm giàu từ chăn nuôi ngựa bạch
09/12/2024 - 15:12

BTĐKT - Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hiện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó 32 sản phẩm đạt 3 sao, duy nhất có 1 sản phẩm 4 sao là cao ngựa bạch xã Dương Thành. Để có được kết quả ấy có vai trò lớn của “người thuyền trưởng” Dương Xuân Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm. Vừa qua, anh vinh dự là một trong 9 nông dân tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tôn vinh nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Anh Trường (thứ ba từ trái sang) được tôn vinh là Nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I năm 2024

Gia đình anh Trường bắt đầu chăn nuôi ngựa từ những năm 1980, khi đó chủ yếu là nuôi ngựa đỏ và đen. Đến năm 1993, gia đình anh mới biết đến ngựa bạch và chính thức chăn nuôi ngựa bạch. Với mong muốn khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm trên thị trường, năm 2011, anh Trường đã thành lập Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm với 24 thành viên. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 54 người.

Có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi ngựa, anh Trường nắm rõ từng kinh nghiệm nhận biết và lựa chọn để được ngựa bạch chuẩn và khỏe mạnh nhất. Theo anh, khi lựa chọn con giống, nên chọn ngựa từ 4 tháng tuổi trở lên, trọng lượng đạt khoảng 120 kg hơi. Như vậy sẽ đảm bảo việc sinh trưởng và phát triển tốt nhất của ngựa. Chăn nuôi ngựa bạch tương đối dễ. Tuy nhiên, ngựa dễ bị ho khi chuyển vùng, thay đổi môi trường sống đột ngột. Do đó, cần tiêm phòng, chống nhiễm khuẩn thì ngựa sẽ không bị bệnh.

Để mua được một con bạch mã ưng ý thì lái ngựa phải rong ruổi khắp các vùng non cao núi thẳm. Bản thân anh Trường cũng đã từng lang thang khắp các chợ ngựa ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai rồi sang tận Trung Quốc, Mông Cổ… để tìm và gom ngựa.

Nguồn thức ăn chính của ngựa bạch là cỏ. Trung bình mỗi ngày, một con ngựa bạch trưởng thành sẽ ăn khoảng 30 kg cỏ tươi. Ngoài ra, anh Trường còn bổ sung thêm một số thức ăn tinh bột như cám ngô, thóc để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho ngựa phát triển.

Hiện nay, hợp tác xã Ngựa bạch xóm Phẩm chủ yếu chế biến một số mặt hàng thương phẩm từ ngựa như thịt ngựa, cao ngựa, phổi ngựa bạch ngâm mật ong, giò ngựa bạch… Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp con giống cho bà con trong vùng cũng như bà con ở một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã ngựa bạch xóm Phẩm cung ứng khoảng 200 con giống và 500 con ngựa thương phẩm ra thị trường.

Ngoài sản phẩm cao đóng bánh, hiện nay hợp tác xã đang thuê gia công qua nhà máy để chế biến cao thành dạng viên nang nhằm đáp ứng sự tiện lợi cho người sử dụng. Các sản phẩm chế biến của hợp tác xã đều đã có tem nhãn và mã vạch để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng. Với việc chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng.

Sản phẩm cao ngựa bạch của hợp tác xã liên tiếp 3 năm liền 2018, 2019, 2020 được tôn vinh là sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với chăn nuôi ngựa bạch, với diện tích đất tự nhiên rộng, từ năm 2019, anh Trường đầu tư thêm chăn nuôi gà đẻ với quy mô chăn nuôi 18.000 con, sản lượng trứng đạt 4,05 triệu quả/năm. Hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín hiện đại, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Khu chăn nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm được gia đình anh xây ở một khu riêng biệt và được xây dựng khép kín kiểu nhà lạnh để chống nóng và thông gió, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đã tạo môi trường sản xuất luôn sạch sẽ. Mô hình chăn nuôi gà đẻ cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Ông Dương Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Thành, cho biết: Làng Phẩm hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống. Trong đó, những hộ làm nghề chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch có thu nhập cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của xã. Đặc biệt, gia đình anh Trường là hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế và thực hiện các phong trào thi đua của địa phương.

Với kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, anh Trường thường xuyên hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho từ 30 - 35 người có nhu cầu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ các hộ khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi ngựa. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch cho các hộ chăn nuôi ngựa như qua chương trình truyền hình “Sao thần nông” của VTC16, các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức.

Ngoài ra, gia đình anh đã tạo điều kiện cung cấp con giống, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, cho vay không lãi với tổng số tiền là 260 triệu đồng giúp cho 6 hộ gia đình trong xóm phát triển kinh tế; tạo thêm việc làm thường xuyên có mức thu nhập ổn định 5 - 7 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho 10 - 15 lao động làm theo mùa vụ với mức tiền công là 4 - 5 triệu đồng/tháng. Anh và gia đình đã tự nguyện đóng góp 35 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn trong xóm, công đức 42 triệu đồng để tu sửa di tích nghè Mét, chùa Đậu trên địa bàn; ủng hộ 5 triệu đồng/năm với các phong trào văn hóa, thể dục thể thao của xóm, xã...

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội, anh Trường đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Tiêu biểu như năm 2017, anh được nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; năm 2022, anh được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022; năm 2024, anh là một trong 9 nông dân của tỉnh được được tôn vinh là nông dân xuất sắc, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm, anh còn nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện Phú Bình, Hội Nông dân tỉnh, huyện…

Hồng Quân