TĐKT - Tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến (xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) chắc hẳn nhiều người ngỡ ngàng. Khởi nghiệp với 2 con bò, sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyến nhớ lại nỗi gian truân, vất vả của những ngày đầu bắt tay vào nghề chăn nuôi bò sữa đầy gian khó. Năm 2002, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Mộc Bắc, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 14 triệu đồng. Cùng với số tiền 150 triệu đồng tiết kiệm được của gia đình, ông đã mạnh dạn mua 3 con bò sữa.
Ông Tuyến chia sẻ: Là người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng chăn nuôi bò sữa là lĩnh vực hoàn toàn mới với không chỉ riêng tôi mà với nhiều hộ trong xã. Những thời gian rảnh rỗi, tôi lại tìm đọc sách báo, tìm hiểu thực tế ở những địa phương có hộ chăn nuôi bò sữa để tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc con bò sữa.
Khó khăn chồng chất, khi cán bộ thú y ở địa phương chưa đáp ứng được công tác chuyên môn trong phòng dịch bệnh cho bò sữa. Ông đã phải tìm cán bộ thú y từ Hưng Yên sang điều trị.
Sau gần 5 tháng, nỗi lo của gia đình đã phần nào nguôi đi khi bò sinh được 2 con bê cái, gia đình tiếp tục giữ lại nuôi. Bình quân mỗi ngày, vắt được 30kg sữa, với giá bán 12 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 180 nghìn đồng/ngày, tương đương với 5,4 triệu đồng/tháng.
Bước đầu triển khai chăn nuôi được xem là khá thành công, ông đã quyết tâm xây dựng cho riêng mình một trang trại bò sữa. Đến nay, ông đã chuyển hết 8.000 m2 đất của gia đình sang trồng cỏ nhằm đảm bảo thức ăn cho bò. Ông trở thành chủ sở hữu trang trại với đàn bò 30 con, trong đó 21 con cho sữa, cung cấp 315 kg sữa/ngày, cho thu nhập gần 5 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ mọi chi phí, bình quân 1 năm gia đình ông lãi gần 1 tỷ đồng.
Nhờ ông nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp, đưa máy vắt sữa, máy cắt cỏ vào chăn nuôi nên lượng sữa hàng ngày ổn định, giảm được chi phí thuê mướn nhân công. Ông còn đầu tư kinh phí xây bể biogas nhằm mục đích giảm ô nhiễm môi trường từ các chất thải chăn nuôi gây ra và góp phần giảm chi phí tiền chất đốt. Phần nước thải được tận dụng bơm lên để tưới cỏ. Những nguồn tận dụng này cũng đã giúp gia đình ông giảm bớt gần 10 triệu đồng chi phí mỗi năm.
Chia sẻ về thành công của mình, ông Tuyến cho biết: Muốn đạt kết quả tốt trong chăn nuôi, trước hết, phải không ngừng học tập những người đi trước. Phải có tính vượt khó, kiên trì, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Đối với vật nuôi, phải thường xuyên quan sát từng con để phát hiện sớm khi có dịch bệnh xảy ra, đặc biệt theo dõi những con bò trong thời gian mang thai. Cần sớm đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để giảm lao động chân tay, rút ngắn thời gian như: Máy vắt sữa, máy thái cỏ, máy cắt cỏ. Và đặc biệt là phải tính toán thu, chi hợp lý sao cho đạt được lợi nhuận cao nhất.
Với 4 lao động chính trong gia đình, hàng năm ông chỉ thuê 10 lao động theo mùa vụ, chi phí trả 150 nghìn đồng/người/ngày. Ông cũng tích cực hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho 12 hộ trong chi hội nông dân nghề nghiệp. Cho 1 hội viên trong chi hội vay phát triển sản xuất với số tiền 20 triệu đồng.
Hiệu quả từ việc phát triển chăn nuôi bò sữa, đã giúp gia đình ông có thu nhập khá để có thể xây dựng nhà ở và mua sắm một số đồ dùng có giá trị.
Ngoài phát triển kinh tế, ông Tuyến tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức vào các phong trào ở địa phương. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên. Ủng hộ, đóng góp các quỹ từ thiện của địa phương, các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ tiền của công sức tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền 5 triệu đồng/năm.
Tùng Chi