TĐKT – Từ một người nông dân quanh năm chỉ biết làm ruộng, thu nhập bấp bênh đến đi làm công nhân với đồng lương ít ỏi, anh Nguyễn Văn Luật (sinh năm 1976), xã Hải Đông - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định đã mạnh dạn vươn lên, trở thành một trong những tỷ phú, sở hữu trong tay một khối lượng vốn, đất đai và tài sản lớn trị giá hàng mấy chục tỷ đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, anh Luật kể: Trước đây do làm ruộng thu nhập bấp bênh, vợ chồng tôi đi làm công nhân nhưng cũng chỉ đủ ăn, không tiết kiệm được đồng nào. Vợ chồng tôi nghĩ rằng cần phải tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp để tập trung phát triển.
Mô hình VAC của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Luật
Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình kinh tế tổng hợp có thể mang lại thu nhập cao nên năm 2004, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân đầu tư vào nuôi lợn và cá. Tuy nhiên, do kiến thức còn hạn chế nên lãi ít. Có năm, dịch bệnh “lở mồm, long móng” bùng phát, tuy đàn lợn nhà anh không bị dịch bệnh nhưng nằm trong vùng dịch nên cũng khiến cho gia đình anh điêu đứng vì lợn không được xuất chuồng, mỗi ngày lại phải chịu hàng triệu đồng chi phí thức ăn, vệ sinh chuồng trại...
Đầu năm 2012, xã Hải Đông có chủ trương dồn điền đổi thửa và cho chuyển đổi vùng trũng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, gia đình anh đã quy tụ một số ruộng của các hộ không có khả năng lao động, đầu tư xây dựng 1 trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC với diện tích trên 2,2 ha, 1 trại gà với quy mô 8.000 con, 1 trại lợn 200 con, 3 ao để thả cá diêu hồng.
Nhờ sự mạnh dạn, năm đó, mô hình VAC của anh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập cao, công lương ổn định từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Trong năm, anh đã hướng dẫn cũng như phổ biến các kinh nghiệm, sản xuất, kinh doanh cho trên 70 lượt người đến tham khảo, học tập…
Năm 2013, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất, anh cùng gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng xây tiếp 1 trại gà khép kín với quy mô 6.000 con, nâng tổng đàn gà lên 14.000 con; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đàn lợn lên trên 300 con và 3 ao cá diêu hồng.
Mô hình đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 lao động, công lương từ 3,6 - 4,6 triệu đồng/tháng. Đã tiếp đón hàng 100 lượt người trong và ngoài địa bàn đến học hỏi kinh nghiệm và đã hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Doanh thu trong năm tăng gần 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận là 1,2 tỷ đồng.
Năm 2014, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng và xây mới 1 trại lợn khép kín 500 con, nâng tổng đàn lợn lên 700 con; tiếp tục đầu tư và duy trì đàn lợn và 3 ao cá; thường xuyên duy trì ổn định từ 17 - 20 lao động, được trả lương từ 3,7 - 4,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi trồng thủy hải sản, anh đã trực tiếp đứng ra cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho 20 - 30 hộ. Đã tiếp đón trên 170 lượt người trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Tổng doanh thu trong năm là 2,32 tỷ đồng; lợi nhuận là 1,3 tỷ đồng.
Mỗi năm đầu tư thêm vào mô hình VAC, khi thì đàn lợn, lúc thì đàn gà…, anh lại thành công, thu lợi nhuận năm sau nhiều hơn năm trước một vài trăm triệu. Bắt đầu từ năm 2016, anh thường xuyên cập nhập thông tin, thời tiết nông vụ, khuyến ngư, trình độ quản lý, nâng cao trình độ tin học, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào nuôi thả. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài tỉnh.
Nhờ sự sáng tạo, học hỏi, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi mà mô hình VAC của anh ngày càng thu lợi nhuận lớn, trở thành điểm tham quan học tập của nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, với 3 trang trại gà, mỗi trại 6.000 con (tổng 1,8 vạn con); 2 trang trại nuôi lợn 700 con; 3 hồ nuôi cá 1,5 vạn con và trồng cây sưa lấy gỗ, kinh doanh thêm thức ăn cho chăn nuôi, thuốc thú y, con giống…, mô hình VAC của gia đình anh vẫn giữ được ổn định, mang lại sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã thu hút trên 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Chia sẻ về thành công của mình, anh cho biết: Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất được anh cực kỳ chú trọng trong thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đạt hiệu quả cao nhất. Anh đã linh hoạt chuyển những chuồng nuôi truyền thống, những con giống truyền thống sang nuôi công nghiệp, sang chuồng nuôi khép kín. Đưa công nghệ vào chăn nuôi, để đảm bảo chi phí cho giá thành sản phẩm thì mới đạt được hiệu quả kinh tế.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn tích cực chia sẻ, hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ khác. Từ lúc chuyển đổi sang trang trại, trang trại luôn tạo điều kiện cho các hộ và rất nhiều lao động ở địa phương, với mức lương ổn định bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần giảm nghèo cho con em địa phương.
Anh giúp cho trên 20 hộ chăn nuôi theo công nghệ mới: Có chuồng trại chăn nuôi khép kín, ao có sục khí và chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo đầu bờ, hội nghị, nói chuyện chuyên đề về chăn nuôi do bản thân tổ chức.
Bản thân anh đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là đóng góp để xây dựng nông thôn mới; mối tuyến đường ủng hộ từ 5 - 7 triệu đồng. Hằng năm trích một khoản thu nhập để Câu lạc bộ số 01 - Hội Nông dân xã duy trì hoạt động và giúp đỡ các hộ nghèo bằng con giống, thức ăn chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.
Với những thành tích đạt được trong phát triển sản xuất và tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, anh được UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen năm 2014, 2015. Năm 2016, anh được tặng Giải thưởng Sao Thần nông. Năm 2017, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thục Anh