TĐKT - Cầu tiến, ham học hỏi, luôn tự phấn đấu vươn lên, ham mê sáng tạo, hết lòng giúp đỡ những đồng nghiệp, kỹ sư Huỳnh Ngọc Thạch, Tổ phó Tổ in (Công ty cổ phần In nhãn hàng An Lạc) đã tự hoàn thiện mình bằng chính niềm đam mê công việc.
Kỹ sư Thạch (đeo kính) luôn tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để mang lại nhiều lợi ích cho công ty
Tốt nghiệp ngành công nghệ in Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, năm 2010, anh về làm việc tại Công ty CP In nhãn hàng An Lạc. Là một kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, được làm việc trong môi trường luôn kích thích sự sáng tạo, được lãnh đạo công ty tin tưởng giao việc, kỹ sư Thạch luôn tìm tòi học hỏi cái mới.
Có nhiều sáng kiến của anh được áp dụng tại đơn vị và mang lại hiệu quả kin tế cao: Sáng kiến “Chế tạo máy sấy keo bán thành phẩm”, “Chế tạo máy dập và khuôn dập cung cấp bán thành phẩm, “Cải tiến máy dán ép bề mặt decal”, “Cải tiến máy dập lõi Desk”…cùng nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật khác với tổng giá trị làm lợi trên 4 tỷ đồng.
Trong đó, tiêu biểu là sáng kiến “Xử lý code in nhãn”. Anh cho biết: Năm 2016 có một nhãn hàng lớn yêu cầu in 900.000 thẻ cào trúng thưởng nhưng lại muốn in nhãn trúng và nhãn không trúng trên cùng file (tập tin). Rất nhiều lần công ty in thử và đều bị lỗi. Tổ in của tôi đã được giao trọng trách xử lý triệt để vấn đề này.
Ý thức được nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo giao phó, kỹ sư Thạch cùng anh em đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu thử nghiệm dù gặp không ít khó khăn. Nỗ lực của anh và đồng nghiệp đã được đền bù tương xứng khi những lỗi trên file lẫn máy phun được xử lý triệt để. Nhờ đó 900.000 nhãn hàng đã thực hiện sớm hơn yêu cầu của khách. Sáng kiến của Thạch làm lợi, tiết kiệm cho doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng/năm.
Một sáng kiến khác cũng khá ấn tượng của kỹ sư Thạch là sáng kiến “Gia công lô cao su trong nước”. Nói về ý tưởng sáng kiến này, anh Thạch chia sẻ: Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy nhiều khối cao su lấy mực, chà mực ở các máy in của đơn vị sau thời gian dài sử dụng đều bị mòn khiến việc chà mực không đều. Điều này dẫn đến sản phẩm bị lỗi in. Hơn nữa, các máy in này có công suất lớn, đều nhập nguyên kiện từ nước ngoài nên việc bảo trì gặp nhiều khó khăn, giá thành lại cao. Bởi vậy tôi đã suy nghĩ làm cách nào đó để khắc phục tình trạng này.
Nghĩ là làm, anh bắt đầu nghiên cứu để tìm giải pháp. Sau hơn 3 tháng thiết kế, thử nghiệm bằng nhiều thiết bị khác nhau. Cuối cùng anh ứng dụng thành công sáng kiến “Gia công lô cao su trong nước”.
Cải tiến này không chỉ khắc phục được hư hỏng của thiết bị, giúp công ty làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm do không phải mua thiết bị mới từ nhà sản xuất, mà còn đảm bảo quy trình sản xuất không bị gián đoạn, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm với khách hàng.
Với 8 năm theo đuổi công việc, anh Thạch đề xuất rất nhiều sáng kiến có giá trị kinh tế cho công ty, nhưng điều anh tâm đắc nhất là đã góp phần đào tạo những công nhân kỹ thuật trẻ thành thợ giỏi. Với vai trò là Tổ phó Tổ in, anh Thạch đã trực tiếp đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề cho gần 600 lượt công nhân. Trong đó có 40 công nhân trở thành thợ giỏi, nắm bắt công việc để cùng nhau thực hiện công tác.
Anh cũng tích cực hỗ trợhướng dẫn đồng nghiệp trong các giải pháp tăng năng suất lao động tại đơn vị. Nhờ có sự giúp đỡ của anh, 10 công nhân đã hoàn thành tốt kỳ thi nâng bậc, được bổ nhiệm làm trưởng máy in.
Chia sẻ về những thành công trong công việc của mình, anh Thạch khiêm tốn: Tôi luôn quan niệm rằng đã đi làm thì phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Nếu mỗi nỗ lực, mỗi đóng góp của mình góp phần giảm bớt sức lao động cho con người, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty thì nên cố gắng hết sức bởi nếu công ty phát triển, mình sẽ là người đầu tiên được hưởng lợi nhờ có việc làm, thu nhập ổn định.
Với nhiều thành tích đạt được cùng nhiều sáng kiến thiết thực, nhiều năm liền kỹ sư Huỳnh Ngọc Thạch đạt danh hiệu“Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Năm 2018, anh vinh dự được UBND thành phố trao tặng giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Tùng Chi