Không gian đọc Hy vọng cho người khuyết tật
19/04/2021 - 10:57

TĐKT - Bắt đầu từ một tủ sách cá nhân vỏn vẹn 300 cuốn, anh Đỗ Hà Cừ trong 5 năm qua (2015 - 2020) đã vận động được hơn 4.000 cuốn sách với nhiều thể loại phong phú. Câu lạc bộ (CLB) Không gian đọc Hy vọng của anh luôn chào đón những ai chung niềm đam mê giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đỗ Hà Cừ - Chàng trai đầy nghị lực

Anh Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984, hiện đang sinh sống tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Bố của anh là cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị vào những năm 1972. Do ảnh hưởng của chất độc màu da cam từ bố mà anh Đỗ Hà Cừ bị liệt toàn thân bẩm sinh, dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến tuổi đi học, thấy bạn bè cùng trang lứa đến trường, dù không thể nhưng trong lòng Cừ luôn khao khát đọc được sách.

Hiểu và thương con, mẹ của Cừ đã kiên trì dạy đến khi anh đọc được từng chữ. Tuy không thể điều khiển được cơ thể mình nhưng anh đã cố học để dùng một ngón trỏ bên phải lật những trang sách dù rất khó khăn. Rồi anh học làm thơ, viết sách và tự nghiên cứu sử dụng máy vi tính để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Nhắc đến mẹ, anh Cừ xúc động: “Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn luôn là đôi chân, là đôi tay, là một phần đầu óc của tôi. Tôi đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ đều có bước chân và bàn tay của mẹ. Mẹ luôn xuất hiện ở phía sau chiếc xe lăn của tôi. Mẹ luôn bổ sung và giúp đỡ tôi trong những dự định, những phương án làm việc. Mẹ là tình nguyện viên đắc lực 24/24 và mẹ còn là nhà tài trợ chính khi cần thiết cho những việc làm vì cộng đồng của tôi”.

Ngồi sát bên, cô Sơn - mẹ anh Cừ mỉm cười: “Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ con mở không gian đọc chỉ để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của bản thân, nhưng sau Cừ vận động được nhiều sách, con lại muốn cho những người khuyết tật khác có niềm vui như mình, tôi rất phấn khởi”.

Từng có lúc bi quan, có ý định tự tử vì là gánh nặng cho gia đình nhưng chính niềm đam mê đọc sách đã giúp cuộc sống của chàng trai này vui vẻ và cảm thấy ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Từ ý tưởng đó, CLB Không gian đọc Hy vọng của anh được thành lập ngày 24/7/2015 với nhiều thể loại phong phú phục vụ mọi tầng lớp và lứa tuổi. “Sau khi thành lập CLB, tôi không còn ý nghĩ tự tử nữa mà luôn thấy mình cần phải có trách nhiệm thêm với các thành viên khác, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tôi muốn mang lại niềm vui cho nhiều người khuyết tật”, anh Cừ chia sẻ.

Anh cho biết, để quyên góp được số sách như hiện nay, anh phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm. Rồi dần dần mọi người cũng biết đến và chuyển sách đến cho thư viện. Lúc mới bắt đầu, anh Cừ đã gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý cũng như kinh phí để duy trì không gian đọc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình và sự ủng hộ của các mạnh thường quân, đặc biệt là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên Không gian đọc Hy vọng của anh cũng dần hoạt động ổn định và hiệu quả.

Thời gian qua, anh tặng sách cho các tủ sách lớp học trong địa bàn tỉnh; tổ chức các buổi giao lưu giữa các bạn học sinh và cô giáo các trường phổ thông nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và cùng với Câu lạc bộ đọc sách yêu thương Thái Bình tổ chức buổi đọc sách và hoạt động ngoại khóa cho các bé từ 4 - 12 tuổi tại Không gian đọc Hy vọng. Các sự kiện do anh tổ chức thường được đông đảo mọi người tham gia đồng thời có các hoạt động rất hiệu quả và ý nghĩa.

Đặc biệt vào năm 2018, Không gian đọc Hy vọng của anh Đỗ Hà Cừ đã tổ chức tặng 4.000 cuốn sách cho các tủ sách lớp học của 22 trường phổ thông trong tỉnh Thái Bình. Sự kiện lớn này được tổ chức ngay tại Không gian đọc Hy vọng của anh dưới sự hưởng ứng và tham gia của rất nhiều các thầy cô giáo và các bạn học sinh. Chỉ tính riêng trong năm 2019, có khoảng 8.000 lượt mượn của bạn đọc/năm và có tới hơn 900 độc giả đã đăng ký mượn thường xuyên. Hàng tuần, có khoảng hơn 20 độc giả đến đọc và mượn sách.

Không khí sôi động tại Không gian đọc mỗi dịp cuối tuần

Vào những ngày cuối tuần, Không gian đọc Hy Vọng của anh Cừ đón tiếp rất nhiều bạn trẻ đến để đọc sách và giao lưu. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp nên thời gian mở cửa của Không gian đọc Hy vọng cũng hạn chế hơn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

Nói về dự định sắp tới, anh Cừ cho biết: “Theo kế hoạch, đầu năm 2021, tôi có nhiều dự định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 chưa biết có thực hiện được hết không. Mong muốn của tôi sẽ là lập thêm được nhiều tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, Việt Nam có gần 7 triệu người khuyết tật, tôi nghĩ họ đều muốn làm được điều gì đó cho xã hội. Họ rất cần sự trợ giúp của toàn xã hội.”

Tháng 11 năm 2020, anh Đỗ Hà Cừ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những việc làm ý nghĩa của mình.

Là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng anh Cừ không lấy điều đó làm điểm yếu mà chùn bước, anh luôn luôn cố gắng và nghị lực để có một cuộc sống tốt hơn. Bằng sự nỗ lực của mình, trong năm 2020, anh Đỗ Hà Cừ đã vinh dự nhận được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác xã hội; là một trong 64 tấm gương tiêu biểu nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt.

Là một người khuyết tật, được nhận tận tay Bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng và Thủ tướng còn dặn dò mong anh cố gắng giữ gìn sức khỏe và cố gắng hơn nữa vì từ nay việc làm của anh không còn thầm lặng nữa. “Đối với người khuyết tật nặng như tôi tưởng như là người bỏ đi thế mà được gặp Thủ tướng trong tâm thế này, còn lời lẽ nào để nói lên sự sung sướng của tôi được nữa” - anh Cừ vinh dự nói.

Anh dành tặng bài thơ “Niềm vui nơi tôi” như lời gửi gắm cảm ơn đến những người bạn luôn đồng hành cùng anh suốt thời gian qua: “Cứ mỗi tuần tôi tận hưởng niềm vui./ Đến chơi nhà tôi toàn những con mọt sách./ Có bà mẹ hai con một nách./ Đôi uyên ương còn trên ghế học đường./ Có những bạn đọc nhí thật dễ thương./ Hướng dẫn mãi mà vẫn sai ghi chép./ Có cả những bà già ông lão. Đến đây tìm lại tuổi thanh xuân./ Có những cô nhà báo thật dễ gần./ Đến đây quay phim, đến đây chụp ảnh./ Việc tôi làm đâu có gì quan trọng./ Mà em phải nhọc lòng vất vả đưa tin./ Tôi mong em là một độc giả bình thường./ Đến đây với tôi mỗi chiều thứ bảy./ Để tôi có cái cảm giác thấy... Không cô đơn, không vô dụng trên đời”.

Tố Như