Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dê kết hợp cá lồng
10/08/2021 - 09:04

TĐKT- Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát huy lợi thế về địa hình và khí hậu, cộng với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Đinh Văn Lâm (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dê sinh sản và cá lồng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ về cuộc sống trước kia, anh Lâm cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tiền Phong, cuộc sống sau khi xây dựng gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Khi đó, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đường giao thông đi lại còn khó khăn, do đó thu nhập của gia đình rất thấp, không được ổn định.

Không chấp nhận với cuộc sống như vậy, được sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, anh Lâm đã đăng ký tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi cá lồng trên mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình và kỹ thuật chăn nuôi dê do Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện Đà Bắc tổ chức. Đồng thời, anh Lâm tự nghiên cứu thêm kiến thức từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình điển hình tiên tiến hiệu quả trong và ngoài huyện.

Sau khi nắm được kỹ thuật cơ bản, năm 2010, anh Lâm đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư chuồng trại, lồng bè để chăn nuôi dê và cá thương phẩm.

Tuy nhiên, với nguồn vốn ít ỏi nên quy mô sản xuất ban đầu mới chỉ là nhỏ lẻ. Để thực hiện hóa ước mơ làm giàu, từ năm 2015 anh Lâm đã vay thêm vốn ngân hàng và người thân để mở rộng quy mô sản xuất.

Với phương châm vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, tìm tòi kiến thức chỉ dẫn chăn nuôi dê trên tivi, báo, đài, đặc biệt trên các trang mạng internet, chỉ sau đợt nuôi đầu, anh đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc.

Từ đó, đàn dê của gia đình không ngừng tăng số lượng. Qua mỗi đợt sinh sản, dê lớn nhanh. Lúc cao điểm, đàn dê của anh lên tới trên 130 con. Hiện nay mô hình chăn nuôi dê đã cho thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 70 - 80 con dê thịt và dê giống, cho lợi nhuận từ 150 - 170 triệu đồng/năm.

Theo anh Lâm chia sẻ, mô hình chăn nuôi dê của anh phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất.

Thành công bước đầu với mô hình nuôi dê, anh Lâm quyết định mở rộng thêm mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà. “Năm 2016, thấy được hiệu quả của việc nuôi cá, gia đình tôi quyết định vay thêm vốn đầu tư 8 lồng cá, tập trung nuôi các giống cá thương phẩm như: Cá chép giòn, cá trắm đen...”- anh Lâm cho biết.

Do nguồn vốn ít ỏi, anh Lâm đã tự thiết kế lồng, nhập giống để phát triển sản xuất và học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá từ các chủ bè đi trước và tìm đầu ra cho cá.

Đến nay, sản lượng cá đạt từ 4,5 tấn - 5 tấn cá/năm. Sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 250 - 270 triệu đồng/năm.

“Với chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Đà thuận lợi, việc nuôi cá lồng trên sông của gia đình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống gia đình tôi đã giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.” - anh Lâm vui mừng chia sẻ.

Ngoài 2 mô hình trên, anh Lâm còn đầu tư mở xưởng đóng thuyền. Chia sẻ về ý tưởng thành lập xưởng, anh Lâm cho biết:  “Do đặc thù xã Tiền Phong là xã lòng hồ sông Đà, việc đi lại của bà con nơi đây rất vất vả, tôi đã bàn bạc với gia đình đầu tư mở xưởng đóng thuyền để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã và các xã lân cận, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện.”- anh Lâm cho biết.

 Bên cạnh đó, để chia sẻ kinh nghiệm và phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà cho người dân địa phương, anh Lâm còn phát triển thêm việc sản xuất lồng cá.

Doanh thu từ hoạt động đóng thuyền và lồng cá hàng năm đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khảng 250 - 300 triệu đồng/năm. Từ các mô hình sản xuất của gia đình, anh thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, từ năm 2019 gia đình anh còn nhận giao, khoán 7 ha đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng phòng hộ sông Đà.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Lâm còn tích cực hỗ trợ người dân địa phương. Từ năm 2016 đến nay, gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lâm cũng thường xuyên và tích cực giúp bà con kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn và giúp bà con nuôi các loại cá đem lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ đầu ra cho các loại sản phẩm, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu.

Từ 2016 đến nay, anh Lâm và gia đình đã giúp đỡ được 2 hộ trên địa bàn xóm Đoàn Kết về con giống, nguyên vật liệu đóng thuyền, lồng cá để phục vụ sản xuất và thoát nghèo; giúp trên 20 hộ khác tại các xã lân cận về con giống và kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cá lồng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

 Ngoài ra, gia đình anh luôn nhiệt tình tham gia ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện do địa phương phát động như: Ủng hộ quỹ ngày vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ Hội Người cao tuổi, quỹ phòng, chống bão lũ, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt miền Trung.

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2018 đến nay anh và gia đình đã đóng góp trên 20 ngày công và nhiều nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, với số tiền trên 20 triệu đồng.

Với những đóng góp của mình, anh Lâm vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình công nhận Nông dân xuất sắc tỉnh Hòa Bình năm 2019 và Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen đã có thành tích xuất trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.

Tùng Chi