TĐKT - Với những thành tích đặc biệt xuất sắc góp phần hiện đại hoá ngành công nghiệp quốc phòng, nhất là trong nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa các thiết bị thông tin quân sự, công ty Thông tin M1 thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai vào sáng 12/3, tại hội trường Bộ Tư lệnh Thủ đô, Hà Nội.
Được thành lập từ ngày 21/11/1945, Nhà máy Thông tin M1 (nay là công ty Thông tin M1) đã lập nhiều thành tích xuất sắc và năm 1985 đã vinh dự được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất. Bước vào thời kỳ đổi mới, công ty tiếp tục hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các loại máy thông tin vô tuyến điện quân sự chất lượng cao trang bị cho quân đội. Từ năm 2010, trong đội hình của Viettel, công ty đã tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất khí tài thông tin quân sự và thiết bị điện tử viễn thông. Đến nay công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công 11 loại máy thu phát vô tuyến điện, điển hình là máy thu phát sóng cực ngắn 5W có tên gọi VRP612, máy vô tuyến điện sóng ngắn 20W-1...
Việc tự làm được các loại khí tài thông tin quân sự có ý nghĩa rất lớn đối với quân đội và đất nước. Lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công máy thông tin quân sự, tạo niềm tin và khẳng định khả năng tự chủ trong sản xuất khí tài thông tin, phù hợp với nghệ thuật tác chiến, điều kiện khí hậu, môi trường của đất nước, vừa bảo đảm bí mật, an toàn, không phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng ngân sách.
Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên công ty Thông tin M1
Ngoài việc tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị thông tin quân sự và sửa chữa các thiết bị viễn thông phục vụ sản xuất, kinh doanh của Viettel, công ty còn đột phá trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm dân sự, tạo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiêu biểu, công ty đã nghiên cứu, sản xuất được hàng triệu sản phẩm điện tử viễn thông phục vụ nhu cầu của xã hội như máy chăm sóc sức khoẻ, máy tạo khí ô zôn, điện thoại di động, thiết bị giám sát hành trình và hàng chục loại thiết bị phục vụ phát triển hạ tầng mạng lưới của Viettel tại thị trường Việt Nam và các nước Viettel đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ đó, từ năm 2003 đến năm 2014, doanh thu của công ty tăng 28 lần (từ 38, 9 tỷ đồng lên 1. 100 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế tăng 73, 6 lần (từ 1, 28 tỷ đồng lên 94, 3 tỷ đồng), nộp ngân sách tăng 52 lần (từ 2, 04 tỷ đồng lên 106, 7 tỷ đồng); thu nhập bình quân người lao động tăng 12 lần. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, doanh thu năm sau cao gấp đôi năm trước.
Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2010 đến nay, công ty Thông tin M1 được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Ba năm 2010, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011, Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng năm 2012, Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 2013... Công ty là một trong 50 tập thể được Quân ủy Trung ương -Bộ Quốc phòng tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tháng 8/2013.
Chia sẻ về bí quyết thành công, Đại tá Nguyễn Cao Sơn, Giám đốc công ty cho biết: Để tạo động lực phấn đấu mạnh mẽ, ngoài việc khơi dậy niềm tự hào của đơn vị có bề dày truyền thống, công ty rất quan tâm xây dựng giá trị cốt lõi là kiên quyết tiên phong phát triển sản phẩm mới với những sự khác biệt đẳng cấp, đồng thời thực hiện công tác quản lý và điều hành khác biệt. Bốn yếu tố chính được công ty đặc biệt chú ý là: Đoàn kết - quyết tâm; dân chủ - kỷ luật; quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần; sử dụng cán bộ và đãi ngộ xứng đáng. Chính vì vậy mọi người đều làm việc hết mình, nhiều lúc quên cả việc gia đình để thức đêm nghiên cứu, chế thử.
Đại tá Nguyễn Cao Sơn cho biết thêm: Chúng tôi xác định phải tiếp tục sáng tạo và có quyết tâm cao hơn nữa để tạo đột phá mới trong nghiên cứu, sản xuất với mục tiêu đưa các thiết bị điện tử viễn thông quân sự và dân sự có mặt ở tất cả các quân binh chủng, ở tất cả các phân lớp người dùng, hạn chế tối đa việc nhập khẩu thiết bị thông tin quân sự, thiết bị hạ tầng mạng viễn thông và công nghệ thông tin;30% sản phẩm công ty sản xuất có mặt tại Việt Nam và trên 9 thị trường nước ngoài Việt Nam đầu tư (đến năm 2020 là 15 thị trường). Công ty phấn đấu trở thành đơn vị nòng cốt của tổ hợp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị quân sự và dân sự, góp phần thực hiện thành công chiến lược sản xuất thiết bị của Viettel, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp và của các thế hệ đi trước.
Phương Thanh