Hơn 4 thập kỷ gây dựng những đơn vị Anh hùng
10/02/2020 - 16:21

TĐKT - Năm 2020, ngành Cảnh sát quản lý trại giam bước vào tuổi thứ 70. Trong 70 năm ấy, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cảnh sát quản lý trại giam qua các thế hệ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn của điều kiện công tác, chiến đấu, bảo vệ an ninh, an toàn các đơn vị, kiên trì giáo dục, cảm hóa người phạm tội, lầm lỗi trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Nhiều người đã hiến dâng toàn bộ sức lực, trí tuệ và cả sự nghiệp vì mục tiêu giáo dục cải tạo phạm nhân.

Hơn 4 thập kỷ khoác trên mình sắc phục của ngành Công an là chừng đó thời gian Trung tướng Hồ Thanh Đình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an gắn bó với ngành quản lý trại giam.

Kế thừa và phát huy thành quả của những thế hệ đi trước, ông cùng tập thể CBCS đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và không ngừng sáng tạo, xây dựng đơn vị Anh hùng, lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang truyền thống của lực lượng CAND.

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục C10 – Bộ Công an

Nỗ lực xây dựng Trại giam Thủ Đức trở thành ngọn cờ đầu

Cùng với những cái tên như cán bộ Trịnh Nhu, Nguyễn Sĩ Binh…, cán bộ Hồ Thanh Đình luôn được nhiều CBCS và phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức nhắc đến với nhiều tình cảm và dấu ấn sâu đậm. Ông được xem là người kế thừa giàu sức sáng tạo trong xây dựng môi trường trại giam ngày một khang trang, nền nếp và quy củ trên cơ sở nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Về công tác tại Trại Cải tạo Hàm Tân năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trung cấp cảnh sát, dù tuổi đời còn trẻ; phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng chiến sĩ trẻ Hồ Thanh Đình luôn phát huy được năng lực và phẩm chất đáng tự hào. Ở tuổi 23, ông đã vinh dự được bầu là Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư đoàn Thanh niên Trại Cải tạo Hàm Tân.

Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại đây, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho biết, lúc ấy, Trại cải tạo Hàm Tân và Trại Quản lý cải tạo phạm nhân Thủ Đức sáp nhập thành Trại giam Thủ Đức, trở thành một trong những trại giam quản lý số lượng phạm nhân đông nhất cả nước. Vùng đất nơi trại trú đóng tuy rộng nhưng là vùng bán hoang mạc, đất đai cằn cỗi, khí hậu thất thường và khắc nghiệt; điều kiện cơ sở vật chất của CBCS còn thiếu; điều kiện giam giữ còn thô sơ, chỉ có thanh tre và dây thép gai…

Để đồng hành cùng những thế hệ cha anh đi trước, hiện thực hóa giấc mơ đưa Trại giam Thủ Đức trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều CBCS, là ngôi trường giáo dục người phạm tội hoàn lương, ngay từ khi làm Đội trưởng Đội sản xuất tăng gia, với vốn liếng có được của một người con mảnh đất Quảng Bình, chiến sĩ trẻ Hồ Thanh Đình đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu phát triển tăng gia sản xuất trong doanh trại.

Ông đã không quản ngại nghiên cứu chất đất, nguồn nước và đi tìm chọn những giống cây trồng phù hợp. Chính ông đã đề xuất trồng loại bắp lai răng ngựa, cho hiệu quả năng suất cao. Để bón cây, ông cho phạm nhân đào hố, ủ phân. Phạm nhân chê bẩn thỉu, nhất định không chịu làm; tự tay ông gương mẫu làm trước, làm thật sự và cật lực. Nhờ sự tâm huyết và gương mẫu ấy, những thửa ruộng trồng bắp trong trại khi nào cũng tốt vụt và năng suất cao hơn nhiều so với rẫy của người dân khu vực xung quanh.

Khi làm Phó Giám thị, rồi Giám thị Trại giam, ông còn đích thân vào tận các lâm trường ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận tìm giống cao su, thuê cán bộ kỹ thuật về trồng thử nghiệm; rồi tổ chức gây dựng rừng xà cừ lấy gỗ, tạo nguồn thu lớn cho Trại. Nhờ tâm huyết của ông, màu xanh của hi vọng đã phủ lên Thủ Đức, thổi một luồng sinh khí mới đến những phạm nhân, giúp họ tìm được tìm niềm tin và yên tâm cải tạo tốt.

Nhắc đến Hồ Thanh Đình, nhiều người còn nhắc đến chủ nhân của sáng kiến đắp đập, ngăn, nắn dòng những con suối cạn trong khu vực trại để làm hồ chứa nước. Ông và CBCS cùng phạm nhân đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động, để hình thành nên hàng loạt hồ nước lớn nhỏ trong trại, tích nước trong mùa mưa đủ để tưới tiêu cho hàng trăm ha đất trồng rau, màu trong mùa khô, góp phần cải thiện thêm cho bữa ăn của phạm nhân và CBCS.

 

Phạm nhân đang tích cực lao động, sản xuất dưới sự giám sát, hướng dẫn của CBCS

Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, mà trong tâm trí của nhiều phạm nhân, người cảnh sát trại giam Hồ Thanh Đình ấy còn như một ân nhân, một người định hướng dẫn đường cho họ đến với hoàn lương, làm lại cuộc đời. Với phương pháp “Lạt mềm buộc chặt” và những “bài học vô ngôn” của người cán bộ tâm huyết, Hồ Thanh Đình đã “cảm hóa” được nhiều kẻ giang hồ, xưng hùm, xưng bá trong trại giam. Chính ông đã góp phần không nhỏ làm biến mất “vấn nạn đại bàng” ở Trại giam Thủ Đức, trở thành điển hình cho các trại giam khác học tập.

Năm 1995, Trại giam Thủ Đức được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, cá nhân ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhưng ông cho rằng, niềm vui sướng và hạnh phúc nhất với ông đó chính là được chứng kiến ngày một nhiều những phạm nhân ra trại hoàn lương. Với ông, môi trường trại giam là nơi ông gắn bó và hoàn thiện triết lý sống của mình “Không có gì cao cả hơn tình người”.

Trong rất nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình, Trung tướng Hồ Thanh Đình nhớ như in: Tháng 7/1994, rừng bạch đàn của Trại giam Thủ Đức bị cháy dữ dội. Do thiếu kinh nghiệm, một số phạm nhân trong khi hoảng loạn đã chạy vào giữa đám cháy. Lửa vây xung quanh khiến họ bị ngạt khói, ngất xỉu. Không chần chừ, ông đã lao vào lửa để cứu các phạm nhân. Thấy ông bị bỏng nặng ở chân, nhưng vẫn cố chạy vào cứu nốt một phạm nhân còn kẹt trong đám cháy, một cán bộ đã can ngăn, nhưng ông Đình gạt đi: “Phạm nhân cũng là con người, phải cứu họ”.

Chính hành động đầy trách nhiệm và nhân văn ấy của ông đã kịp thời thức tỉnh phạm nhân Phú - một kẻ đang có ý định lợi dụng tình hình nhốn nháo, núp trong bụi rậm chờ thời cơ để trốn trại. Không những từ bỏ ý định xấu, phạm nhân Phú còn nhanh nhẹn cùng với cán bộ lao vào dập lửa và cứu những người bị nạn khác; sau này chăm chỉ lao động, cải tạo và sớm hoàn lương, tìm được hạnh phúc cá nhân…

Tiếp tục xây dựng tập thể C10 đạt danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Sau 26 năm gắn bó với Trại giam Thủ Đức, từ năm 2005, ông được giao trọng trách Phó Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (V26) phụ trách khu vực phía Nam; năm 2009 được bổ nhiệm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp.

Năm 2018, Trung tướng Hồ Thanh Đình (bên phải) được bổ nhiệm là Cục trưởng C10

Trên cương vị mới, ông không ngừng cố gắng, tận tâm để đưa tất cả các trại giam trong khu vực mình quản lý, phát triển trở thành ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua. Vì thế, ông đi cơ sở liên tục để “cầm tay chỉ việc”. Không kể ngày nghỉ, CBCS và nhiều phạm nhân vẫn thấy ông đến tận từng buồng giam, gian bếp của phạm nhân để thăm nom tình hình sức khỏe và tinh thần của họ. Khi thì ông ở ngoài rừng cao su mới trồng để kiểm tra việc bón phân, làm cỏ. Lúc khác, ông lại đang ở dưới xưởng mộc, không chỉ để chỉ đạo, kiểm tra mà còn tự tay hướng dẫn kỹ thuật cho phạm nhân cách bôi keo, ép gỗ…

Năm 2018, ông được bổ nhiệm là Cục trưởng C10. Đây cũng là thời điểm triển khai Thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước bộn bề những khó khăn, phức tạp, trên cương vị là người đứng đầu, Trung tướng Hồ Thanh Đình đã chỉ đạo nghiêm túc và quyết liệt để hoạt động của Cục sớm đi vào nền nếp.

Với 84 đơn vị trực thuộc, đóng quân ở 48 tỉnh, thành trong cả nước và đội ngũ trên 2.400 cán bộ, chiến sĩ, Trung tướng Hồ Thanh Đình xác định: Đoàn kết, thống nhất chính là phương pháp lãnh đạo quan trọng nhất, nhằm tập hợp được sức mạnh, sự toàn tâm, toàn ý của toàn lực lượng trong thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Nhận thức rõ lĩnh vực quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có đặc thù riêng: Đơn vị thường xuyên đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, thường trực 24/24 nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trại, kể cả ngày lễ, Tết, vì vậy yêu cầu mỗi CBCS phải có tính kỷ luật cao và thực sự phải có lòng yêu nghề. Để phát huy được những phẩm chất đó của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, Trung tướng Hồ Thanh Đình luôn quan tâm từ cơ sở vật chất, tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất để CBCS yên tâm làm việc.

Cùng với đó, Trung tướng Hồ Thanh Đình yêu cầu người đứng đầu mỗi đơn vị cơ sở phải luôn sâu sát, nêu gương và thực hiện chế độ báo cáo sau một ngày hoạt động, nhằm chỉ đạo trực tiếp khi có những công việc quan trọng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Điểm tin hàng ngày từ Bộ Công an, hàng tuần, Cục C10 tổng hợp và gửi thông tin giúp các đơn vị cơ sở nắm được tình hình an ninh, chính trị thế giới, trong nước, của ngành và lực lượng Cảnh sát trại giam; từ đó, có biện pháp lãnh đạo chủ động, phù hợp. Đây là điều khác biệt từ trước đến nay trong lĩnh vực quản lý trại giam.

Đặc biệt, để các tầng lớp CBCS hiểu và tự hào, từ đó phát huy truyền thống của ngành, Trung tướng Hồ Thanh Đình rất quan tâm đến chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống: Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo của ngành; tổ chức CBCS làm công tác từ thiện ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn; mỗi dịp lễ, Tết, Cục trưởng C10 viết thư động viên đến các lãnh đạo đi trước, những đồng nghiệp đang kề vai sát cánh bên mình hoàn thành nhiệm vụ…

Do vậy, nhiều năm gần đây, Cục C10 luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua yêu nước; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, lại tận tâm, tận lực với nghề phục thiện. Đến nay, số lượng phạm nhân xếp loại cải tạo khá, tốt trong hệ thống các trại giam trên cả nước tăng lên nhiều, phạm nhân yếu kém chiếm tỷ lệ thấp, có đơn vị dưới 1%.

Tuy nhiên, Trung tướng Hồ Thanh Đình tâm sự: “Mặc dù, cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của CBCS ngày một được cải thiện, nhưng cùng với sự phát triển chung của đất nước, tình hình tội phạm trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp khi xuất hiện ngày một nhiều các tội phạm trẻ, tội phạm công nghệ cao, người nước ngoài... Điều này khiến cho công tác quản lý, giáo dục của những người làm công tác trại giam gặp phải những khó khăn nhất định, đòi hỏi toàn thể CBCS phải tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt công tác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu đưa Cục C10 trở thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập (07/11/1950 - 07/11/2020)”.

Mai Thảo