Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật năm 2018
16/04/2018 - 15:39

TĐKT - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Chương trình "Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật (NKT)" năm 2018. Dự Chương trình có 48 đại biểu NKT là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu khai mạc Chương trình

Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, tuy tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm chăm lo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đã ban hành nhiều chính sách thực hiện quyền của NKT để họ được hòa nhập bình đẳng vào xã hội.

Luật NKT qua 8 năm đi vào thực tiễn là cơ sở pháp lý vững chắc để NKT được bảo vệ, trợ giúp, trong đó có quy định nhằm đảm bảo quyền có việc làm của NKT, quy định ưu đãi đối với NKT tự tạo việc làm, ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT.

Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đã và đang tích cực được triển khai thực hiện ở cả Trung ương và địa phương với mục tiêu chung: Hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Năm 2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT là một dấu mốc khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc nỗ lực thực thi chính sách, tạo mọi điều kiện để NKT được đảm bảo thực hiện các quyền của mình trong cuộc sống.

“Trợ giúp, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng, đóng góp vào xã hội là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và nhu cầu xã hội…Tiềm năng của NKT chưa được khai thác còn rất lớn, họ luôn có nhiều hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Họ cần được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ hội phát triển, cơ hội thành lập, quản lý doanh nghiệp để tự tin góp sức vào sự nghiệp chung.” – ông Phan Lương Cừ nhấn mạnh.

48 đại biểu NKT là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước về dự Hội nghị là những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa thi đua yêu nước của NKT Việt Nam. Họ là những người có tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, quyết tâm theo đuổi đam mê.

Họ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp, cơ sở của mình, tạo địa vị, chỗ đứng vững chắc trong xã hội, xây dựng sự ghiệp cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều người khác. Dù mang trong mình khiếm khuyết, nhưng tinh thần, nghị lực, tri thức của họ là tấm gương sáng, là những bài học cuộc sống sinh động khiến nhiều người phải noi theo.

Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ). Dù không một ngày đến trường, liệt toàn thân, chỉ có hai ngón tay cử động, anh vẫn thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình, doanh thu hàng năm đạt 6 – 8 tỷ đồng, tại việc làm cho 10 người với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Văn Đoàn (Lạng Sơn) mạnh dạn thành lập Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng Bảo Việt, có doanh số bán hàng năm 2017 đạt 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 người với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Thương binh Hoàng Phi Thường (Hải Dương) thành lập Xí nghiệp Thương mại – Du lịch và Xây dựng thương binh 27/7 có doanh thu năm 2017 đạt 88 tỷ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động chính và 250 lao động thời vụ với mức lương từ 3,5 triệu đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Tại Chương trình, Trung ương Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho các đại biểu doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là NKT tiêu biểu năm 2018.

Phương Thanh