TĐKT - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.
Cách đây 55 năm, trước yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế đất nước, trong điều kiện chiến tranh, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán.
Trải qua nhiều tên gọi khác nhau và sự sáp nhập giữa các đơn vị, Học viện Tài chính đã phát triển không ngừng, trở thành một cơ sở đào tạo bậc đại học và nghiên cứu khoa học quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế - tài chính của các cơ quan nhà nước ở cả Trung ương và địa phương; đồng thời cũng là một địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực về tài chính - kế toán, kinh tế và quản trị kinh doanh có chất lượng cho xã hội.
Hiện trường có 31 đơn vị, trong đó có 14 khoa, với tổng số cán bộ, viên chức là 724 người, trong đó 459 giảng viên. Học viện có 58 giáo sư, phó giáo sư, 22 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú...
Trong những năm qua, Học viện Tài chính đã đào tạo hơn 8.000 tiến sĩ, thạc sĩ, gần 100.000 cử nhân kinh tế cho đất nước và nước bạn Lào, Camphuchia.
Học viện đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Tài chính.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Tài chính.
Dịp này, một số cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc Học viện cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập và hợp tác đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng mang đến không ít thách thức, khó khăn, trong đó có lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Học viện Tài chính với vị trí là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa trong nghiên cứu, giảng dạy để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kinh tế - tài chính có năng lực chuyên môn, có đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, góp phần sớm xây dựng thành công nền tài chính quốc gia lành mạnh, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính - tiền tệ.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu đối với Học viện trong việc cần tiếp tục xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo tích cực học tập, rèn luyện, có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để đào tạo ra các thế hệ học viên, sinh viên trở thành những người có tài năng, kiến thức, có kỹ năng nghề nghiệp để lập nghiệp, có đạo đức, lý tưởng, sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Thục Anh