TĐKT - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (25/10/1951 - 25/10/2021) và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ 2). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự, phát biểu và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới cho Học viện Chính trị.
Cùng dự, có: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; đại biểu lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo Học viện Chính trị qua các thời kỳ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Học viện Chính trị. (ảnh: Nguyễn Bằng)
Cách đây tròn 70 năm, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Trường Chính trị Trung cấp QĐND Việt Nam - tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay được thành lập, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Học viện Chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên; trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự có uy tín lớn của quân đội và của quốc gia; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Học viện không chỉ đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QĐND Lào, Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, mà còn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương ở các ban, bộ, ngành của trung ương; đào tạo hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ - nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tính từ khi thành lập đến nay, Học viện Chính trị đã có 94 cán bộ, giảng viên được phong quân hàm cấp tướng, 5 giáo sư, 108 phó giáo sư, 7 Nhà giáo Nhân dân, 31 Nhà giáo Ưu tú. Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng gần 9 vạn cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí giữ trọng trách cao trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị… Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học trở lên, trong đó có trên 80% có trình độ sau đại học.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Học viện vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Phạm Bình Minh chúc mừng những thành tích to lớn mà Học viện Chính trị đã đạt được trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển.
Đánh giá cao công tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo của Học viện Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Học viện đã luôn thể hiện là một “pháo đài” vững chắc trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng; đề xuất được nhiều luận cứ khoa học về định hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách đúng đắn đưa đất nước phát triển.
Đánh giá một số vấn đề trong nước, quốc tế, thời cơ, thách thức của đất nước, nhất là đại dịch COVID-19 hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Học viện Chính trị tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung vận dụng những tư tưởng, quan điểm mới của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội thành các nội dung nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng sát với đặc điểm, tình hình, đối tượng đào tạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh lưu ý, Học viện Chính trị cần đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Học viện Chính trị cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chuyển mạnh quá trình đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng mô hình nhà trường thông minh, theo kịp xu thế phát triển; đồng thời nâng cao năng lực dự báo chiến lược, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự hàng đầu của cả nước.
Nguyệt Hà