Hết lòng vì công tác thiện nguyện
25/08/2020 - 09:32

TĐKT - Luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, tích cực, chủ động và hết lòng với hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương, đó là lời khen mà nhiều người dành cho chị Lê Thị Thanh Thủy (45/12 Huyền Trân Công Chúa, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), một người phụ nữ có vóc người nhỏ bé nhưng bản lĩnh và đầy nghị lực. Với cái tâm và tấm lòng của mình, chị đã góp phần thắp lên “ngọn lửa” phong trào từ thiện, nhân đạo tại địa phương.

Chị Thủy (áo dài, màu xanh) luôn cảm thông và sẻ chia với những nạn nhân chất độc da cam

Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, chị Thủy cho biết: “Đi lên từ hai bàn tay trắng, cả hai vợ chồng tôi đều rất cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, mà trước hết là những nạn nhân chất độc da cam. Đây là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh vì đất nước.”

Từ suy nghĩ đó, chị đã cùng gia đình tích cực hưởng ứng và ủng hộ để tổ chức và duy trì thực hiện nhận nuôi hàng tháng và cho đến hết đời 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam, với kinh phí trích ra từ nguồn lương của hai vợ chồng và sự đóng góp của một số bạn bè thân thiết.

“Vào dịp lễ, tết, chúng tôi còn huy động, hỗ trợ thêm cho các em bằng quần áo mới, mua thẻ bảo hiểm y tế và nhiều món quà động viên, an ủi khác. Công việc từ thiện này tôi bắt đầu làm từ năm 2009. Mỗi tháng mỗi cháu được hỗ trợ 300.000 đồng.” - chị Thủy cho biết.

Đặc biệt, tháng 3/2018 nhờ sự giúp đỡ về mặt thủ tục của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị bắt đầu mở thêm quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân da cam, cho người tàn tật, bệnh nhân nghèo… tại địa chỉ 176/40/7 Trương Công Định, phường 3, TP Vũng Tàu.

Để có được quán cơm từ thiện này, chị đã đầu tư gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng. Thời gian phục vụ của quán cơm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, từ 16h30 - 18h30. Mỗi ngày, quán cơm của chị đều phát khoảng 150 - 180 suất cơm, với giá mỗi suất khoảng 30 nghìn đồng. Chi phí hoạt động thường xuyên cho quán cơm khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Sau khi thành lập, quán cơm từ thiện của chị càng ngày càng được sự ủng hộ của bà con và được nhiều người biết đến. “Từ khi hoạt động đến nay, tổng chi phí cho quán cơm này tạm tính là khoảng 2,7 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định mở thêm một cơ sở như thế nữa ở gần khu công nghiệp.” - chị Thủy chia sẻ.

Niềm vui của những mảnh đời khó khăn chính là niềm vui của chị Thủy

Bên cạnh đó, chị Thủy còn tích cực tham gia công tác chăm lo cho người nghèo. Hàng tháng chị đều hỗ trợ thường xuyên 300 - 500 nghìn đồng cho các cụ già bị mù neo đơn thuộc Hội Người mù của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền bình quân khoảng 768 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, chị còn giúp một số trường hợp đặc biệt khác trong tỉnh và ngoài tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong dịp Giáp Tết Nguyên đán 2015, có đợt rét đậm rét hại, chị đã ủng hộ 800 áo ấm cho vùng cao: Sapa, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, tổng kinh phí 80 triệu đồng. Cũng vào dịp đó, chị đã ủng hộ 100 triệu đồng cho anh Bùi Đức Chỉnh, quê ở Xuyên Mộc mổ tim gấp tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Năm 2016, chị đã nhận hỗ trợ hàng thường xuyên và cho đến hết đời toàn bộ thuốc men cho chị Vân (phường 6, TP Vũng Tàu) bị tiểu đường biến chứng qua suy thận, mù cả 2 mắt với chi phí hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng; chuyển 75 triệu đồng cho Bệnh viện để lọc máu cứu sống 1 bệnh nhân bị vi trùng uốn ván ở tỉnh Nghệ An; hỗ trợ sữa thường xuyên hàng tháng cho em Nguyễn Thái Sáng (tỉnh Phú Yên) bị ung thư vòm họng… Ngoài ra chị còn hỗ trợ rất nhiều trường hợp khác với tổng cộng số tiền chị ủng hộ từ năm 2016 đến nay là khoảng 6,781 tỷ đồng.

 Song song với việc cố gắng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền, gạo và quần áo, trong những năm qua gia đình chị đã xây dựng 6 căn nhà tình thương với giá trị là 160 triệu đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo của tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu giới thiệu; vận động một số chị em mua sắm những vật dụng thiết yếu cho các gia đình đó.          

Chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện của mình, chị Thủy cho biết: Những việc làm của tôi hoàn toàn xuất phát từ đáy lòng mình. Tình cảm này cũng xuất phát từ suy nghĩ của tôi là đền đáp một phần công ơn của những người đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, giúp chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày nay.”

Có thể nói, chị Thủy là tấm gương giàu lòng nhân ái, thương người, tích cực đóng góp công sức, của cải để giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiên tiến nhưng cũng giàu tình cảm, san sẻ trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

Bảo Linh