TĐKT - Đối với mỗi người Việt, Tết đến Xuân về là dịp sum họp gia đình sau một năm làm lụng, mưu sinh. Thế nhưng với Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, Cục C10, Bộ Công an (đóng quân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang), đây là thời điểm khiến anh bộn bề những lo toan, vất vả; luôn tất bật với công tác chăm lo chế độ, chính sách; tổ chức các hoạt động Tết cổ truyền cho hàng trăm cán bộ chiến sĩ, hàng ngàn phạm nhân và đảm bảo tuyệt đối an toàn trại. 27 năm công tác trong ngành Cảnh sát quản lý trại giam, số lần anh được cùng gia đình đón giao thừa chưa quá 10 đầu ngón tay.
Thế nhưng, theo Đại tá Võ Nhựt Hải, đã lựa chọn và gắn bó với hành trình “gieo mầm thiện trong con người mỗi phạm nhân” là chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai. Anh chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn của mình mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của những “người thầy đặc biệt”. Từ đó, không ngừng sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân. Mới đây, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân.
Cơ duyên với nghề cảnh sát trại giam
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có đông anh em, lại khó khăn ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ nhỏ cậu bé Võ Nhựt Hải đã nuôi giấc mơ sẽ trở thành một luật sư giỏi trong tương lai. Nhưng do gia cảnh khó khăn nên dù đậu Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, anh vẫn chọn cho mình con đường binh nghiệp, vào học trường Trung học Cảnh sát nhân dân II, để đỡ đần gánh nặng cho gia đình.
Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước
Sau hai năm theo học chuyên ngành Cảnh sát Bảo vệ - Cơ động, năm 1995, anh ra trường và được phân về làm cán bộ quản giáo tại trại giam Mộc Hóa (sau này là trại giam Thạnh Hòa, tỉnh Long An).
“Những ngày đầu mới vào ngành, khi tuổi mới đôi mươi, phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, đơn vị trú đóng ở địa bàn rừng thiêng nước độc, những chuyến về thăm gia đình thực sự thưa thớt, ít ỏi. Thậm chí, vào những ngày Tết, khi mọi nhà được đoàn tụ bên nhau thì chàng chiến sĩ trẻ và đồng đội vẫn phải thức thâu đêm, đi tuần tra kiểm soát từng buồng giam, chỉ lắng nghe và cảm nhận thời khắc giao thừa, mừng năm mới đến bằng trái tim.” - Đại tá Võ Nhựt Hải nhớ lại.
Nhưng cứ mỗi lần nhận nhiệm vụ, được tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt lý lịch, hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân phạm tội của các phạm nhân trong trại, chiến sĩ Võ Nhựt Hải càng cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm trả lại đời những công dân lương thiện và có ích của người cảnh sát trại giam. Đặc biệt, sự động viên, dìu dắt của những thế hệ đi trước đã thôi thúc anh thêm quyết tâm theo đuổi con đường mà mình chọn.
“Có phạm nhân bị bệnh, gia đình bỏ bê, cả năm chẳng có người thân nào ngó ngàng đến thăm hỏi. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chúng tôi nhận nhiệm vụ thay nhau chăm sóc họ. Ban đầu thì ngại lắm nhưng lâu dần thấy cảm thông và coi họ như người thân của mình” - Đại tá Võ Nhựt Hải bồi hồi.
Anh cho rằng, chính những cảm xúc nhân văn ấy đã níu chân những người lính trẻ như anh ở lại rồi gắn bó, xây dựng và phát triển trại giam đến hôm nay. Từ một cán bộ quản giáo, anh tiếp tục phấn đấu và được điều động làm cán bộ Tổ chức, Đội phó Tham mưu, rồi Đội trưởng Đội tham mưu, Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa và được điều động làm Phó Giám thị trại giam Mỹ Phước, bổ nhiệm làm Giám thị Trại giam Mỹ Phước từ năm 2014 đến nay.
Sáng tạo trong xây dựng môi trường trại giam
Chính vì lòng quyết tâm gắn bó với nghề phục thiện, nên dù tổ chức phân công nhiệm vụ gì, anh luôn dốc lòng, dốc sức; ở bất kỳ đơn vị nào cũng nỗ lực xây dựng và vun đắp, coi như đó là ngôi nhà thứ hai của mình.
Còn nhớ ngày mới nhận công tác tại Trại giam Mỹ Phước, lúc đó mọi thứ rất khó khăn, nơi ăn, chốn ở của CBCS, nơi giam giữ phạm nhân xuống cấp. Đa số đất trại nhiễm phèn nên rất khó canh tác… Đó cũng chính là lý do không có nhiều người mặn mà khi được cử về đây công tác.
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, Đại tá Võ Nhựt Hải đã nhiều đêm trăn trở, mong muốn mang đến bộ mặt mới cho mảnh đất trại nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười. Đích thân anh lặn lội đi “chiêu mộ” những người tài và tâm huyết cùng chung tay với mình. Từ tìm những kỹ sư nông nghiệp giỏi nhất để cải tạo đất phèn nhiễm mặn, rồi thông báo rộng rãi tuyển chọn các y, bác sĩ đến khám, chữa bệnh cho phạm nhân...
"Thế nhưng, thực tế đã có nhiều người đến Trại một lần rồi không quay trở lại nữa bởi khi tận mắt chứng kiến những khó khăn, khắc nghiệt nơi đất trại, họ không tin rằng sẽ có được sự thay đổi, phát triển ở đây." - Anh kể.
Cán bộ Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn cho các phạm nhân lao động
Không nản chí, anh đã tự mày mò sách vở, tận dụng mọi kinh nghiệm có được, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp; sự ủng hộ, đồng lòng của tập thể CBCS và phạm nhân, vùng đất trại giam Mỹ Phước dần được cải tạo và khởi sắc. Những vườn cây ăn quả mọc lên, những trang trại chăn thả gia súc, gia cầm được hình thành, đem lại tiềm năng phát triển kinh tế không hề nhỏ. Nhưng quan trọng hơn hết là đã thổi thêm luồng sinh khí mới đến những phạm nhân, giúp họ tìm được niềm tin và yên tâm cải tạo tốt; giúp CBCS thêm vững tin và gắn bó với nghề.
Chỉ đạo bài bản và khoa học
Không chỉ tâm huyết với nghề, anh còn thường xuyên nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học, gương mẫu. Đồng thời, dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu tình hình thực tiễn, xây dựng các Nghị quyết, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục phạm nhân và đảm bảo an toàn trại.
Trong đó, tiêu biểu là 2 đề tài: “Xây dựng, sử dụng cộng tác viên bí mật nhằm phòng ngừa phạm nhân phạm tội tại các trại giam khu vực miền Tây Nam bộ” do anh làm chủ nhiệm và “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phạm nhân làm giảm tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy trại giam” do anh cùng các cộng sự thực hiện.
Trong những năm gần đây, tình hình phạm nhân đưa vào trại giam Mỹ Phước ngày càng tăng, có thời điểm tăng đột biến so với quy mô giam giữ, trại thường xuyên quản lý, giam giữ gần 2.000 phạm nhân, tính chất tội phạm nguy hiểm, phức tạp. Một số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, mắc các bệnh hiểm nghèo, cải tạo kém, không nhận tội... Chúng thường tỏ thái độ chống đối, kêu oan không chịu cải tạo, tụ tập đánh nhau, lười lao động, học tập, có âm mưu trốn khỏi nơi giam, vi phạm nội quy.
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Trại trú đóng cũng diễn biến phức tạp, tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy, cướp giật tài sản, trộm cắp gần khu vực trại; một số đối tượng thanh niên bên ngoài tụ tập băng nhóm đánh nhau gây thương tích, các đối tượng tù tha về luôn tìm sơ hở câu kết với đối tượng đang quản lý móc nối, đưa vật cấm vào trại.
Đội ngũ CBCS tuy đã được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, nhưng vẫn thiếu so với quy định. Số cán bộ trẻ chưa qua đào tạo nghiệp vụ, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân chỉ tiêu tuyển lại thấp, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân…
Đại tá Võ Nhựt Hải đã chỉ đạo triển khai và thực hiện một cách khoa học, hiệu quả công tác quản lý, giam giữ phạm nhân, tập trung quyết liệt làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân; thực hiện có hiệu quả công tác khai thác phạm nhân; xây dựng và sử dụng có hiệu quả mạng lưới cộng tác viên bí mật... Qua đó, đã cung cấp được nhiều nguồn tin có giá trị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc phạm nhân vi phạm nội quy và tố giác tội phạm ngoài xã hội.
Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước trao quà và chúc Tết các phạm nhân tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2019 và phát động phong trào thi đua trong phạm nhân năm 2020
Điển hình là, qua các nguồn tin thu được, anh đã kịp thời chỉ đạo đập tan âm mưu vụ phạm nhân Hồ Nguyễn Quốc Hưng, phạm nhân Nguyễn Thanh Tùng, phạm nhân Đỗ Văn To đã bàn tính và rủ 6 phạm nhân khác thực hiện ý định chống đối lao động, gây rối để được chuyển trại giam khác chấp hành án.
Hay qua công tác vận động quần chúng trong đấu tranh tố giác tội phạm, bằng sự nhạy bén, quyết đoán, anh đã cùng Ban Giám thị lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Duy Triệu là kẻ bị truy nã trên 20 năm nay, đang sinh sống tại 18 đường Sam Cach Toul Poung - ChamKarMon – PhnomPenh theo đúng thủ tục tố tụng của Việt Nam...
Bên cạnh đó, là Bí thư Đảng bộ cơ sở, người đứng đầu đơn vị trại giam, anh luôn thực hiện tốt vai trò đầu tầu, gương mẫu, phát huy trách nhiệm, nêu gương, là hạt nhân trong xây dựng khối đoàn kết, thống nhất toàn đơn vị; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của trại giam…
Với những nỗ lực đó, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy bị xử lý kỷ luật hàng năm của Trại luôn giảm (nếu như năm 2014 là 8,97 % thì đến năm 2019 chỉ còn 1,74%), số phạm nhân xếp loại khá, tốt luôn chiếm tỷ lệ từ 85% trở lên. Đặc biệt là hơn 30 năm liên tục (1989 - 2019), trại giam Mỹ Phước không để phạm nhân trốn thoát. Đối tượng truy nã trốn trại từ năm 1988 trở về trước hiện chỉ còn 3 đối tượng. Mỹ Phước liên tục là một trong những đơn vị trại giam tiêu biểu của khu vực miền Tây Nam bộ nhiều năm qua.
27 năm trong ngành cũng là từng ấy năm Đại tá Võ Nhựt Hải trải qua không ít những vất vả, gian truân để hoàn thành tốt sứ mệnh của một “người lái những chuyến đò hoàn lương”. Nhưng anh vẫn luôn trăn trở: Xã hội phát triển, “xã hội trong trại giam” càng phức tạp. Trách nhiệm trả lại cho xã hội những công dân lương thiện là rất nặng nề, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Mỹ Phước không ngừng nỗ lực, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nâng cao trình độ, chuyên môn và dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn nữa với nghề.
Mai Thảo