Hải Phòng: Nhân lên những tấm gương điển hình trong phòng, chống dịch
16/04/2020 - 09:51

TĐKT - Dịch bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Là một trong những thành phố có sự giao lưu, hội nhập lớn, không những kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, TP Hải Phòng còn giữ vững, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, gần 15%, gấp 4 lần bình quân chung của cả nước. Thành công của Hải Phòng trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh tới thời điểm này là nhờ sự nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, chính xác của cả hệ thống chính trị thành phố dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Trong đó, có nhiều tập thể, cá nhân thực sự tích cực, chủ động, luôn đi đầu, xứng đáng được biểu dương, khen thưởng.

Ngành y tế Hải Phòng luôn đi đầu trên trận tuyến phòng, chống dịch

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng khẳng định, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, thành phố liên tục phải ứng phó với những diễn biến rất nhanh của dịch bệnh, mỗi ngày một chiến thuật với hàng loạt giải pháp khác nhau. Để những giải pháp, cách làm đó xuống tới các địa bàn dân cư, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất để đến nay, Hải Phòng vẫn làm chủ được tình hình, kiểm soát tốt dịch bệnh, chưa có ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đang quyết liệt, quyết tâm ngăn chặn mọi nguy cơ có thể gây lây nhiễm dịch bệnh vào thành phố.

Ngành y tế Hải Phòng và người đứng đầu ngành là Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thu Xanh, luôn đi đầu trên trận tuyến phòng, chống dịch từ những ngày đầu tới nay, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh 24/24 giờ và tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời với Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để ban hành các quyết sách đúng, trúng, hiệu quả cao.

Tiêu biểu là tham mưu cho thành phố làm việc trực tiếp với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cùng chung sức với thành phố thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện những việc liên quan đến tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện quét thân nhiệt và khai báo y tế đối với 100% khách ở những tuyến bay nội địa, từ đó kịp thời cách ly được rất nhiều đối tượng có biểu hiện nghi ngờ, hoặc sót lọt từ những nơi khác đến; lập tất cả các chốt ở cửa ngõ thành phố, để kiểm soát thân nhiệt, khai báo y tế, kịp thời phát hiện những người nghi ngờ để cách ly, xét nghiệm sớm; chỉ đạo các bệnh viện trong thành phố thực hiện khai báo đối với tất cả các bệnh nhân đến khám, những đối tượng nguy cơ khám riêng một phòng, giữ khoảng cách đối với những người ngồi chờ…

Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân đội, xứng đáng là lực lượng xung kích, vì dân phục vụ, luôn có mặt tại các chiến tuyến để tham gia phòng, chống dịch và giữ gìn an ninh trật tự, mang lại sự bình yên cho thành phố.

Hội Cựu chiến binh thành phố góp phần quan trọng tham mưu, đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 26, siết chặt phòng tuyến ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại hơn 2500 thôn, tổ dân phố trong toàn thành phố. Đặc biệt, trong mỗi tổ công tác đó, lực lượng cựu chiến binh chiếm tới hơn 40%. Những người lính trong thời bình lại một lần nữa phát huy tinh thần “bộ đội cụ Hồ”, sẵn sàng xông pha trong trận chiến chống dịch.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cũng rốt ráo vào cuộc. Trong đó, quận Lê Chân là điểm sáng khi luôn là địa phương triển khai sớm, hiệu quả cao các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của thành phố tới tận các tổ dân phố, các gia đình. Quận Lê Chân có nhiều cách làm sáng tạo, là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức giao ban trực tuyến giữa Ban Thường vụ Quận ủy với 15 phường; huy động lực lượng giáo viên cùng tham gia chống dịch, tình nguyện bố trí ngoài thời gian tới trường để nấu những bữa ăn nóng sốt cho người cách ly y tế tập trung tại khu ký túc xá sinh viên; chỉ trong 1 đêm thành lập được 352 tổ công tác kiểm soát dịch bệnh theo Chỉ thị 26 của Ban Thường vụ Thành ủy, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra. Các chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 25, 26, 27 của Ban Thường vụ Thành ủy được quận Lê Chân triển khai nhanh chóng. Cả bộ máy đều hối hả vào cuộc và quan trọng là làm tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn.

Quận Ngô Quyền thành lập 252 tổ công tác, mỗi tổ có 20 người. Thay vì tổ chức chốt chặn tại các tổ dân phố, quận chỉ đạo chỉ 1 - 2 người trực, còn lại chia nhóm nhỏ đi đến từng gia đình để tuyên truyền Chỉ thị 16, Chỉ thị 27 và nắm chắc các di biến dộng dân cư trên địa bàn. Hệ thống phát thanh, xe tuyên truyền di động của quận thường xuyên phát những bản tin mới nhất về đại dịch; lọc ra những nội dung cơ bản nhất của Chỉ thị 16, Chỉ thị 27 thành 10 điều phải làm dễ nhớ, dễ hiểu để nhân dân nắm vững, cùng thực hiện. Nhờ vậy, những ngày qua, các tổ kiểm soát, phát hiện các trường hợp từ nước ngoài, từ tỉnh ngoài về; những người có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai để quản lý, kiểm tra y tế, đưa đi cách ly y tế kịp thời.

Tại huyện Vĩnh Bảo, các tổ kiểm soát của huyện làm việc trách nhiệm cao, tận tâm, hoạt động suốt 24/24 giờ, nhất là tại các địa điểm giáp ranh như: Cầu Đăng, cầu Tranh, cầu sông Hóa và các thôn xóm. Huyện bố trí mỗi xã 1 xe tuyên truyền lưu động, đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt cách ly xã hội, chủ động vận động người thân ở các tỉnh khác không về Hải Phòng trong thời gian này. Huyện cũng chủ động tạm ứng kinh phí chi trả chế độ cho thành viên các tổ công tác theo chính sách của thành phố, đồng thời huy động thêm nguồn xã hội hóa chi tăng thêm 25.000 đồng/người/ ngày, huy động 600 thùng mì ăn liền, 40 thùng sữa… cho các tổ công tác; vận động doanh nghiệp ủng hộ 50.000 khẩu trang để phát cho người dân…

Tại huyện Thủy Nguyên, tuy địa bàn rộng, dân số đông, nhưng ứng phó khá linh hoạt; các chốt chặn dịch hoạt động hiệu quả cao. Huyện An Dương không chỉ làm tốt công tác chống dịch mà còn đi trước một bước khi tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, lãnh đạo thành phố và các địa phương cũng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của “binh chủng” thông tin tuyên truyền mà nổi bật là Báo Hải Phòng, Đài PTTH Hải Phòng, đã tích cực tổ chức tin, bài, góp phần chuyển tải chỉ đạo của Trung ương, thành phố đến các cấp, ngành, từng gia đình, người dân, góp phần động viên, phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận xã hội cao. Đồng thời, kịp thời phản bác những thông tin sai lệch với mục đích xấu.

Tin tưởng rằng với nhiều tấm gương tiêu biểu, dũng cảm, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm trên trận chiến chống dịch như những ngày qua, chắc chắn Hải Phòng sẽ giữ vững được thành quả, góp phần cùng cả nước chặn đứng dịch bệnh COVID-19, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nguyệt Hà