Hai cha con hơn 50 lần hiến máu cứu người
31/03/2017 - 00:00

TĐKT - Nhiều năm nay, hai cha con ông Nguyễn Văn Khánh (53 tuổi, ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) luôn sẵn lòng sẻ chia những giọt máu của mình để cứu chữa người bệnh. Việc làm ý nghĩa ấy giúp cha con ông Khánh có cơ sở để tuyên truyền, vận động cán bộ, bà con địa phương tham gia hiến máu nhân đạo.

Cha hiến máu cứu đồng đội

Thời trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh nhập ngũ, làm cán bộ quân y ở Bệnh viện Quân y 21 tại mặt trận 579. Ngày ấy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, để có đủ máu kịp thời cấp cứu những chiến sĩ bị thương, tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện đều tình nguyện cho máu. Trong nhịp khẩn trương ở nơi ranh giới giữa sống và chết mong manh, ông Khánh cũng tình nguyện hiến máu cứu đồng đội.

Năm 1987 là lần đầu tiên ông Khánh cho máu. Đến khi xuất ngũ năm 1989, ông đã 4 lần hiến máu cứu sống đồng đội. Ông cho biết: “Bây giờ tôi vẫn nghĩ mình có duyên với hiến máu. Hồi ấy, chứng kiến đồng đội bị thương, mất máu nghiêm trọng, có người gục ngã tại chiến trường, tôi không khỏi đau đáu xót xa nên tự lấy máu mình, rồi vận động anh em cùng nhau hiến máu cứu đồng đội giữa bom đạn của kẻ thù. Từ đó, lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sẽ hiến máu cứu người cho dù có khó khăn thế nào đi nữa”.

Active Image

Ông Khánh đã 32 lần hiến máu cứu người

Tinh thần sẻ chia sự sống, giúp đồng đội, đồng chí qua cơn hiểm nghèo ở chiến trường theo ông Khánh về quê hương. Và dù ở vị trí nào, công tác thanh niên, Chữ thập đỏ, Hội Nông dân hay là Bí thư Đảng ủy xã Cát Tân, ông vẫn tích cực tham gia hiến máu cứu người. “Từng tham gia trong ngành Y nên tôi hiểu hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Ý thức được điều đó nên tôi đi đầu trong phong trào nhân đạo hiến máu cứu người để những người khác làm theo. Có vậy thì anh em, đồng bào mình mới có được lượng máu cấp cứu kịp thời, được cứu sống”, ông Khánh tâm sự.

Là Bí thư Đảng ủy, ông Khánh lại càng hết mình với phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương. Ông tâm sự: “Lãnh đạo thì càng không được ngại, mình phải đi tiên phong thì anh em mới làm theo. Tới đợt hiến máu tập trung, mình phải đi đầu, cùng đi hiến máu, qua đó khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên, bà con địa phương”.

Chỉ tính riêng từ năm 1994 đến nay, ông Khánh đã có 32 lần hiến máu tình nguyện. Nhưng mỗi khi nhắc đến con số này, ông thường lắc đầu, bảo “chưa thấm vào đâu” với anh em, bạn bè trên cả nước. Ông kể, năm 2012, dự lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, được gặp, trao đổi với nhiều đại biểu tỉnh bạn, ông mới hiểu, sự tình nguyện của mình còn nhỏ bé lắm. Nhiều đại biểu tuổi đã ngoài 60 vẫn tham gia hiến máu; nhiều đại biểu có số lần hiến máu hơn 50 lần.

Con phải tiên phong

Sinh ra trong một gia đình truyền thống, học hết bậc phổ thông, anh Nguyễn Hồng Phong (34 tuổi, con trai ông Khánh) đi nghĩa vụ quân sự. Sau ngày xuất ngũ, anh về tham gia hoạt động ở đoàn thanh niên của địa phương, rồi học thêm hệ đại học tại chức. Bây giờ anh là cán bộ Tư pháp xã Cát Tân. Tuy công việc rất bận rộn nhưng mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện anh lại tranh thủ tham gia. Với nhiều người bệnh cần máu gấp, anh cũng sẵn sàng cứu giúp.

Anh Phong chia sẻ: “Lúc đầu tôi thấy hiến máu cũng sợ nhưng một lần ba của một người bạn thân bị xuất huyết dạ dày mất máu nhiều cần truyền máu gấp mới có thể cứu được tính mạng. Gia đình bạn đông người nhưng không ai có thể truyền được vì người thì không cùng nhóm máu, người cùng nhóm máu thì bị viêm gan B không cho được. Lúc đó tôi được sự động viên của cha nên đi hiến máu cứu người. Từ đó, tôi bắt đầu hiến máu theo định kỳ và những người bệnh nào cần thì tôi sẵn sàng giúp đỡ”.

Active Image

 

Anh Phong hiện là “hạt nhân” hiến máu cứu người ở huyện Phù Cát

12 năm nay, anh Nguyễn Hồng Phong là cái tên rất quen thuộc trong phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Phù Cát. Anh Phong cho biết: “Tôi tham gia hiến máu từ năm 2005. Thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện ở Phù Cát chưa phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, tư vấn chưa được sâu rộng như bây giờ. Hồi đó, tôi đi hiến máu cũng chỉ nghĩ đơn giản mình là thanh niên nên phải tiên phong”.

Được biết, anh Phong đã có hơn 22 lần hiến máu. Mỗi lần như vậy là một cảm xúc khác nhau. Anh Phong cho biết: “Mỗi khi tham gia hiến máu và nhận được giấy chứng nhận, tôi thấy mình đã làm được một việc có ích cho xã hội và thấy vui vì điều đó. Đáng nhớ nhất là có lần người bệnh cần truyền huyết thanh nên phải lấy máu từ người mình để lọc lấy huyết thanh sau đó lại truyền trả lại vào người và phải ngồi 3 tiếng đồng hồ nên rất mệt”. Câu chuyện này xảy ra cách đây đã hơn 4 năm, bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh Phong luôn cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã đưa ra một quyết định đúng, bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nhiều lần chứng kiến con người ở lằn ranh sinh tử, anh Phong hiểu rõ ý nghĩa những giọt máu mà bản thân mình hiến tặng.

Tích cực vận động đồng nghiệp, nhân dân hiến máu

Không chỉ vận động người trong nhà, dòng họ, thời gian qua, hai cha con ông Khánh cũng vận động cán bộ cơ quan, thanh niên địa phương, công nhân, viên chức trẻ, bà con địa phương tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều cái tên mới đã xuất hiện và được UBND huyện Phù Cát tôn vinh, khen thưởng, góp phần xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện địa phương.

Cách đây gần nửa năm, ông Khánh mắc bệnh cao huyết áp và không còn đủ điều kiện để hiến máu. Nhiều người tiếc cho một “hạt nhân” của phong trào hiến máu tình nguyện địa phương, nhưng ông Khánh bảo: “Không có tôi thì còn anh em, con cháu trong gia đình, rồi bà con địa phương. Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn hôm nay đã mạnh hơn trước nhiều rồi. Và dù không tham gia hiến máu, tôi vẫn có mặt tại các lễ phát động, các ngày hiến máu tập trung. Tham gia tuyên truyền ý nghĩa của việc hiến máu cứu người”.

Anh Phong cho biết: “Đủ điều kiện hiến máu, lại được cha động viên, hiểu được ý nghĩa nhân đạo của hoạt động này, nên tôi cũng tham gia góp sức vào việc cứu người. Từ đó, tôi cùng với cha tích cực vận động cán bộ cơ quan, bà con địa phương cùng tham gia. Họ hiểu được ý nghĩ của việc hiến máu cứu người nên hầu hết đều tham gia rất nhiệt tình. Điều đáng mừng là việc làm của hai cha con tôi được gia đình ủng hộ”.

Với anh Phong, hiến máu như một thói quen của bản thân. Điều mà anh luôn cảm thấy vui là những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ có trong lực lượng đoàn viên thanh niên mà còn được mọi thành phần trong xã hội ủng hộ, tham gia. Năm nào ở xã Cát Tân cũng có rất đông tình nguyện viên tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này. Hơn 22 lần tham gia hiến máu cứu người đã trở thành minh chứng thuyết phục giúp anh tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và người dân địa phương dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát, gia đình ông Khánh là điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu tình nguyện huyện. “Cả hai cha con ông Khánh đều rất nhiệt tình với phong trào nhân đạo. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, hai cha con ông luôn sẵn sàng san sẻ những giọt máu của mình mong cứu giúp được một mảnh đời bất hạnh.

Ánh Hường