Góp công sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Dao
31/03/2017 - 00:00

TĐKT – Dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên vẫn ngày đêm miệt mài bên các trang sách, truyện, thơ về người dân tộc Dao, văn hóa Dao. Hơn 120 trang bản thảo cuốn Giáo trình học tiếng Dao do chính tay ông biên soạn chứa dựng biết bao tình cảm sâu nặng ông dành cho dân tộc Dao Đỏ của mình.

Quyết chí ắt làm nên 

Sinh ra tại xóm Mun, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, thời trẻ, ông làm việc trong ngành Giáo dục, sau đó được nhà nước cử đi học tại nước ngoài rồi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Hóa học. Về nước, ông đảm trách nhiều công việc, chức vụ khác nhau. Thời còn làm Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn, ông chịu khó sâu sát cơ sở, xuống tận phường, xã để giảng bài về Luật Chính quyền địa phương, có hôm ông một mình xuống cơ sở để thăm nắm, tìm hiểu tình hình đời sống đồng bào vùng cao…

Active Image

Ông Đặng Phúc Lường nghiên cứu tài liệu 

Nghỉ hưu, ông Lường tham gia công tác xã hội tại địa phương nơi ông sinh sống, đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Ông làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 12, phường Phan Đình Phùng trong 5 năm; làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ phường Phan Đình Phùng; Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên. Dù ở vị trí nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Ông Lường chia sẻ: “Làm việc gì cũng phải bền bỉ, kiên trì có như vậy mới thành công. Tôi học tính kiên trì từ 4 câu thơ Bác viết: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Tôi đọc được 4 câu trên của Bác khi còn đang học phổ thông. 4 câu thơ luôn là “hành trang” tiếp sức để tôi thực hiện tốt công việc của mình. - Ông Lường chia sẻ thêm.

Gửi tình yêu dân tộc qua từng trang sách

Cả đời ông luôn đau đáu một nỗi niềm với văn hóa Dao. Căn nhà nhỏ của ông chất đầy sách, tài liệu dịch thuật, truyện và thơ các loại, nhiều nhất vẫn là những cuốn sách liên quan đến văn hóa dân tộc Dao. Trong đó, nhiều cuốn sách do ông tự sưu tầm hoặc sáng tác: Công trình nghiên cứu khoa học về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người Dao tỉnh Bắc Thái (năm 1995); tập thơ “Nhớ rừng” - song ngữ Dao Việt; tập truyện cổ dân tộc Dao “Quả bầu vàng” ….

Ông bảo: “Tôi luôn lo lắng văn hóa dân tộc Dao bị mai một, lu mờ, nên cố gắng dồn hết tâm trí để viết, sưu tầm mong muốn lưu lại cho con cháu mai sau. Lúc còn làm việc ở cơ quan thì điều kiện không cho phép, còn bây giờ thì thỏa thích, đắm mình với công việc mình yêu thích”.

Không quản tuổi đã cao, ông vẫn cất công lên tận các bản người Dao xa xôi ở các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng sưu tầm tư liệu về văn hóa dân tộc Dao. Về nhà ông lại cặm cụi viết, có những đêm ông làm việc đến 2, 3 giờ sáng.

Niềm vui lớn đối với ông Lường trong năm qua là ông bảo vệ thành công trước Hội đồng thẩm định cuốn Giáo trình Học tiếng Dao (Sâu tộ miền vạ) do ông biên soạn. Nói về cuốn giáo trình này, ông bảo: trước đây, tôi đã từng nung nấu ý định viết một dạng sổ tay học tiếng Dao để phục vụ cho các hướng dẫn viên du lịch và phát thanh viên, vì tôi thấy có khá nhiều nhà thơ dân tộc Dao, khi sáng tác phải dùng chữ quốc ngữ phiên âm Dao để ghi chép lại những sáng tác của mình, người Dao đọc thì không hiểu mấy. Trong khi đó, người Dao có cả một kho tàng sách Nôm Dao, nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực mà chưa được khai thác triệt để và chính thế hệ con cháu người Dao cũng chưa biết hết. Vậy nên, việc sưu tầm, biên soạn một cách bài bản là rất cần thiết. Hiện cuốn giáo trình đã đượcTrung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc thuộc trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đặt hàng để dạy cho sinh viên.

Ông tâm sự: “Chỉ vì yêu thích mà tôi làm thôi. Nhưng qua tất cả những việc ấy, nhất là cuốn giáo trình này, chỉ mong muốn và hy vọng được mọi người, nhất là thế hệ mai sau đọc, để biết, để gìn giữ và bảo tồn. Vì nếu không chú ý, sẽ bị mai một đi nhiều đấy. Như nhà tôi đây, hai đứa con vẫn còn nói được, nhưng đến các cháu là chịu rồi, vì chúng sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cuốn giáo trình này, tôi đã nhân bản ra và cho mỗi con, cháu một quyển để tôi dạy chúng học. Tuy nhiên, mong muốn của tôi còn nhiều hơn thế, đó là chữ Dao, văn hóa Dao còn được cả cộng đồng đón nhận và tìm hiểu.

Minh Phương