TĐKT - Gắn bó với mảnh đất quê hương thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) ngay từ khi còn nhỏ, anh Chẩu Thanh Phương đã nhận thấy tầm quan trọng của cây tre đối với đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây, từ việc làm thức ăn, các vật dụng, đến làm nhà, tất thảy đều dùng đến tre. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa biết khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý này. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng biến những cây tre giá trị kinh tế thấp thành những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường, qua đó tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương.
Thổi hồn cho tre
Tốt nghiệp lớp 12, Phương có 6 năm theo nghề may ở trong miền Nam. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà lại tự mình bươn chải, chi tiêu nhiều thứ, mức thu nhập không ổn định, sau 6 năm bám nghề may, anh quyết định bỏ việc về quê tìm cơ hội khác cho mình.
Năm 2014, Phương về Nà Kẹm theo học nghề thợ mộc của cha và tìm kiếm cơ hội làm giàu từ quê hương. Trong 4 năm, vừa theo nghề mộc, anh vừa tập trung chăn nuôi lợn đen thả đồi, trồng rau sạch để bán, kiếm thêm thu nhập.
“Thanh niên Tày giờ ra ngoài làm công nhân tại các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động hết rồi. Công việc ở làng không ai làm nữa cả. Truyền thống đang ngày càng mai một. Tôi mong thanh niên quê tôi có thể sống và lập nghiệp trên chính quê hương mình. Tôi sẽ ở lại sau lũy tre làng, tầm nhìn rộng mở khi đẩy lũy tre làng đi xa.” - Anh chia sẻ.
Anh Chẩu Thanh Phương lựa chọn tre để làm nguyên liệu sản xuất
Phương cho biết, Khuôn Hà vốn là mảnh đất thuần nông, nhà nào cũng trồng vài bụi tre quanh nhà. Ngày trước, bà con vẫn chủ yếu dùng tre để lát nhà sàn, nhà nào dư dả đôi chút mới thay thế sàn tre bằng gỗ. Sau này, khi cuộc sống bà con khấm khá hơn, cây tre dần mất đi vị trí độc tôn, tre lúc này chỉ được trồng làm hàng rào, lấy măng…
Qua nhiều kênh thông tin, Phương biết ở Thái Lan có sản xuất những sản phẩm từ tre như cốc tre, đĩa tre… Tại Việt Nam, một số tỉnh như Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa cũng phát triển các sản phẩm này nhưng chỉ phục vụ xuất khẩu. Không có điều kiện đi thực tế từng nơi để học hỏi kinh nghiệm, anh mày mò từng chút một. Ban đầu, các sản phẩm đồ tre do chính tay anh làm vô cùng thô sơ, chưa được đẹp, lại mau chóng mốc, hỏng. Không nản chí, Phương kiên trì nghiên cứu các phương pháp xử lý nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm bền, đẹp, đồng thời không ngừng thử nghiệm, cải tiến máy móc. Sau 6 tháng ròng làm việc chăm chỉ và không có thu nhập, anh đã có những sản phẩm ưng ý.
Các sản phẩm của HTX được làm bằng phương pháp thủ công
Anh cho biết: Để làm ra một sản phẩm từ tre không hề đơn giản, từ việc chọn cây tre già, thẳng, không bị sâu bệnh đến các công đoạn xử lý nguyên liệu bằng cách ngâm, sấy nhiều lần để chống mọt, mốc tốn rất nhiều thời gian. Người thợ phải có tay nghề giỏi mới cho ra được những thành phẩm đẹp, vân màu đồng đều mà vẫn giữ vẻ mộc mạc, bình dị.
Từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm
Đầu năm 2018, Phương quyết định đưa vào sản xuất đại trà những sản phẩm làm từ nguyên liệu tre tự nhiên, đồng thời thành lập HTX An Nhiên Phát, nghĩa là “an lành - tự nhiên - phát triển”. Từ những vật dụng nhỏ như thìa, đĩa, đũa tre, Phương mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm có độ khó nhiều hơn, như cốc, bát bằng tre, ống hút bằng tre… Những cây tre có vanh lớn, Phương tận dụng làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì anh tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, Phương cũng nghĩ ra cách biến nó thành những chiếc dao cắt bánh sinh nhật, bánh trung thu với giá bán rất rẻ, chỉ 2 - 3 nghìn đồng/chiếc. Anh Chẩu Thanh Phương đã xây dựng nên thương hiệu tre Thượng Hà, biến những cây tre có giá trị kinh tế thấp thành những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường.
Anh chủ động mang sản phẩm đi nhiều nơi để tiếp thị.
Để đưa sản phẩm ra thị trường, được sự giúp đỡ của bạn bè, anh thành lập trang “Handmade trai bản” trên facebook, chuyên giới thiệu các sản phẩm của HTX. Những sản phẩm của HTX được sự đón nhận nồng nhiệt của mọi người. Bắt đầu từ những đơn hàng nhỏ lẻ, rồi có những đại lý tìm đến tận nơi xem, đặt mua sản phẩm. Anh cũng chủ động mang sản phẩm đi nhiều nơi để tiếp thị. Đơn hàng cứ thế mà ngày một nhiều lên.
Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của chàng trai người Tày cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu gần 50 triệu đồng. Từ mạng xã hội, Phương kết nối và xây dựng được đại lý bày bán, giới thiệu sản phẩm tại khắp Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tại Hà Nội có 6 điểm phân phối; Đà Nẵng có 1 điểm và TP Hồ Chí Minh 2 điểm. Giá bán tương đối đa dạng, từ 2 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào độ khó của sản phẩm.
Anh thu mua tre của bà con trong vùng, đồng thời khuyến khích bà con trồng thêm tre để giữ đất, giữ rừng và nhận bao tiêu với giá thành ổn định. Để mở rộng sản xuất, anh tuyển thêm thanh niên nhàn rỗi trong vùng về hướng dẫn, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho họ.
Với những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của mình, Phương đã giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên Tuyên Quang 2018, giải thưởng Lương Định Của năm 2018, giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sản phẩm du lịch Tuyên Quang 2018, Top 100 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2019 do Cục Sở hữu trí tuệ trao tặng, giải ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên Tuyên Quang 2019.
Gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm làm từ tre của HTX
Hiện tại, ngoài phát triển sản xuất sản phẩm từ tre, HTX của anh đang phát triển dòng sản phẩm tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa tại địa phương như móc, cọ… Ngoài ra, cung cấp dịch vụ du lịch lưu trú ngắn ngày, sản phẩm nông sản sau thu hoạch… bước đầu tạo việc làm cho trên 20 đoàn viên thanh niên tại địa phương. Đặc biệt, anh đang triển khai Dự án An’s farm, dự án hướng tới giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương, phát triển du lịch Lâm Bình kết hợp giữ gìn văn hóa nông nghiệp truyền thống và bản địa, dựa vào rừng của địa phương, thúc đẩy phong trào lập thân lập nghiệp cho thanh niên. Bản thân anh cũng luôn tìm tòi hướng đi mới, phát triển kinh tế bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa và tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Mong ước lớn nhất của Chẩu Thanh Phương bây giờ là mở rộng quy mô hoạt động của HTX, từ đó góp phần giữ lại những giá trị truyền thống của quê hương. Anh mong muốn phát triển thành một làng nghề, có uy tín, thương hiệu tầm cỡ, gắn với bảo vệ môi trường, với một mục đích “gìn giữ bản sắc dân tộc, ai cũng có công ăn, việc làm…”.
Phương Thanh