TĐKT - Nhìn thấy “mỏ vàng” từ nguồn cây dược liệu tự nhiên như cà gai leo, giảo cổ lam, ba kích, hà thủ ô…, gia đình anh Hoàng Văn Luân, chị Ma Thị Miên (thôn Phiêng Bang, xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu để khai thác tiềm năng sẵn có này tại địa phương.
Vườn dược liệu cà gai leo của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu
Cây dược liệu vốn là một trong những thế mạnh địa phương của xã Lạng San, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Cũng như nhiều vùng núi cao khác trên cả nước, hạn chế về địa hình, giao thông và tiếp cận công nghệ của người dân tại đây khiến cho việc khai thác thế mạnh kinh tế này gặp nhiều khó khăn.
Sau nhiều năm lặn lội hái thuốc, chế biến thuốc và mang ra chợ bán, nhìn thấy tiềm năng dồi dào từ nguồn tài nguyên tự nhiên này, chị Ma Thị Miên cùng chồng đã đi đến một quyết định táo bạo là thành lập HTX dược liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc.
Tuy nhiên, câu chuyện làm giàu không hề suôn sẻ. HTX có 25 thành viên, trong đó có 23 người là nữ. Toàn bộ thành viên HTX là người dân tộc Tày và Dao, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật và các kênh truyền hình, truyền thông, mạng xã hội rất hạn chế. Không có bất kỳ kiến thức gì về quản trị sản xuất, truyền thông sản phẩm, phân phối thị trường, chỉ bằng ý chí làm giàu và những bí kíp đông y gia truyền trong tay, anh chị vừa làm vừa từng bước mày mò tìm đường.
Anh Luân cho biết: “Thời gian đầu, sản phẩm làm ra phải mang đi chào hàng tại các chợ truyền thống với lượng tiêu thụ rất thấp, nguồn vốn quay vòng đã ít lại càng ít hơn. Hạn chế về khoa học kỹ thuật khiến cho sản phẩm đầu ra kém phong phú, khả năng tiếp cận khách hàng đã khó lại càng khó hơn.”
Anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu giới thiệu sản phẩm của HTX
Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Kạn, anh chị được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, nhờ đó có thể đầu tư mở rộng công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, khi ấy, sản phẩm vẫn chỉ được phân phối theo phương thức truyền thống. Thu nhập của xã viên chỉ vào khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tháng 6/2019, được tiếp sức từ dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0”, chị Miên và các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khác được tham gia tập huấn với các chuyên gia trong và ngoài nước về cách thức áp dụng công nghệ thông tin để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp liên kết HTX sản xuất với các đối tác thương mại điện tử khác để đưa sản phẩm lên bán tại các sàn này. Ứng dụng những gì đã được tập huấn, chị Miên nhanh chóng đưa sản phẩm lên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như sendo, shopee, voso.vn. Nhờ đó, lượng sản phẩm tiêu thụ đã tăng đột biến.
Nhờ tăng doanh số bán hàng, thu nhập của 25 thành viên HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu cũng gia tăng, có tháng lên đến 8 tiệu đồng. Đây là mức thu nhập mơ ước đối với các chị em dân tộc thiểu số vùng cao.
Anh Hoàng Văn Luân trình bày mô hình tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2019
Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã được in nhãn mác, địa chỉ cụ thể, rõ nguồn gốc xuất xứ, được thị trường biết tới và chấp nhận. Một số sản phẩm từ cây dược liệu của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2018: Cà gai leo dạng túi lọc có giá 50.000 đồng/hộp; 1 loại chiết xuất thành cao riêng cây cà gai có giá 190.000 đồng/lọ và 1 loại cao cà gai kết hợp cà gai, bàn tay ma đỏ (mừng phi) và cây cỏ ngọt có giá 240.000 đồng/lọ, trọng lượng 100g. Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác như: Ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu…
Sản phẩm dược liệu của HTX đã có một số đơn vị bao tiêu, điều này tạo động lực mạnh mẽ để HTX phát triển. Từ hiệu quả kinh tế, cây dược liệu giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Luân cho biết: Bên cạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong mỗi sản phẩm, HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu đang tập trung mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi và các loại máy móc để đáp ứng các quy chuẩn trong sản xuất xây dựng phương án sản xuất, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp và góp phần giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nguyệt Hà