TĐKT - Trước sự biến động của giá cà phê thời gian qua, một số gia đình người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn tìm hướng đi mới cho mình trong canh tác, sản xuất. Mô hình chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng các loại hoa đã và đang cho kết quả thuận lợi, giúp bà con nông dân nơi đây vừa duy trì sản xuất bền vững, vừa mang lại thu nhập ổn định.
Nâng cao thu nhập từ trồng hoa đồng tiền
Năm 1998, gia đình bà Huỳnh Thị Tố Nga đến và lập nghiệp tại thôn Buôn Chuối, Mê Linh, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, bà Nga quyết định đầu tư phát triển nông nghiệp, tập trung trồng chủ đạo cây cà phê. Tuy nhiên, với diện tích 17.000 m2 đất cà phê cằn cỗi, cho thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định, bà đã quyết định phá bỏ toàn bộ để chuyển đổi sang trồng hoa công nghệ cao.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thổ nhưỡng, quy trình trồng, chăm sóc cũng như đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất (nhà kính, phân bón, hệ thống tưới tiêu…), bà Nga mạnh dạn vay ngân hàng 270 triệu đồng để đầu tư trồng hoa đồng tiền.
Bà Nga (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu vườn hoa đồng tiền với đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng
Với những kinh nghiệm tích lũy được cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật trồng hoa theo hướng sinh học, ít sử dụng phân hóa học, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động tiết kiệm nước, tiết kiệm công, giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng cho thu nhập cao, ổn định, bà đã chuyển đổi thành công từ trồng cà phê sang sản xuất hoa nhà kính.
Đến nay, gia đình bà đã trả xong nợ ngân hàng, bên cạnh trồng hoa còn mở rộng sang trồng thêm một số cây ăn quả: 600 cây bơ tới kỳ thu quả, 300 cây mít thái, 100 cây mắc ca, dưới tán bơ non trồng thêm dược liệu cây đương quy (năm 2018 thu hoạch được hơn 200 triệu).
Bà cho biết: Trong năm 2020, gia đình bà còn phát triển thêm 100m2 nhà kính ươm, trồng, chăm sóc hoa sen đá, bán cho các mối sỉ để tăng thêm thu nhập…
Với mô hình chuyển đổi này, gia đình bà hàng tháng tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 công lao động tại địa phương, với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
Điều đáng trân quý ở bà Nga là bà không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế cho gia đình mình mà với những kinh nghiệm đúc rút được, bà đều chia sẻ, lan tỏa rộng khắp cho bà con nhân dân trong thôn. Bà luôn là người trồng “thí nghiệm” các giống cây hoa, sau khi cho kết quả khả quan thì mới chuyển giao quy trình, kinh nghiệm cho những người dân trong vùng nhằm hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra cho các hộ dân.
Là một đảng viên, không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, sẵn sàng chuyển giao, nhân rộng các quy trình cho bà con cùng vươn lên thoát nghèo, mà bà còn cùng với Chi bộ tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số khác xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giảm uống rượu, chăm lo lao động, ăn ở vệ sinh… Nhờ đó, người dân thôn Buôn Chuối ngày càng khấm khá hơn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững, kinh tế phát triển kéo theo sự đổi thay trên các mặt của đời sống; những chuyển biến tích cực này có một phần đóng góp không nhỏ của bà Huỳnh Thị Tố Nga.
Hoa hồng môn – cây “thoát nghèo”
Cũng như bà Nga, sau nhiều năm canh tác cây cà phê cho hiệu quả không cao, anh Đào Quyết Thắng, sinh năm 1982, quê tại Nam Định, hiện đang sinh sống tại thôn 10, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã thành công nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình trồng hoa hồng môn công nghệ cao.
Anh Thắng và mô hình trồng hoa hồng môn công nghệ cao tại thôn 10, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh
Anh Thắng cho biết: Sau nhiều năm canh tác cây cà phê như bao gia đình khác tại địa phương, anh nhận thấy cây cà phê mình trồng già cỗi, cho năng xuất thấp, hiệu quả không cao. Thực hiện cuộc vận động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; được sự động viên, vận động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương, anh đã quyết định chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
“Qua quá trình tự nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng, đến năm 2010, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm cây hoa hồng môn với 500m2 đất tại thôn 9, xã Hòa Ninh. Đây là loài hoa mới, được trồng chủ yếu tại các vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Qua quá trình trồng thử nghiệm, tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, tôi đã nắm bắt được quy trình, đưa được giống hoa hồng môn phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.” – Anh Thắng chia sẻ.
Năm 2012, anh Thắng tiếp tục mở rộng trồng 1,5 ha tại xã Hòa Bắc và trồng thêm các loại cây hoa cắt lá làm trang trí, trong đó chủ đạo vẫn là cây hồng môn, cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/sào/tháng. Cơ sở sản xuất của anh Thắng giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn là tích cực chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mình có được cho một số hộ gia đình khác để sản xuất giống hoa mới tại địa phương; tạo liên kết với các cơ sở trồng hoa hồng môn trong huyện cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho người trồng.
Gia đình bà Nga và anh Thắng là hai trong số rất nhiều nông hộ ở Lâm Đồng đã chuyển đổi cây trồng và thay đổi phương thức canh tác, sản xuất thành công. Họ chính là những nhân tố quan trọng góp phần làm cho nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng ngày càng hiện đại và bền vững.
Hưng Vũ