TĐKT – Với suy nghĩ “khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn”, vào những năm 90 của thế kỷ trước, dù đã ngoài 50 tuổi, ông Đinh Quang Bào vẫn quyết tâm bắt tay làm giàu, hiện thực hóa khát vọng vực lại nghề truyền thống may da Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội).
Vốn sinh ra ở làng nghề may da Kiêu Kỵ, từ nhỏ, ông đã miệt mài may túi, cặp phụ giúp bố mẹ. Chính những tháng ngày vất vả đó đã nuôi khát vọng trong ông: có ngày làm nên lịch sử cho các sản phẩm làng nghề.
Xã hội phát triển, những sản phẩm thủ công mất dần vị thế, đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, nhiều gia đình phải bỏ nghề, nghề may da Kiêu Kỵ có nguy cơ mai một. Nhưng niềm đam mê, khát vọng về làng nghề truyền thống vẫn luôn đau đáu trong ông.
Ông Đinh Quang Bào (ngoài cùng bên phải) được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2016.
Nghỉ chế độ năm 1991, ông Đinh Quang Bào đã dồn toàn bộ tâm sức, vốn liếng sau bao nhiêu năm tích cóp khi còn là công chức nhà nước để khôi phục nghề truyền thống.
Ông bảo: người ta khởi nghiệp khi còn trẻ, còn tôi khi đã sang tuổi muốn nghỉ ngơi thì mới bắt đầu. Khi quyết định lập cơ sở sản xuất đồ da, tôi không chỉ muốn vực dậy nghề cũ của làng mà còn muốn chinh phục bạn bè quốc tế.
Lúc đầu thành lập, doanh nghiệp chỉ có 5 - 6 người làm việc trong căn nhà 30 m2 ở phố Phủ Doãn (Hà Nội). Diện tích nhỏ hẹp nên cán bộ công ty phải căng bạt, mang cả máy sang vỉa hè làm việc. Để sản xuất được những sản phẩm da ưng ý, ông Bào đã nhiều đêm mất ngủ, tận tâm, tận lực với nghề. Trong thời gian đầu lập nghiệp, ông đích thân đi hàng trăm cây số tự tìm kiếm “đầu ra” và tháo gỡ những khó khăn cho sản phẩm may da. Dần dần, khách hàng tìm tới sản phẩm mang nhãn hiệu Ladoda ngày càng nhiều. Đến nay, Ladoda trở thành doanh nghiệp có thương hiệu, chuyên sản xuất đồ da hàng đầu Việt Nam với hơn 200 đại lý trên cả nước.
Khi đã xây dựng được thương hiệu cho công ty, ông tiếp tục tính đến chuyện “xuất ngoại” đồ da. Từ năm 1998, Ladoda đã thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với giá trị xuất khẩu lên đến hàng chục triệu USD.
Sau gần 20 năm thành lập, Ladoda đã tung ra thị trường trên 200 mẫu, đặc biệt, năm 2001 được cấp chứng chỉ ISO 9001 - 2000, đó là giấy thông hành cho công ty vào thị trường Tây Âu và Hoa Kỳ. Đến nay, sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu đi một số nước như Pháp, cộng hòa Séc, Mỹ, Guatemala… góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Với thị trường trong nước, sản phẩm của Ladoda đã đạt 18 huy chương vàng trong các kỳ hội chợ hàng công nghiệp Việt Nam, 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao và được cấp Thương hiệu có uy tín từ năm 2006 đến nay. Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty vinh dự được lựa chọn để phục vụ các kỳ họp, hội nghị, hội thảo lớn tầm quốc gia và quốc tế.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, công ty Ladoda đã đánh thức làng nghề truyền thống may da Kiêu Kỵ, đưa làng nghề vực dậy và phát triển. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty đã mở 50 khóa đào tạo nghề may da cho 2.500 lao động sản xuất tại công ty và làng nghề truyền thống. Hiện nay, tại xã Kiêu Kỵ đã có hơn chục công ty may da được thành lập, tạo công việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương và vùng lân cận, góp phần ổn định kinh tế và an sinh xã hội của địa phương.
Hơn hai mươi năm qua, ngoài cơ sở sản xuất khang trang ở Gia Lâm (Hà Nội), ông Đinh Quang Bào đã thành lập thêm cơ sở sản xuất ở Văn Lâm (Hưng Yên). Đến nay, tổng số cán bộ, công nhân viên thuộc công ty đã lên đến 400 người, với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Ông Bào giới thiệu dây chuyền sản xuất sản phẩm của Ladoda
Ngoài việc quan tâm đến đời sống, đến chế độ của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công ty còn dành hơn 3.000 m2 đất để xây nhà ở tập thể cho người lao động của công ty ở miễn phí. Đặc biệt, công ty còn quyết định, tăng 5% lương/tháng cho lao động nữ so với đồng nghiệp nam giới cùng cấp. Lao động trong doanh nghiệp của ông đều được tính thâm niên, khen thưởng, nghỉ phép, chế độ thai sản... như những doanh nghiệp nhà nước.
Hàng năm, ông Đinh Quang Bào còn dành khoảng 300 - 400 triệu đồng để làm từ thiện, tặng quà trẻ em, người dân ở vùng núi, vùng bão, lũ.
Với những đóng góp của mình cho cộng đồng nói chung, Thủ đô nói riêng, ông Đinh Quang Bào đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Mới đây, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tôn vinh là 1 trong 9 công dân Thủ đô ưu tú năm 2016. “Tôi nguyện khi còn sức khỏe sẽ cố gắng phấn đấu để được cống hiến nhiều hơn nữa cho Thủ đô phát triển” – ông Bào chia sẻ.
Mai Thảo