Đại tá Vương Kim Hải: học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất
29/09/2017 - 12:07

TĐKT -  Phát huy vai trò, trách nhiệm của một cán bộ chính trị trong quân đội, những năm qua, Đại tá Vương Kim Hải, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn tham mưu đề xuất và tổ chức được nhiều mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Anh tâm niệm: mỗi chúng ta phải học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất; có cơ hội là làm ngay, không chờ đến chủ trương hay việc lớn mới làm. Việc làm đó phải thường xuyên, liên tục như hơi thở, cơm ăn, nước uống hàng ngày, với phương châm “góp gió thành bão, tích tiểu thành đại”.

Tâm huyết, sáng tạo trong công tác

Khi triển khai cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” gắn với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Nghệ An không những quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ theo tinh thần Chỉ thị 788 của Quân ủy Trung ương mà còn coi đây là niềm vinh dự, là tình cảm, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện cuộc vận động ngay trên quê hương Người. Đại tá Vương Kim Hải cho biết: chúng tôi xác định, thực hiện cuộc vận động vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Là trưởng cơ quan giúp việc, Đại tá Vương Kim Hải luôn trăn trở, suy nghĩ mình phải làm gì, làm như thế nào để tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ chỉ huy và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động hiệu quả, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong LLVT mà còn thu hút các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia.

Đại tá Vương Kim Hải (thứ ba từ trái sang) trao quà động viên gia đình có người tử vong trong mưa lũ

Anh nhận thấy một số phong trào thi đua trước đây, thường nặng về hình thức, văn bản hành chính mà thiếu mô hình, cách làm cụ thể nên ít đi vào cuộc sống và hoạt động của bộ đội, không có tính bền vững lâu dài. Rút kinh nghiệm, thực hiện cuộc vận động lần này, Đại tá Vương Kim Hải chú trọng tham mưu xây dựng và triển khai những mô hình, việc làm cụ thể để đem lại hiệu ứng mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Căn cứ vào đặc thù địa bàn rộng, nhiều loại hình đơn vị, nhiều đối tượng, anh đã nghiên cứu, đưa ra 30 mô hình thực hiện trên các mặt công tác, gắn với 4 nội dung cuộc vận động để các cơ quan, đơn vị tham khảo, lựa chọn, đăng ký triển khai.

Ở nội dung xây dựng bản lĩnh, chính trị tư tưởng, có các mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Một tập trung, hai đột phá”, “Thực hiện 3 chuyên cần, 5 mẫu mực”…

Ở nội dung tăng cường tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, có các mô hình: “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”, “Lịch công tác cá nhân”, “Vườn tăng gia kiểu mẫu”, “Ba nhất, hai không, một công trình”…

Ở nội dung tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, có mô hình: “Nâng bước em tới trường”, “Bộ đội của dân”, “Việc tử tế”, “Một địa chỉ, một tấm lòng”…

Ở nội dung nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, mưu trí, sáng tạo, quyết chiến quyết thắng, có các mô hình: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”…

Sau khi có mô hình, anh tham mưu lựa chọn Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghĩa Đàn làm điểm trước, sau đó tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm. Các đơn vị còn lại căn cứ đặc điểm, tình hình, tiềm năng, thế mạnh và tính chất nhiệm vụ của mình, lựa chọn 1 – 2 mô hình phù hợp để đăng ký thực hiện.

Trong số đó, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực trong toàn LLVT tỉnh Nghệ An.

Nhân rộng những mô hình hay

Phát huy truyền thống tương thân tương ái cũng như tình quân – dân gắn bó, Đại tá Vương Kim Hải đã đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai mô hình “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”. Cách làm là phát động mỗi cán bộ, nhân viên mỗi ngày tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ từ 1.000 đ trở lên để bỏ vào hộp tiết kiệm của từng chi bộ.

Với quân số gần 3000 cán bộ, chiến sĩ, số tiền thu về trong toàn LLVT tỉnh lên đến gần 90 triệu đồng mỗi tháng. Sau 3 năm thực hiện, số tiền tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng. Số tiền ấy có thể xây dựng được hơn 40 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tương đương với số tiền mua được gần 300 con bò, hoặc gần 3000 xe đạp tặng học sinh nghèo. Mô hình được tuyên truyền và nhân rộng, được bà con nhân dân khắp nơi ghi nhận. Nhiều đơn vị trong quân khu và Học viện Chính trị, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan chính trị… đã về tham quan thực tế để nhân rộng và đưa vào tư liệu giảng dạy.

Không dừng lại ở đó, gắn nội dung thực hiện cuộc vận động vào thực tiễn kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh tại địa phương, Đại tá Vương Kim Hải đã tham mưu thực hiện các phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tặng cờ cho ngư dân đi biển” và “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”.

Đại tá Vương Kim Hải chia sẻ: mỗi ngư dân bám biển vươn khơi cũng chính là một chiến sĩ trên tuyến đầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Mỗi chuyến đi biển, lá cờ Tổ quốc vừa là niềm tự hào, vừa thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, với sự khắc nghiệt của thời tiết, việc bảo đảm lá cờ luôn lành lặn và mới cũng là một khó khăn đối với ngư dân đi biển. Từ thực tiễn đó, tôi đã chỉ đạo thành lập đội xung kích thanh niên đi vận động quyên góp ủng hộ; hàng tháng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tặng cờ Tổ quốc và trao quà cho ngư dân.

Bằng cách làm sáng tạo, các anh đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà trường, tổ chức, cá nhân… đăng ký hàng tháng tặng một số lượng cờ nhất định (mỗi lá cờ chỉ 25 nghìn đồng). Cách làm này vừa bảo đảm nhu cầu cờ tặng, vừa khơi dậy tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với các tầng lớp nhân dân.

Đại tá Vương Kim Hải trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An

Hiện nay, hoạt động tặng cờ đã trở thành thường xuyên, được hưởng ứng rộng rãi.  Các cơ quan, ban, ngành ủng hộ từ 20 – 50 lá cờ/tháng. Các đoàn thể, tổ chức đăng ký từ 30 – 100 lá cờ/tháng. Các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trường học, cơ sở tôn giáo , có đơn vị ủng hộ từ 40 – 500 lá cờ/tháng.

Đến nay, các anh đã tổ chức trao tặng được hơn 10.000 lá cờ và 95 suất quà cho ngư dân tại thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Phong trào đã lan tỏa dần ra khắp địa bàn toàn tỉnh, lên cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các thế lực phản động luôn tìm cách kích động, chia rẽ tình cảm đoàn kết lương - giáo, xúi giục bà con giáo dân chống đối chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đại tá Vương Kim Hải đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”.

Cách làm là chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thuộc LLVT tỉnh tiến hành kết nghĩa với các tổ chức Đoàn và Hội của các địa phương vùng giáo, nhất là địa bàn Công giáo toàn tòng. Các anh chỉ đạo Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm điểm kết nghĩa với Hội Phụ nữ xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Hoạt động kết nghĩa được thể hiện trong việc giao lưu, hỗ trợ, giúp chị em vùng giáo ổn định cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Trên cơ sở kết quả bước đầu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của các sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với các tổ chức đoàn thể vùng giáo, nhất là các địa bàn đặc thù, phức tạp về an ninh.

 Nhờ những mô hình sáng tạo, cụ thể, thiết thực, thời gian qua, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” đã tạo được một khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp tại Nghệ An, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở hải đảo xa xôi đến các huyện miền núi, từ lực lượng thường trực đến lực lượng dân quân tự vệ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, LLVT tỉnh Nghệ An đã được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đại tá Vương Kim Hải vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích trong công tác.

Đại tá Vương Kim Hải nghĩ rằng: mỗi tập thể và từng cá nhân chúng ta, nếu ai tâm huyết với công việc, nhận thức được đúng bản chất truyền thống của dân tộc, của quân đội, thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình thì đều có thể tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm hay, mô hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước.

Theo anh, trên cơ sở các nội dung cuộc vận động, từ đặc điểm riêng của mỗi cơ quan, đơn vị, cần cụ thể hóa thành các mô hình, việc làm cụ thể; phát huy tính năng động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân để mọi người đều có cơ hội, có quyết tâm thực hiện. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả.

Để cuộc vận động có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ thì phải thường xuyên hâm nóng bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau: gắn trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cơ sở, nhận xét thi đua, khen thưởng. Đặc biệt là khắc phục bằng được tình trạng thỏa mãn, đánh trống bỏ dùi, được chăng hay chớ.

Nguyệt Hà