TĐKT - Với cương vị Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà, Đồn Biên phòng Cát Bà (TP Hải Phòng), Đại úy Lương Văn Phong luôn xác định “Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", là mệnh lệnh của lương tâm, cứu dân như cứu thân nhân gia đình mình gặp nạn. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, vượt qua khó khăn, những năm qua, anh đã trực tiếp cùng đồng đội cứu sống 108 người và 3 phương tiện gặp nạn trên biển.
Đại úy Lương Văn Phong tuyên truyền các quy định, hướng dẫn về phòng, chống lụt bão cho bà con ngư dân. (Ảnh: Viết Hà)
Đảo Cát Bà là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ, thường xuyên có từ 600 - 800 tàu, thuyền của các địa phương trên cả nước hoạt động khai thác thủy sản. Ngoài ra trên địa bàn còn có gần 500 bè nuôi trồng thủy sản và gần 2000 giàn bè, bãi nuôi nhuyễn thể như ngao, tu hài... Địa hình núi cao, nhiều vụng, vịnh, rất thuận lợi cho tàu, thuyền tránh trú bão.
Tuy nhiên, đây là nơi thường có nước triều cường, chịu ảnh hưởng của vùng thời tiết nhiệt đới gió mùa. Đại úy Lương Văn Phong cho biết: Những năm gần đây, do tác động của biến đổi của khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển cũng như trên địa bàn của đơn vị. Bình quân hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển khu vực đơn vị quản lý, ngoài ra có nhiều đợt gió mùa, sóng to, rồi trời mù làm ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của bà con ngư dân khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển.
Trong khi đó, lực lượng và phương tiện của đơn vị được trang cấp còn thiếu, không đồng bộ. Nhận thức của nhân dân trên địa bàn đóng quân còn sơ sài, chủ quan về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tác động của khí hậu, môi trường biển.
Trước tình hình đó, anh đã triển khai cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho bà con ngư dân hiểu và tự giác chấp hành quy định trong công tác phòng, chống lụt bão (PCLB). Đồng thời tổ chức, tham gia luyện tập các phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), thường xuyên nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị các biện pháp PCLB và TKCN đạt hiệu quả.
Không chỉ tuyên truyền, anh trực tiếp cùng đồng đội tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCTT, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là việc kịp thời cứu nạn 7 thuyền viên bị trôi dạt trên vùng biển Hải Phòng do sự cố chìm tàu năm 2018.
Vào hồi 19h50’ ngày 24/10/2018, anh nhận được tin báo về việc phát hiện có pháo sáng bắn lên từ 1 tàu vận tải ở khu vực Hòn Bắn cách Cát Bà khoảng 5 hải lý về hướng đông nam. Từ tin báo trên, anh đã tổ chức xác minh, kịp thời báo cáo, đề xuất Đồn trưởng và triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn. Sau khi nhận lệnh của Đồn trưởng, anh trực tiếp chỉ huy tổ tìm kiếm cứu nạn gồm 2 xuồng, 10 cán bộ, chiến sĩ (CBCS).
Anh kể: “Do trời mù ảnh hưởng đến việc quan sát, nên phải mất khoảng 30 phút sau chúng tôi mới tìm đến vị trí tàu vận tải gặp nạn. Qua quan sát tôi thấy phương tiện đang chìm dần từ phía mũi tàu, không thấy người trên tàu, tôi đã dùng loa tay để kêu gọi nhưng không thấy ai trả lời. Lo có người bị nạn trên tàu, tôi yêu cầu đồng chí lái xuồng cập mạn cho tôi trực tiếp lên kiểm tra nhưng cũng không thấy ai. Sau khi đó, chúng tôi đã hội ý nhanh, có nhận định khả năng người trên tàu đã được tàu dân cứu. Lúc này trong đầu tôi đặt ra câu hỏi có chắc chắn người trên tàu đã được cứu hay chưa, ai cứu, cứu người chở đi đâu?”
Chưa yên tâm, anh quyết định chia tổ thành 2 mũi đi tìm. Do trời mù ảnh hưởng đến tầm quan sát, trong khoảng thời gian nhất định, hai mũi tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy người bị nạn.
Từ tình hình đó, anh quyết định hai mũi tìm kiếm trở lại vị trí tàu đang chìm dần và thả trôi để xác định hướng nước chảy. Nhờ đó, các anh đã tìm thấy các thủy thủ đang trôi dạt đến trên biển theo dòng thủy triều.
Quan sát phát hiện các nạn nhân đang trong tình trạng đuối sức vì lạnh và hoảng loạn, nếu không kịp thời cứu nạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, anh đã chỉ huy hai mũi tìm kiếm chạy theo dòng nước chảy, đón lõng người bị nạn, dùng phao tròn đã buộc dây, ném xuống biển phía người bị nạn để cứu người.
Bằng sự mưu trí, dũng cảm, các anh đã đưa được 7 người lên xuồng và nhanh chóng hướng về đất liền. Ngay sau đó, anh đã chủ động báo cáo Đồn trưởng về tình hình cứu nạn và sức khỏe của nạn nhân, đề xuất Đồn trưởng cử quân y đơn vị khám và chăm sóc sức khỏe cho họ.
Gần đây nhất, lúc 10h ngày 21/4/2019, anh nhận được tin báo của thuyền trưởng tàu cá TH 90143 TS ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đang hành trình từ Thanh Hóa ra Cát Bà để thu mua hải sản đến khu vực biển cách Cát Bà khoảng 18 hải lý bất ngờ bị gãy chân vịt, dẫn đến trôi dạt và đề nghị Trạm Kiểm soát biên phòng Cát Bà cứu nạn.
Lúc này trên biển sóng to cấp 7, cấp 8, điều kiện phương tiện của đơn vị không đáp ứng với thực tế, mà việc cứu nạn là cấp bách. Anh đã báo cáo đồn trưởng đề xuất phương án trưng dụng tàu của ngư dân đang neo đậu tại vịnh Cát Bà (đảm bảo chịu được sóng và đủ công suất lai dắt tàu bị nạn trong điều kiện thực tế).
Được sự nhất trí của chỉ huy, anh trực tiếp trưng dụng tàu TH 90919 TS/880cv/05TV cùng tổ cứu nạn của Đồn cơ động ra vị trí tàu gặp nạn cứu hộ. Quá trình tàu hành trình đến vị trí cứu hộ, anh thường xuyên liên lạc với thuyền trưởng để nắm tình hình. Đến 15h cùng ngày, các anh đã tiếp cận và cứu hộ, lai dắt tàu bị nạn về đến Cát Bà an toàn cả tàu và 5 thuyền viên trên tàu.
Với những đóng góp của Đại úy Lương Văn Phong cùng đồng đội, Đồn Biên phòng Cát Bà trở thành đơn vị đi đầu trong lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Hải Phòng trong công tác PCTT, TKCN trên biển. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Đồn Biên phòng Cát Bà đã tổ chức 51 lượt với 68 phương tiện và 306 CBCS tham gia và cứu sống được 200 người, 13 phương tiện. Trong đó, Đại úy Lương Văn Phong trực tiếp tổ chức TKCN được 26 lượt với 35 phương tiện và 207 CBCS, cứu sống được 108 người và 3 phương tiện trôi dạt trên biển. Bên cạnh đó, mỗi đợt có tin bão, ATNĐ, anh đã chỉ huy CBCS trạm kêu gọi, sắp xếp, kiểm đếm hàng chục nghìn lượt phương tiện, lồng bè với hàng trăm nghìn lượt người vào nơi tránh trú an toàn.
Anh chia sẻ: “Sau mỗi lần cứu giúp thành công các phương tiện, đặc biệt là cứu nạn được bà con ngư dân trôi dạt trên biển, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tôi thấy rất tự hào và xúc động vì đã làm được việc tốt vì dân, được chỉ huy các cấp, lãnh đạo địa phương đánh giá ghi nhận và nhân dân tin yêu.”
5 năm qua, anh vinh dự được cấp trên khen thưởng về thành tích trong tìm kiếm cứu nạn. 3 năm liền 2016, 2017, 2018 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, 2 lần được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen, 3 Bằng khen của UBND TP Hải Phòng, 4 giấy khen của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố. Năm 2018, anh được Bộ Tư lệnh BĐBP ghi nhận là gương mặt trẻ tiển vọng, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố ghi nhận là gương mặt trẻ tiêu biểu.
Phương Thanh