TĐKT - Hơn 40 năm bôn ba xa quê, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời, lúc kiên cường trong hai cuộc chiến tranh biên giới, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc; lúc lại gồng mình, lăn lộn với những thăng trầm trên thương trường khốc liệt… nhưng cựu chiến binh, doanh nhân, nhà thơ Trần Văn Cường luôn cảm nhận rõ những giá trị của cuộc sống đem lại. Anh luôn sống lạc quan, trân quý tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước và một lòng trung kiên với Đảng, với nhân dân. Tinh thần và vốn sống đáng quý ấy được anh gửi gắm qua những áng thơ ca nhân văn đầy trữ tình, trở thành những lời răn dạy, lời nhắn nhủ đi vào lòng bao thế hệ trẻ hôm nay.
Đất nghèo nuôi chí lớn
Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khó Bồng Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước oằn mình trong làn bom đạn của đế quốc Mỹ, như bao đứa trẻ khác, Trần Văn Cường lớn lên giữa tiếng bom rơi và nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ cha.
Hoàn cảnh gia đình đông con và tình hình đất nước có chiến tranh không cho phép anh tiếp tục con đường học hành nên năm 18 tuổi, Trần Văn Cường vào quân ngũ, tham gia chiến đấu ở Chiến tranh Biên giới và cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia chống lại nạn diệt chủng Pônpốt.
Với tư chất thông minh cộng với ý chí quyết tâm, táo bạo đã được kinh qua chiến trường, năm 1988, sau khi xuất ngũ, anh bộ đội Trần Văn Cường lại bắt đầu một cuộc hành trình mới, đó là tập trung làm kinh tế.
Cựu chiến binh, doanh nhân, nhà thơ Trần Văn Cường
Một mình lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam với muôn vàn khó khăn, càng khiến chàng trai xứ Nghệ Tĩnh thêm quyết tâm làm chủ hoàn cảnh. Vừa học hỏi, vừa kiếm kế sinh nhai, người lính cụ Hồ chân chất, mộc mạc bước vào con đường kinh doanh với đủ ngành nghề: Từ buôn bán than, bán vàng bạc, xuất khẩu may mặc, thủy sản, rồi bất động sản… Việc làm ăn lúc thuận buồm xuôi gió, khi lại chông chênh, thua lỗ nhưng với bản lĩnh của một người từng vào sinh ra tử, khó khăn chỉ càng làm cho anh thêm nỗ lực, quyết tâm để bước tiếp.
Từ hai bàn tay trắng, nhưng với sự bản lĩnh, gan dạ đón đầu cơ hội, Trần Văn Cường đã dần khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận kinh tế mới. Anh đã dành được nhiều trái ngọt trong kinh doanh: Khách sạn, nhà hàng, cửa hàng xăng dầu, nhà cho thuê và đặc biệt là phát triển mũi nhọn bất động sản. Năm 2008, anh vinh dự được tặng danh hiệu Doanh nhân thời kỳ Đổi mới. Hiện tại, anh là chủ nhân của những dãy nhà ở công nhân san sát, nối đuôi nhau; những cơ sở khách sạn lưu trú, những cây xăng dầu kinh doanh tấp nập khách… ở mảnh đất vàng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Không chỉ cơ ngơi anh nỗ lực tạo dựng mà những trải nghiệm đầy chông gai anh cóp nhặt được ở trường đời đã trở thành khối tài sản vô giá cho gia đình và xã hội.
Thơ ca như ngọn đuốc soi sáng cuộc đời
Qua nửa đời người với bao thăng trầm và biến cố, cựu chiến binh, doanh nhân Trần Văn Cường bắt đầu tìm đến thi ca như để trải lòng, chiêm nghiệm về những gì mình đã trải qua. Xuyên suốt các tác phẩm thơ ca của anh, người ta được biết và khâm phục tấm gương của một con người giàu quyết tâm và nghị lực.
Cuộc đời của anh chính là tấm gương sáng, minh chứng cho những triết lý sống ý nghĩa: “thành công không dành cho người lười biếng, siêng ăn, nhác làm và lười lao động”; mọi rủi ro, sự cố luôn đồng hành trong cuộc sống, con người phải sẵn sàng tiếp nhận và xử lý; dám chấp nhận thất bại để có động lực vươn lên, đạt được thành công…
Bằng những lớp ngôn từ mộc mạc, đậm chất tự sự trong tập thơ “Nỗi nhớ tháng năm” và “Lối về quê mẹ”, nhà thơ Trần Văn Cường thể hiện tình yêu và nỗi nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu bao khó khăn, nhớ đến cha mẹ và những đồng đội yêu thương; nhớ về một thời lập nghiệp đầy gian khó và nhiều biến cố…
Trong số hàng trăm bài thơ đã sáng tác, nhà thơ Trần Văn Cường đã có gần 70 tác phẩm được phổ nhạc và gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ lớn như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn… Đó là những tác phẩm nghệ thuật chan chứa tình cảm, giàu chất tự sự nhưng cũng thắm đượm một tinh thần lạc quan, yêu đời, đồng thời, hướng người đọc, người nghe đến những chân lý, giá trị cốt lõi của cuộc sống.
Nhà thơ Trần Văn Cường đang ngâm thơ, trao đổi cùng phóng viên của Tạp chí Thi đua Khen thưởng
Lúc thì Trần Văn Cường hoài niệm về những ký ức chiến tranh với “Nhớ màu áo lính” và “Đồng đội ơi”. Khi thì trải nghiệm một thời sóng gió do làm ăn thất bát, phải vào rừng đào lan đem bán sống qua ngày với “Hoa lan”… Có khi anh lại trầm tư, nghẹn ngào về quê hương, về gia đình một thời gian khó như “Về quê nội”, “Tình quê qua điệu Ví”, “Cha tôi”, “Thương cha”, “Tình quê nhớ mẹ”. Có khi thì anh hồn nhiên, dí dỏm với những lời ca “Dặn vợ”, “Dặn con”; khi lại trong sáng, thơ ngây như tình yêu đầu trong “Sương giăng bản em”, “Hoa bèo tím”…
Khi được hỏi về những chất liệu làm nên những áng thơ trữ tình nhưng cũng chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả ấy, thi sĩ Trần Văn Cường bộc bạch: “Ngoài những hoài niệm, ký ức chiến tranh và những trải nghiệm sống ở các vùng đất mà anh từng in dấu chân; về hơi thở của cuộc sống đang cựa quậy bên mình mỗi ngày thì người vợ - hậu phương vững chắc đã giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất, cùng tôi gây dựng sự nghiệp và nuôi dạy con cái chính là nguồn cảm hứng lớn trong thơ của tôi”.
Không chỉ lãng mạn, trữ tình, Trần Văn Cường còn là một nhà thơ có cái nhìn rất chân thực, bám sát tình hình đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Khi đại dịch Covid – 19 đang đe dọa nghiêm trọng đến toàn cầu, thi sĩ Trần Văn Cường đã có những vần thơ ngợi ca sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tận tâm, quyết liệt của những người đứng đầu Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh cũng như cổ vũ tinh thần chống dịch của nhân dân ta, tạo nên sức lan tỏa và khích lệ lớn trong cộng đồng xã hội.
“…Chính phủ điều hành trên từng trận tuyến
Chèo lái con thuyền đất nước vượt gian lao
Lo cho an nguy hơn chín mươi triệu đồng bào
Lo kinh tế vẫn dồi dào xuất nhập
Lo các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch
Lo từng chuyến bay đón được dân mình….”
(Trích bài thơ “Tri ân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc” của nhà thơ Trần Văn Cường)
Đó là những câu thơ có giá trị thời đại, thể hiện trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi cuộc chiến.
Từ một cựu chiến binh trở về sau hai cuộc chiến tranh ác liệt “tàn nhưng không phế”, đến một doanh nhân thời kỳ đổi mới, giờ đây, ở tuổi 60, Trần Văn Cường luôn tìm cho mình sự tĩnh lặng trong tâm hồn để sống một cuộc đời vui, khỏe và có ích với cộng đồng, xã hội mà chẳng cần đến những danh xưng cao quý nào khác. Đó là điều người đời hết sức trân trọng ở anh: Cựu chiến binh, doanh nhân, nhà thơ Trần Văn Cường./.
Mai Thảo