“Cột mốc sống” nơi biên cương
06/07/2021 - 09:51

TĐKT - Cận kề độ tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng tinh thần, nhiệt huyết của ông A Ly, Giáo cả Thánh đường Mukarromah (xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chưa bao giờ vơi cạn. Bằng uy tín, đức độ của mình, ông đã khiến bà con đồng bào dân tộc Chăm nơi đây tin tưởng và làm theo, đoàn kết xây dựng đời sống mới, đồng lòng sát cánh cùng chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng gìn giữ biên cương, cột mốc, chủ quyền an ninh biên giới.

Cùng giáo dân sống tốt đời đẹp đạo

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, hơn ai hết, Giáo cả A Ly hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm nêu gương của một người đứng đầu giáo dân. “Tôi luôn dặn mình phải sống trọn đạo, đẹp đời, luôn cống hiến hết tâm huyết, trí tuệ, ra sức vun đắp cho đời sống của đồng bào Chăm, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội”, ông tâm niệm.

Giáo cả A Ly phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia cho đồng bào dân tộc Chăm tại Thánh đường.

Giữ chức Giáo cả gần 5 nhiệm kỳ, ông A Ly điều hành hoạt động của Thánh đường và đời sống tâm linh của đồng bào Chăm một cách quy củ, mọi nghi lễ tôn giáo được thực hiện chuẩn mực, đúng pháp luật. Ông thường xuyên kêu gọi cộng đồng dân tộc Chăm phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trong tuần, ông luôn dành ngày thứ 6 để tuyên truyền cho bà con trên địa bàn không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, các thế lực thù địch gây chia rẽ đoàn kết nội bộ; vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của địa phương.

Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào giáo dân nơi đây luôn bình dị, hạnh phúc, không hề tồn tại các tệ nạn xã hội. Họ coi việc trộm cắp, bài bạc, mại dâm, gây gổ mất đoàn kết, uống rượu bia… như những điều cấm kị không được phạm phải dù chỉ một lần trong đời. Họ cũng ra sức ngăn ngừa, bài trừ các hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính hoặc phục vụ mưu đồ xấu xa. Mọi vấn đề nảy sinh đều được Ban Giáo cả giải quyết ổn thỏa, rất ít khi phải thông qua chính quyền địa phương.

“Cánh tay nối dài” của bộ đội biên phòng

Hưởng ứng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới do bộ đội biên phòng (BĐBP) phát động, ông xung phong đi đầu ký cam kết và tuyên truyền, vận động bà con, nhất là những hộ có đất sản xuất gần biên giới, cùng tham gia. Bản thân ông cũng trực tiếp tham gia đi tuần tra bảo vệ biên giới, vệ sinh, phát quang khu vực các mốc quốc giới. Ông nói: “Khi cột mốc còn đứng vững nghĩa là dân xóm làng của chúng tôi, gia đình tôi được bình yên trong vòng tay Tổ quốc. Theo như lời các anh lính biên phòng, biên giới là bức phên giậu thiêng liêng, mình làm giáo cả thì có trách nhiệm cùng con cháu bảo vệ, giữ gìn.”

 Ông luôn nhắc nhở người dân trong quá trình lao động sản xuất gần biên giới nếu phát hiện các hiện tượng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, buôn lậu… thì nhanh chóng báo tin cho các lực lượng chức năng xử lý. Giáo cả A Ly cũng khuyên nhủ bà con giáo dân, không vi phạm buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả… Mỗi lần họp dân, hay có lễ, ông đều mời cán bộ biên phòng xuống dự, phối hợp tuyên truyền, từ đó tạo được sự gần gũi giữa cộng đồng dân tộc Chăm với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền cho bà con của mình, Giáo cả A Ly còn thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối thắt chặt tình đoàn kết người dân 2 nước, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự; nhân dân hai bên biên giới sinh sống hòa thuận, đoàn kết.

Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết: “Ông A Ly là người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP và người dân hết sức tín nhiệm. Nhờ uy tín của ông, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường xuyên gần gũi đồng bào dân tộc Chăm, hiểu hơn về phong tục tập quán, tâm tư, nguyện vọng, đời sống của đồng bào để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản Luật Biên giới Quốc gia đến với người dân, giúp người dân thay đối nhận thức, tư duy làm ăn kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia đối diện”.

Sẻ chia yêu thương với đồng bào biên giới

Nhận thấy đồng bào Chăm ở xã Khánh Bình điều kiện dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu là làm ruộng, làm thuê, buôn bán nhỏ, ông trực tiếp đứng ra thành lập các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học... để giúp đỡ họ. Với nỗ lực của ông và các thành viên trong Ban Giáo cả Thánh đường Mukarromah, quỹ vì người nghèo đã vận động được 1,5 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cả hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.

Giáo Cả A Ly (người nhận quà tặng) là 1 trong 40 đại biểu là được vinh danh tại Hội nghị Tuyên dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh, an ninh an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2009 – 2018

Ban Giáo cả đã phối hợp với Đồn Biên phòng cất mới, sữa chữa trên 250 căn nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình nghĩa”, “Mái ấm biên cương”… cho bà con nghèo, trị giá trên 4 tỷ đồng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Khánh Bình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đóng góp quỹ, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn, xây mới, sửa chữa sân trường, phòng học… Ông còn quyên góp vở, tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 1,5 triệu mỗi năm; vận động quỹ mỗi năm 5 triệu đồng để giúp đỡ bà con nghèo mỗi khi bị bệnh, đau ốm.

Ngoài ra, ông thường xuyên vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào và vận động nâng cấp trạm y tế xã, quyên góp tiền mua xe cứu thương miễn phí giúp chuyển bệnh nhanh, kịp thời cho bà con mắc bệnh hiểm nghèo. Những hoạt động tích cực đó góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, ông A ly đã được tặng thưởng các kỷ niệm chương: “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”, “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, “Vì sự nghiệp dân vận”, là 1 trong 40 đại biểu là được vinh danh tại Hội nghị Tuyên dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh, an ninh an ninh biên giới quốc gia” giai đoạn 2009 – 2018. Ngoài ra, ông còn được trao tặng 35 Bằng khen, Giấy khen các loại của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bộ Chỉ huy BĐBP, Công an tỉnh An Giang.

Nguyệt Hà