TĐKT - Với tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, tâm huyết với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thực, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Thịnh B (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.
Cô giáo Nguyễn Thị Thực (thứ hai từ trái sang) thay mặt Trường Mầm non Tân Thịnh B nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Với cương vị là hiệu trường, chị luôn xác định phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong chỉ đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ nhà trường, chị luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai một cách có hiệu quả.
Đồng thời, chị cũng tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua do các cấp, ngành giáo dục và nhà trường phát động. Xây dựng kỷ cương nền nếp trường học, nội quy, quy chế: “Quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo”; “Quy chế văn hoá công sở”, “Quy tắc ứng xử”, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Đặc biệt, chị đã xây dựng thành công mô hình “Không gian kỳ diệu của bé”. Mô hình được triển khai và thực hiện có hiệu quả tại trường và được nhân rộng đến các trường mầm non trong toàn tỉnh Hoà Bình.
Ngoài ra, chị còn tổ chức các hội thi cho giáo viên đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan: Hội thi giáo viên dạy giỏi; Hội thi làm đồ dùng - đồ chơi sáng tạo. Tổ chức hội thi cho các cháu: Hội thi "Vẽ tranh về môi trường và biển đảo", "Bé với an toàn giao thông" đạt kết quả cao được các bậc phụ huynh và nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình.
Bên cạnh đó, với cương vị người đứng đầu nhà trường và mang trên vai rất nhiều trọng trách nhưng chị luôn tự học tập, rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Chị luôn tích cực học tập, trao đổi, cập nhật thông tin, tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, đổi mới phương pháp chỉ đạo chuyên môn cho giáo viên.
Trong nhiều năm công tác, chị đã có nhiều sáng kiến được áp dụng có hiệu quả: Sáng kiến “Xây dựng mô hình lớp học ngoài trời giúp trẻ mầm non trải nghiệm thực tế”; “Nâng cao hiệu quả giáo dục an toàn giao thông trong trường mầm non”; “Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia”...
Nhận thức rõ giáo viên là yếu tố quyết định, là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, chị luôn động viên cán bộ, giáo viên gắn bó với nhà trường, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay có 100% giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác giáo án điện tử, hiệu quả chất lượng bài giảng tốt.
Chị cũng xây dựng các chỉ tiêu thi đua gắn với nhiệm vụ của giáo viên, hàng tháng đánh giá, xếp loại chất lượng giảng dạy của từng đồng chí là điều kiện để khen thưởng phong trào thi đua. Qua đó đã kích thích đội ngũ giáo viên tích cực học tập và sáng tạo trong dạy và học.
Đồng thời, chị chỉ đạo chuyên môn xây dựng kế hoạch, mỗi năm đã tổ chức được từ 11 - 13 chuyên đề với 300 - 320 lượt người tham dự, nội dung chuyên đề đi sâu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Chị còn thường xuyên tổ chức kiểm tra thăm lớp, dự giờ hàng tháng, hàng tuần để đánh giá chất lượng đội ngũ và có những biện pháp bồi dưỡng chuyên môn phù hợp với từng giáo viên, giúp giáo viên đổi mới phương pháp hình thức tổ chức dạy học mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy. Thường xuyên kiểm tra đột xuất, 100% giáo viên, nhân viên đánh giá hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.
Bên cạnh đó, trong những năm qua chị cũng thường xuyên tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giáo dục như Nghị quyết về công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, vận động trẻ ra lớp. Để đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho dạy và học, chị đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, sở, phòng giáo dục bổ sung đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cho nhà trường.
Ngoài chỉ đạo công tác dạy và học, chị còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên trong toàn trường, nhất là đối với những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã phối hợp với công đoàn trường xây dựng “Quỹ phúc lợi”, “Quỹ tình thương”, tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn không tính lãi để tăng gia ở gia đình.
Với 25 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thực đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho từng lứa học sinh, cho sự phát triển của nhà trường, xứng đáng với niềm tin của đồng nghiệp, học sinh và các bậc phụ huynh.
Tùng Chi