TĐKT - Không hạnh phúc nào dễ dàng có được. Đó là một chân lý mà chị Hoàng Thị Tuyền (giáo viên Trường Tiểu học số 1 Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và gia đình đúc rút được sau hơn 30 năm bền bỉ vượt gian nan, đắp xây cuộc sống. Bây giờ, các con của chị đều đã khôn lớn, nên người. Đối với vợ chồng chị, các con giống như quả ngọt trong tay mà mình đã vun trồng nên.
Bền bỉ một hành trình
Anh bộ đội Triệu Thế Mẫn và cô giáo Hoàng Thị Tuyền đều là người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng. Chị Hoàng theo anh vào Nam, rồi đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Đó chỉ là những bước khởi đầu của hành trình đầy trắc trở. Giờ ngồi nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Tuyền không khỏi rùng mình. Chẳng biết lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế.
Anh Mẫn là lính “xe tăng”, từng in dấu chân mọi miền đất nước. Nhẩm tính, sau hơn 30 năm lập gia đình, thời gian hai người sống bên nhau thật sự chỉ là những ngày tháng ít ỏi. Gần thì 50 km, xa thì hơn ngàn cây số, khi anh đóng quân tận tỉnh Đồng Nai. Khi chị Tuyền học xong thì anh chuyển công tác về An Khê (tỉnh Gia Lai). Anh xin cho chị dạy ở một trường cấp 2, nơi gần đơn vị nhất có thể. Thế nhưng, khi chị chưa “ấm chỗ”, anh lại được điều về An Sơn (xã Phước An, huyện Tuy Phước), mỗi tháng mới tranh thủ gặp vợ được một lần.
Năm 1993, khi đứa con gái đầu lòng mới lên 3 tuổi, anh Mẫn xin chuyển vợ về Phước An dạy học để tiện đỡ đần. Trớ trêu thay, ở cạnh nhau chẳng bao lâu thì anh lại chuyển công tác đến Trường Quân sự Quân đoàn 3 (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), mỗi tuần chỉ tạt về nhà được 1 ngày. Vừa lo công việc dạy dỗ ở trường lớp, một mình chị phải “1 nách 3 con”.
“Làm sao có thể quên được mùa mưa chở con đi học. Thằng cu ngồi trước, 2 chị gái ngồi đằng sau. Qua chỗ ngập nước, mẹ phải vác xe đạp, vừa bồng thằng bé qua trước; rồi mới quay lại 2 tay ôm 2 đứa lớn qua sau. Vất vả không sao kể xiết”, chị Tuyền bồi hồi kể.
Gia đình cô giáo Hoàng Thị Tuyền
Chị Tuyền bảo, những lúc khó khăn nhất, chị lại nghĩ về tình cảm vợ chồng, về mái ấm gia đình mình. “Sự đồng điệu trong tình yêu làm cho tình cảm vợ chồng đủ lớn mạnh để ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó chính là nguồn năng lượng theo ta đi suốt cuộc đời. Để giữ lửa ấm gia đình, tạo dựng hạnh phúc thì tình yêu lớn của người phụ nữ cũng như của người chồng quả là quan trọng. Vì vậy, đã là vợ chồng thì hãy cho đi nhiều hơn, hãy nghĩ rộng hơn, hãy cảm thông và cùng nhau chia sẻ ngay cả khi thất bại”, chị Tuyền bày tỏ.
Hơn 30 năm trôi qua, trong chị Tuyền vẫn luôn in đậm những tình cảm khởi đầu. Chị ngâm nga mấy câu thơ mình viết khi còn là sinh viên trong thư gửi người yêu: “Có những ngày em cứ nhớ đến anh/ Da diết, nhớ thương, bồn chồn dữ dội/ Có nỗi nhớ cứ trở thành bão nổi/ Để đôi bờ dào dạt sóng biển xanh”.
Còn thư anh lính Mẫn viết: “Chúng mình xa nhau giữa ngày xuân/ Chồi biếc trong anh là nỗi nhớ/ Mới thoáng thôi đã xòe lá nở/ Rằng nhớ thương là sức mạnh đôi bờ/ Dữ dội, bồn chồn, nhớ thương, da diết/ Là tiếng lòng đâu riêng chỉ là thơ”.
Quả ngọt trong tay
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoắt mà cô chị cả Triệu Mai Hồng đã 26 tuổi, ra trường và đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Cô em Triệu Hoàng Lan là sinh viên năm thứ 3, cậu út Triệu Tường An đã học năm thứ 2. Không chỉ là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; các con của chị còn đạt giải thưởng về thi kể chuyện, phụ trách sao giỏi, đàn hát, hùng biện, dẫn chương trình. Tại hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định tổ chức năm 2008, cả Hồng và Lan đều đạt giải.
Để các con là con ngoan, trò giỏi, rồi trở thành người công dân tốt, chị Tuyền bảo, yếu tố đầu tiên và quyết định là gia đình. Trong đó, người mẹ, người cha phải là tấm gương tốt cho con học tập. Đặc biệt là yêu thương con hết mực, phải là người thầy biết đặt yêu cầu cao để các con phấn đấu, nghiêm khắc uốn nắn để các con trưởng thành, công minh trong đánh giá, giải quyết các vấn đề.
Cô giáo Tuyền nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích học tập và làm theo gương Bác
“Không chỉ chăm lo cái ăn cái mặc mà còn chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm, dạy cho con kỹ năng sống, tức là dạy cho con cách làm người. Dù con có học trường nào thì cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên của các con. Các con ngoan ngoãn, trưởng thành thì gia đình sẽ ấm êm và hạnh phúc”, chị Tuyền chia sẻ.
Chúng tôi bảo, chắc các em giỏi giang là nhờ có “gien”. Chị Tuyền cười: “Đừng quá khen thế chứ!”. Tuy nhiên, nhìn vào bản thành tích “đỏ chói” của chị thì rõ ràng không quá lời. 26 năm cầm phấn, chị đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh, là Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội đồng trường, nhiều lần đạt giải trong các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, thi Chủ tịch Công đoàn giỏi, thi kể chuyện, sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2012, chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích học tập và làm theo gương Bác.
Có “hậu phương” vững chắc, nên anh Mẫn càng yên tâm công tác. Từ anh trung úy lúc mới cưới vợ, giờ anh đã là đại tá. Trước khi nghỉ hưu vào tháng 6/2015, anh Mẫn là Trưởng khoa giáo viên của Trường Quân sự Quân đoàn 3. Từ ấy đến nay, anh trở thành “bếp chính” trong gia đình.
“Từ ngày nghỉ hưu, thời gian rảnh của tôi cũng nhiều, bà xã thì vẫn còn đi dạy, vậy tôi thường hay vào bếp phụ giúp bà xã. Bà xã bảo tuy nấu không ngon lắm nhưng ăn được, vậy là vui rồi”, anh Mẫn cười.
Hiện tại, cuộc sống gia đình của chị Tuyền đang rất hạnh phúc, thuận hòa, ấm êm. Thế nhưng, chị chỉ tự nhận: “Vượt lên tất cả những khó khăn, tôi đã cùng chồng và các con vun đắp, xây dựng gia đình được tạm gọi là hạnh phúc và thành đạt”.
Ánh Hường