Cô gái trẻ gây dựng thành công thương hiệu nấm của người Tày
04/04/2020 - 13:44

TĐKT - Bén duyên với nghề trồng nấm từ năm 2016, không ngừng học hỏi, nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, chị Lường Thị Giang đã gây dựng được một thương hiệu riêng của người Tày ở thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Tới nay, sản phẩm nấm sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang do chị làm chủ đã được người tiêu dùng gần xa biết tiếng và ưa chuộng. Mô hình cho doanh thu hằng năm trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 23 thanh niên tại địa phương.

Chị Lường Thị Giang kiểm tra chất lượng các phôi nấm sò

Trước đây, khi làm nhân viên y tế học đường ở một trường tiểu học, trong quá trình nghiên cứu để tìm sản phẩm nâng cao giá trị dinh dưỡng cho học sinh, chị đã biết đến công dụng của nấm. Nhận thấy nấm là sản phẩm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, sạch, có thể lựa chọn sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp này.

Ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương thôi thúc chị dành toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm 70 triệu đồng xây nhà xưởng, mua 3.000 bịch phôi nấm hoàng đế về trồng. Đây là loại nấm cao cấp nhưng lại trồng được trong môi trường thông thường, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, mang lại năng suất cao.

Chị kể: “Thời điểm đó, nấm hoàng đế còn lạ lẫm trên thị trường Bắc Kạn. Không nản chí, tôi kiên trì chào bán hàng cho người quen, qua mạng xã hội, tiếp thị qua các nhà hàng, quán cơm, bán tại các chợ đầu mối… Dần dần, lượng khách cũng tương đối ổn định, tôi bán được nhiều nấm hơn nhưng sản lượng ít và bị tư thương ép giá do quy mô bé, chưa chủ động trong việc tạo phôi và sản xuất nấm.”

Đợt trồng đầu tiên đạt doanh thu hơn trăm triệu đồng. Được mọi người ủng hộ, chị thêm quyết tâm gắn bó với nghề. Để nâng cao tay nghề, sản lượng, chị mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng nấm. Không quản đường sá xa xôi, chị tìm tới các cơ sở, công ty nuôi trồng nấm tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời chủ động liên hệ với Trung tâm nấm thuộc Viện Di truyền (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và tham gia khóa đào tạo trồng nấm ngắn hạn tại đây.

Chị Giang cho biết: Trồng nấm không hề dễ vì phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn nước, điều kiện khí hậu, mỗi loại nấm lại cần có khu sản xuất riêng… Ngoài ra, trồng nấm đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong các khâu, nếu không phôi nấm không phát triển, công sức bỏ ra coi như uổng phí.

Vừa làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, chị mạnh dạn vận động các thành viên trong xã tham gia thành lập hợp tác xã (HTX).

Tháng 1/2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang do chị sáng lập ra đời dưới sự hỗ trợ, tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, với 10 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu: nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, nấm rơm và nấm hoàng đế.

Chị Giang cùng các thành viên bắt tay lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm địa điểm sản xuất, thuyết phục gia đình cho mượn đất vườn làm khu nuôi trồng nấm. Tháng 4/2018, nhà xưởng được hoàn thiện, tháng 6/2018, HTX đi vào sản xuất. HTX sản xuất quy mô tập trung từ tháng 8/2018 với đội ngũ lao động lành nghề có bằng cấp như kế toán, kỹ thuật, tiếp thị - bán hàng và lao động phổ thông làm việc thường xuyên tại HTX là người dân tộc Tày tại địa phương.

Chị Giang cùng thành viên HTX tiến hành đóng gói các bịch phôi nấm

Năm đầu, HTX chủ yếu sản xuất nấm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Năm 2019, khi ngày càng có nhiều khách hàng có nhu cầu mua bịch phôi nấm về tự chăm sóc, thu hái, HTX đã tập trung sản xuất bịch phôi nấm để bán, bình quân một tháng sản xuất 20.000 bịch, doanh thu ước đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, HTX của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động và 10 - 15 lao động theo thời vụ (là người dân địa phương), thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, thu mua phế phụ phẩm nông nghiệp rơm, rạ (bình quân 15 tấn/tháng); mùn cưa (15 tấn/tháng).

Được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, quy trình sản xuất của HTX liên tục được cải tiến, chuẩn hóa. Các sản phẩm ngày càng được nghiên cứu, phát triển đa dạng và hoàn thiện. Chị Giang cho biết mỗi loại nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ, như vậy chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn.

Chị Lường Thị Giang giới thiệu các sản phẩm của HTX tại các hội chợ, triển lãm

Nhờ sản xuất bằng quy trình khắt khe, áp dụng công nghệ cao, không dùng chất bảo quản nên sản phẩm của HTX Hợp Giang có chất lượng cao. Riêng sản phẩm nấm sò được sản xuất và đóng gói tại HTX Hợp Giang đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm nghiệm và công bố sản phẩm được sản xuất đảm bảo sạch, an toàn, đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5322:1991 (CODEX STAN 38-1981) về nấm ăn và sản phẩm nấm ăn, tuân thủ và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, năm 2018, sản phẩm nấm sò tươi đóng gói của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Không quản ngại khó khăn, với niềm đam mê kinh doanh, chị Giang là tấm gương điển hình sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Chị là một trong 34 thanh niên nông thôn xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. HTX Hợp Giang được UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình OCOP. Mô hình của chị được lãnh đạo huyện quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ phát triển. Đây còn là “điểm đến” cho những người có đam mê nghề nấm chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác đầu tư trong quá trình khởi nghiệp.

Mục tiêu của chị là sẽ đưa HTX Hợp Giang trở thành HTX tiên phong trong việc sản xuất nấm gắn với chuỗi giá trị, áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; trở thành đơn vị hàng đầu trong việc sản xuất và chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm, đến năm 2020 cung ứng nấm và phôi nấm chiếm lĩnh 90% thị trường trong tỉnh, mở rộng và khẳng định thương hiệu tại thị trường ngoài tỉnh.

Phương Thanh