Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động tặng huyện Củ Chi
12/04/2022 - 20:47

Trong chương trình dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các huyện Củ Chi và Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh diễn ra vào chiều 12-4, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi - vùng ”Đất thép thành đồng” có tới 16/21 xã, thị trấn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 772 “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Những năm vừa qua, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã ra sức xây dựng quê hương, từng bước thay đổi bộ mặt vùng nông thôn chuyển dịch cơ cấu nông-công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động tặng huyện Củ Chi
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên lá cờ truyền thống của huyện Củ Chi. Ảnh: TTXVN

Năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị toàn diện trên các lĩnh vực đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu chủ yếu.

Huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi về thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các tổ chức và cá nhân xuất sắc của huyện Củ Chi vinh dự nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đợt này, xứng đáng với truyền thống “Đất Thép thành Đồng,” đẩy lùi dịch Covid-19 tại địa phương.

Chủ tịch nước nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Đảng bộ và chính quyền Củ Chi đã đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực; huy động trên 3.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, lăn xả bất kể ngày đêm làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Củ Chi là huyện có tỷ lệ tử vong thấp nhất, huyện có vùng xanh lớn nhất trong toàn TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động tặng huyện Củ Chi
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng huyện Củ Chi. Ảnh:  TTXVN 

Củ Chi đã làm tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, không để dân đói, dân khó khăn trong dịch bệnh. Sau dịch, huyện đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi phát triển sản xuất; đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình người dân huyện Củ Chi chịu đựng những mất mát trong dịch Covid-19; đồng thời biểu dương đội ngũ cán bộ tuyến đầu lập nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch của địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Củ Chi đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của vùng đất anh hùng; tạo điều kiện thuận lợi cho đà phát triển bứt phá của huyện trong thời gian tới mà đặc biệt là sự kiện xúc tiến đầu tư được tổ chức vào chiều 12-4.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Củ Chi nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ công, kiện toàn bộ máy hành chính để phục vụ người dân tốt hơn; chú trọng phát triển giáo dục, quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến học, khuyến tài; phát huy gìn giữ truyền thống văn hóa; tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công trên địa bàn.

Nhân dịp này, cũng trong sáng 12-4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, có trụ sở tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.

Đây là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trên cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản hướng tới phát triển nông nghiệp, đô thị bền vững trước yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm quy mô nhưng lại tăng về giá trị trong cơ cấu kinh tế thành phố.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 với tổng mức đầu tư toàn khu là 152 tỷ đồng theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại New Zealand, nhằm thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa các nước và Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền công nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động tặng huyện Củ Chi
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Cơ sở này đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao.

Tính đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã sản xuất và cung cấp hơn 6.211 tấn thành phẩm; cung cấp 10-20 triệu cây lan giống; 3-5 triệu con cá giống...

Sau khi thăm các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực đạt kết quả tích cực trong các mặt hoạt động.

Nhấn mạnh đến sứ mệnh lớn lao phía trước, Chủ tịch nước nêu rõ Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh không chỉ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố mà còn phải đóng vai trò thúc đẩy phát triển nông nghiệp miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nâng cao giá trị giá tăng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thành phố và Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp với sứ mệnh đến năm 2030, đưa đơn vị trở thành nơi dẫn dắt nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh và khu vực phát triển hiện đại; từ đó góp phần tích cực vào việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước mong muốn thành phố và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nghiên cứu và đề xuất các chính sách về nông nghiệp công nghệ cao; chủ động huy động các nguồn lực, chú trọng xã hội hóa để phát triển nông nghiệp hiện đại; có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng; trong đó xây dựng mô hình gắn với phát triển du lịch.

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Khu nông nghiệp công nghệ cao, xử lý nghiêm việc không triển khai theo đúng tiến độ nếu có. Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á, qua đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng, nâng cao giá trị sản phẩm sản nông nghiệp, nhất là các sản phẩm giống cây con, ươm mầm phát triển.

Tiếp đó trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, dâng hương tại Di tích lịch sử nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940 tại huyện Hóc Môn. Chủ tịch nước đã thăm, tặng quà ông Phan Công Cường, thương binh hạng 1/4, sinh sống tại Khu phố 3, huyện Hóc Môn; thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ni, sinh sống tại Thị trấn Hóc Môn, có con độc nhất là liệt sĩ; thăm bà Lê Thị Lộc, con Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồi sinh sống tại thị trấn Hóc Môn.

Theo TTXVN