Chủ nhân của nhiều sáng kiến giá trị ngành xi măng
27/11/2017 - 15:35

TĐKT – Với tập thể nữ cán bộ, công nhân, viên chức ngành xi măng, chị Nguyễn Ngọc Mai, công nhân dệt bậc 2/5 Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là một trong những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Mới đây, chị Mai vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được tặng Giải thưởng Phụ nữ năm 2017.

Hơn 12 năm gắn bó với  Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, công việc hàng ngày của chị như một mắt xích quan trọng trong  sản xuất vỏ bao xi măng KPK. Ngày nào chính tay chị cũng thoăn thoắt se những sợi nhựa PP trong dây chuyền để tạo ra vỏ bao xi măng Vicem Hoàng Thạch. Với chị, những sợi nhựa nhiều màu sắc, những tiếng máy móc hoạt động hay lượng bụi bặm hàng ngày đã trở thành những thứ trở nên gắn bó, thân thuộc. Một tiếng kêu to hay vài sợi nhựa bị đứt cũng khiến chị quan tâm và tìm cách khắc phục. Tình yêu và đam mê với nghề đã giúp chị đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty.

Chị kể, trong quá trình làm vận hành dây chuyền máy móc, chị nhận thấy máy thuộc tổ mình ngày một kêu to hơn, bụi dày hơn, vận hành khó hơn, sợi đứt cũng nhiều hơn. Nhiều đồng nghiệp khác thường kêu ca, phàn nàn vì tiếng ồn và lượng bụi xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân.

Với suy nghĩ, coi máy móc như con, chị đã bỏ thời gian, tâm huyết, công sức tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục.

Chị Nguyễn Ngọc Mai (ở giữa) được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ năm 2017

Chị nhanh chóng xác định máy khó vận hành, nhiều bụi là do dầu Silicon của máy lâu ngày đã cạn, cần phải thay. Tuy nhiên, dầu Silicon rất khó mua, chỉ đặt hàng tận nước ngoài mới có, trong khi giá thành lại cao, rồi phải chờ đợi hàng tháng trời hàng mới về, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Lâu nay, Xí nghiệp đã thử nhiều loại dầu bôi trơn khác nhưng không hiệu quả, hay gây đứt sợi trong quá trình dệt.

Chị đã mày mò trên mạng rồi ra các của hàng bán dầu máy, sau đó chị biết đến loại dầu Emerson. Đây là một loại dầu dễ mua, giá thành rẻ, có khả năng thay thế dầu Silicon. Chị đã mua dầu này về thử nghiệm với một số máy móc sơ đẳng tại nhà, thấy hiệu quả rõ rệt, chị đã mạnh dạn đề xuất với tổ giải pháp và ban lãnh đạo Xí nghiệp về sáng kiến sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicon để làm mát và bôi trơn sợi dệt.

Ban lãnh đạo Xí nghiệp đồng ý tạo điều kiện để thực hiện sáng kiến của chị trên dây chuyền máy. Từ khi máy được bôi trơn bằng dầu Emerson, tình trạng máy kêu, sợi đứt, bụi bặm đã được giải quyết khá triệt để. Chị tiếp tục đề nghị thử nghiệm nhiều lần và tìm ra tỷ lệ thích hợp cho dầu Emeson với nước 1% là dung dịch thay thế. Kết quả rất khả quan, các máy dệt sử dụng tốt, giảm tần suất đứt sợi, từ 30 lần xuống còn 20 lần/ca và quan trọng là dầu Emeson rất dễ mua, pha chế và dễ sử dụng.

Được ứng dụng năm 2013, sáng kiến “Nghiên cứu sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicon để làm mát và bôi trơn sợi dệt” đã làm lợi cho xí nghiệp 20 triệu đồng/năm.

Ý tưởng nối tiếp ý tưởng, năm 2014, trong quá trình làm việc, chị Mai nhận thấy phế phẩm của xí nghiệp khá nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là không tìm ra được bộ phận gây lỗi, ca gây lỗi và người gây lỗi để quy trách nhiệm, có biện pháp xử lý đúng, dẫn tới người làm, đôi khi biết phần của mình có phần sơ suất nhưng cứ kệ để sản phẩm chạy theo dây chuyền; đến khi thành sản phẩm rồi thì không đạt yêu cầu của khách hàng nên phải bỏ lại.

 “Trước đây, cả dây chuyền sử dụng một sợi màu giống nhau; để phân biệt, từng tổ đánh dấu công đoạn của mình bằng mực. Mực này theo dây chuyền sẽ mờ dần, bay dần, thậm chí mất hẳn nên không thể nhận biết được phần việc của từng tổ”, chị Mai cho hay.

 Từ trăn trở đó, giải pháp "Cải tiến quy trình đánh dấu sản phẩm công đoạn dệt" được đưa ra. Để thực hiện, chị Mai đề xuất tổ giải pháp việc mỗi tổ sẽ sử dụng một màu sợi khác nhau. Khi sản xuất, kể cả lúc đã ra thành sản phẩm rồi vẫn xác định được tổ nào, ca nào hoàn thành nhiệm vụ của mình đến đâu. Sáng kiến này đã giúp kiểm soát được các kíp sản xuất; kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm của từng công nhân dệt; truy tìm được nguồn gốc sản phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân đối với sản phẩm mình làm ra, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, số sản phẩm lỗi, phế phẩm giảm nhiều.

Vốn là một người tinh tế, ưa quan sát và suy ngẫm về những gì mình nhìn thấy, trong quá trình sản xuất, chị Mai nhận thấy bề rộng sợi và mật độ sợi chưa hợp lý dẫn đến hiện tượng vỏ bao thành phẩm bị bục, rách. Năm  2015, chị tiếp tục đưa ra sáng kiến “Thay đổi chiều rộng sợi vải dệt tại công đoạn tạo sợi và phân bố lại sợi dọc trong máy dệt”.

Theo chị Mai cách làm cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra cuộn vải quá to hoặc nhỏ hơn cũng tác động đến các công đoạn tiếp theo, gây lãng phí nguyên liệu. Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và có sáng kiến chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt hợp lý, điều chỉnh sợi vải dọc theo một sơ đồ nhất định. “Đây là sáng kiến không chỉ giảm tiết kiệm vật tư, giúp cho năng suất lao động tăng lên, giảm tiêu hao vật tư, khoảng 50kg nhựa/ca, lượng phế cũng giảm từ 5 -8 kg/ca còn 2 - 4 kg/ca mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho xí nghiệp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/ca và khoảng hơn 1 tỷ/năm chi phí sản xuất.

 Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, chị còn có sáng kiến "Nghiên cứu chêm chốt trên chốt an toàn của cuộn vải dệt”. Chị bảo, là người công nhân trực tiếp ở công đoạn dệt, cuộn vải khi đặt ra là trên 10.000 m thì bắt đầu mới cắt nhưng qua vận hành, chị thấy bất cập, mất an toàn. Bởi chêm chốt trước kia làm bằng nhựa, qua thời gian sử dụng, chêm chốt bị mài mòn dễ gây mất an toàn nên chị đã cải tiến thay thế chêm chốt đó bằng thép. Nhờ sáng kiến này mà cuộn vải dệt được giữ cố định, không bị rơi làm mất an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất.

Sáng tạo, trách nhiệm với công việc nhưng chị rất khiêm tốn. Chị bảo, mình đứng máy vất vả thì người khác cũng vất vả như thế. Do đó, bản thân luôn mong muốn tìm tòi, sáng tạo trong công việc để giúp tiết kiệm vật tư, giảm giờ làm và tăng năng suất lao động, để giúp chị em làm việc hiệu quả, có thời gian dành cho gia đình sau mỗi giờ làm việc.

Với những đóng góp, sáng kiến trong công việc, những năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở (2013 – 2015), được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen “Phụ nữ xuất sắc toàn quốc giai đoạn 2012 - 2016”  của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Mới đây, dịp 20/10/2017, chị vinh dự là 1 trong 10 cá nhân nhận “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Mai Thảo